T2, 06/07/2020 09:55

Vấn đề hiện nay là con giống và dịch bệnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đây là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II tại Hội nghị giao ban phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi vùng ĐBSCL xoay quanh bài học nuôi tôm.

PV: Vấn đề “nóng” trong nuôi tôm hiện nay là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo: Có hai vấn đề là con giống và dịch bệnh. Tôm sú bố mẹ hiện nay chúng ta vẫn bắt từ ngoài biển về, mà mỗi lần bắt về như vậy là “du nhập” những mầm bệnh mới vào vùng nuôi. Do đó, việc gia hóa con tôm bố mẹ trong điều kiện nhân tạo đang trở thành nhu cầu bức thiết. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đang nghiên cứu, hứa hẹn vài năm nữa sẽ có tôm bố mẹ nhân tạo ở vùng ĐBSCL. Với tôm thẻ chân trắng, mặc dù đã có bố mẹ gia hóa nhưng chúng ta đang lệ thuộc hoàn toàn vào các công ty nước ngoài. Một nước có diện tích nuôi tôm lớn như Việt Nam mà phải nhập khẩu tôm bố mẹ là một bất lợi lớn.

Cái “nóng” thứ hai là dịch bệnh. Con tôm ngày càng xuất hiện nhiều bệnh, và bệnh đang gây đau đầu là đốm trắng, kế đó là hoại tử gan tụy. Kết quả nghiên cứu của Viện II cho thấy có thể giải quyết được bệnh hoại tử. Chúng ta đã xác định được nguyên nhân là do thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), do đó, chỉ cần loại bỏ nó là xử lý xong. Vấn đề còn lại là bệnh đốm trắng. Tuy nhiên, với tôm thẻ chân trắng thì còn rất nhiều bệnh mới. Điển hình nhất là bệnh IMMV (do virus IMMV gây ra) vô cùng nguy hiểm, bệnh này đang gây thiệt hại rất lớn ở nước ngoài. Nếu kiểm dịch không tốt thì chúng ta không còn đối đầu với hoại tử nữa mà sẽ là IMMV. 

    

Phân tích, kiểm tra chất lượng tôm giống

Trong nuôi tôm hiện nay, ngành đang khuyến cáo thực hiện theo “3 có và 3 không”, ông có thể nói rõ hơn về khuyến cáo này?

“3 không” là không dùng thuốc diệt giáp xác, cá tạp, ốc, rong, tảo trong ao nuôi bằng thuốc trừ sâu, hóa chất có nguồn gốc từ thuốc BVTV; không được xả nước, bùn trong ao nuôi trực tiếp ra bên ngoài khi chưa được xử lý; không được thả nuôi tôm giống không có nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra chất lượng và xét nghiệm, kiểm nghiệm các mầm bệnh nguy hiểm. Đối với “3 có”, thứ nhất phải có ao lắng và nơi xử lý nước thải, bùn trước khi đưa ra môi trường bên ngoài. Thứ hai, phải áp dụng quy phạm thực hành nuôi tốt, như: Viet GAP, Global GAP, ASCICC… Thứ ba, phải tham gia vào thành viên của câu lạc bộ, tổ đoàn kết sản xuất, hợp tác xã, hiệp hội để tương trợ nhau sản xuất, không nên sản xuất đơn lẻ.

 

Người nuôi tôm nên quan tâm vấn đề gì nhất trong vụ nuôi tới, thưa ông?

Chuẩn bị cho vụ nuôi 2012, trước mắt chúng ta vẫn phải đối đầu với 2 bệnh lớn là đốm trắng và hoại tử gan tụy. Đốm trắng thường xảy ra vào mùa mưa hoặc khí hậu lạnh trước Tết, nên tôi đề nghị thời điểm sau Tết âm lịch bắt đầu thả giống là tốt nhất. Khi đó, chúng ta sẽ né được đốm trắng; thứ hai, để không bị ảnh hưởng do bệnh gan tụy, trong vụ mùa tới, người nuôi phải nghiêm túc áp dụng “3 không, 3 có” như đã nêu trên thì sẽ khắc phục được. Cái nữa là hết sức lưu ý đến các bệnh mới nhất là bệnh IMMV trên tôm thẻ chân trắng. Tôi đề nghị các cơ quan thú y, chi cục nuôi trồng thủy sản cần tăng cường kiểm dịch để ngăn chặn kịp thời tôm giống có IMMV du nhập vào địa bàn.

Trân trọng cảm ơn ông!

TẤN ĐẠT – THANH CƯỜNG

                (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!