THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Vân Đồn (Quảng Ninh): Giải pháp nào để ngành thuỷ sản phát triển bền vững?

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành Thuỷ sản Vân Đồn đang ngày càng khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo… Thế nhưng để thuỷ sản phát triển bền vững là bài toán khó bởi nhiều khó khăn và thách thức vẫn còn.

Thành công đã có

Vân Đồn có tiềm năng, lợi thế về biển với gần 160.000ha diện tích mặt nước biển. Vùng biển Vân Đồn tiếp giáp với các ngư trường lớn tiện lợi cho tàu thuyền ra vào đánh cá ở ngư trường khơi cũng như ngư trường lộng và trú ẩn khi bão dông. Biển Vân Đồn có nguồn lợi thuỷ hải sản tự nhiên không những lớn về trữ lượng mà cả chủng loại, đặc biệt là các loài có giá trị kinh tế cao như sá sùng, tôm hùm, bào ngư… Tính đến hết năm 2012, tổng số tàu thuyền khai thác, làm dịch vụ thuỷ sản trên địa bàn huyện là 1.670 chiếc, trong đó có 62 chiếc có công suất trên 90CV… Vùng biển Vân Đồn được thiên nhiên ưu đãi có nhiều đảo xen kẽ, tạo nên những áng tùng, vụng ít chịu ảnh hưởng của gió bão, có độ sâu trung bình từ 7 – 15m rất thích hợp để nuôi trồng thuỷ sản.  Không chỉ dừng lại ở những nguồn lợi sẵn có, trong những năm qua, nuôi trồng thuỷ sản tại Vân Đồn đã có những bước phát triển mạnh mẽ, diện tích, năng suất, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản không ngừng tăng qua các năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nghề nuôi nhuyễn thể như: Tu hài, ốc đá, ốc màu, hàu, ốc nhảy, ốc đẻ đen, ốc hương, ngao hoa… phát triển khá mạnh, thu hút được nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia vào lĩnh vực này. Với những ưu điểm dễ nuôi, vốn đầu tư ít, giá trị kinh tế cao. Ngoài con giống, người nuôi không phải đầu tư chi phí thức ăn. Bởi thức ăn của chúng có sẵn trong tự nhiên chủ yếu là các loài tảo biển mà các loài tảo biển này phát triển ở vùng biển Vân Đồn với mật độ cao, đa dạng về chủng loại và giống loài, đây là lý do chính để nhuyễn thể nhanh chóng được nhiều hộ gia đình chọn nuôi. Nghề nuôi nhuyễn thể trên địa bàn huyện là một nghề phát triển cả về quy mô và diện tích. Đơn cử như nuôi ngao hoa có nguồn gốc từ Đài Loan. Nhận thấy, ngao hoa có sức sống bền bỉ, chịu được mưa rét, thời gian thu hoạch ngắn, chỉ bằng một nửa so với nuôi tu hài (từ 10 tháng đến 1 năm), không kén đất sống, lại có đầu ra xuất khẩu hết sức rộng mở, giá ngao hoa cũng được bán tương đối cao nên đã thu hút được đông đảo người dân tham gia nuôi trồng. Đến nay, ngao hoa đã được nhân rộng ra các xã như: Ngọc Vừng, Đông Xá, Thắng Lợi, Quan Lạn… Từ việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện, đồng thời góp phần quan trọng vào việc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

Ngư dân xã Ngọc Vừng (Vân Đồn) thu hoạch cá giò. 

Ngư dân xã Ngọc Vừng (Vân Đồn) thu hoạch cá giò.

Khó khăn vẫn còn

Không thể phủ nhận những kết quả đã đạt được của lĩnh vực thuỷ sản trong thời gian qua trên địa bàn huyện, thuỷ sản Vân Đồn còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu tính bền vững do đó tiềm ẩn những rủi ro khó lường trước. Thực tế cho thấy, so với tổng số tàu thuyền trên địa bàn huyện làm nghề khai thác thuỷ hải sản, đội tàu đánh bắt tuyến khơi của Vân Đồn vẫn còn hạn chế. Ngư dân phần lớn vẫn sử dụng những phương tiện tàu thuyền có công suất nhỏ, thô sơ khai thác ven bờ. Điều này dẫn đến sản lượng khai thác thuỷ hải sản tự nhiên hàng năm chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, nghề khai thác đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nguồn giống cung cấp cho nghề nuôi trồng thuỷ sản tại Vân Đồn hiện nay chưa đáp ứng được về số lượng cũng như chất lượng. Bởi phần lớn giống đưa vào nuôi là giống trôi nổi trên thị trường, hoặc được người nuôi mua về từ Trung Quốc và các tỉnh miền Trung, miền Nam, khó kiểm soát về chất lượng nên rủi ro về dịch bệnh là rất lớn. Cùng với khó khăn về nguồn giống thì việc quy hoạch vùng nuôi đối với các đối tượng nuôi còn hạn chế, chủ yếu mang tính tự phát, mạnh ai người đó nuôi đã ảnh hưởng xấu tới môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc kiểm soát về tình hình dịch bệnh trong nghề nuôi gặp khó khăn. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi khi xuất hiện dịch bệnh tại một vùng nuôi trồng thuỷ sản nếu không quản lý tốt và phòng chống dịch bệnh kịp thời thì dịch sẽ nhanh chóng lây lan rộng ra toàn vùng nuôi và sang các vùng nuôi khác. Điển hình như vụ nuôi năm 2011, tình hình dịch bệnh đã phát sinh và khó kiểm soát đối với nghề nuôi tu hài tại địa phương khiến tu hài chết hàng loạt. Ước tính thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cũng như chưa xác định được dịch bệnh để có phương án xử lý hiệu quả. Chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu chưa được quan tâm, chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô. Mặt khác ý thức và nhận thức về môi trường của phần lớn người nuôi chưa cao, người dân tự ý xả thải ra môi trường đã đe doạ nghiêm trọng đến tính bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản.

Thiết nghĩ, để ngành Thuỷ sản phát huy được hiệu quả hơn nữa, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương thì cần có sự vào cuộc tích cực các cấp, các ngành, địa phương và người dân.

Cao Quỳnh

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!