(Thủy sản Việt Nam) – Tết Nguyên Đán là tết quan trọng nhất trong năm. Tết bắt đầu vào giờ Tý, tháng Dần, tiết Xuân, là mùa sinh trưởng của vạn vật “xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn”. Trước đây, người miền Tây ăn tết không chỉ có ba ngày mà còn chuẩn bị trước cả tháng, nhất là ở vùng nông thôn.v
Hàng năm, khi ngọn gió bấc lao xao thổi về là xóm làng lại vang lên tiếng quết bánh phồng, tiếng trẻ con ơi ới vây quanh các lò tráng bánh, không khí Tết rộn rã từ giữa tháng Chạp. Thời kỳ tôm cá hào sảng, khi con nước bắt đầu rút thì bà con nông dân bắt đầu tát đìa và dỡ chà bắt cá, quây mương bắt tôm. Mọi người tất bật đi mua sắm, kẻ sơn nhà, người quét dọn, các cụ già chùi lại bộ lư đồng, cắt tỉa lại hàng dâm bụt và dọn dẹp mấy chậu hoa, chậu kiểng. Khoảng chiều 28, 29 âm lịch, những gia đình dư ăn dư để lại làm heo ăn mừng, một phần thịt heo đem chia cho bà con hàng xóm, qua giêng lấy lại lúa trừ tiền. Ai nấy đều nôn nao chờ đón xuân về.
Tết Nguyên đán mang bản sắc văn hóa của nếp sống cộng đồng. Ngày 23 Tết, bà con ở Đồng bằng sông Cửu Long, giàu hay nghèo cũng đều lo mua sắm bánh trái, chè xôi cúng đưa ông Táo. Có nơi kết hợp cúng ông Táo tức Thổ Công với việc cúng Thổ địa và Thổ kỳ là ba vị phúc thần gần gũi nhất đối với thế nhân.
Những đóa mai vàng khoe sắc Ảnh: Phan Thanh Cường
Ngày lễ Tết vừa mang tính thế tục (thiên về vật chất như ăn, uống) vừa mang ý nghĩa tâm linh (thiên về tinh thần, hướng về cội nguồn, vui chơi giải trí, đoàn tụ gia đình). Mùa xuân là mùa tốt đẹp nhất để cho con người giao hòa với trời đất theo quan niệm “thiên nhân tương ứng”, là mùa cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc, mọi người thường chọn những loài hoa, những cây kiểng có cái tên thật đẹp, có ý nghĩa để mang về chưng Tết như: sung, phát tài, vạn thọ, mai, đào, cúc, trúc… với hy vọng năm mới được tốt lành, mọi sự như ý. Trên bàn thờ nhiều gia đình thường chưng thêm mâm ngũ quả gồm xoài, đu đủ, mãng cầu, dừa, sung hàm ý một ước mơ khiêm tốn: “cầu mong có cuộc sống sung túc”.
Ngày Tết trăm hoa đua nở, sắc màu rực rỡ nhưng mai vàng phương Nam mới là loài hoa Tết, là cốt cách của mùa xuân. Do đó, nhiều gia đình khá giả sẵn sàng bỏ ra vài triệu bạc chọn một cây mai thật đẹp để đón giao thừa.
Sách y học cổ truyền nói rằng mùa xuân là mùa của “khí”, trời đất nảy sinh, còn “khí” của con người thì ở kinh mạch nên việc dậy sớm đêm giao thừa để đi chùa lễ Phật và hái lộc sẽ giúp cho tinh thần sảng khoái, hợp với lẽ âm dương của trời đất và nhịp sinh học của cơ thể con người. Giờ giao thừa là thời khắc quan trọng nhất đối với gia trưởng và mọi thành viên trong gia đình. Theo quan niệm của ông cha, trong đêm trừ tịch, giờ giao thừa diễn ra giữa giờ Hợi (năm cũ) và giờ Tý (năm mới), là giờ bàn giao giữa cái cũ và cái mới của quan hành khiển. Trước cảnh “tống cựu nghinh tân” đó, người gia trưởng đứng lên khấn vái, tiễn đi tất cả cái cũ, cái xấu, cái dở, cái rủi ro và xin đón nhận cái mới, cái hay, cái đẹp, điều may mắn và tốt lành.
Mặc dù Tết bây giờ có cái mất cái còn, nhưng cho tới nay nhân dân ta vẫn còn giữ được một số phong tục cổ truyền như lễ rước ông bà vào ngày 30 âm lịch, lễ cúng mùng 3 và lễ hạ nêu. Nhiều cơ quan, trường học, công ty, xí nghiệp thường tổ chức buổi tiệc tất niên để cho mọi người họp mặt chúc Tết trước khi chia tay về đoàn tụ với gia đình.
Tết là ngày sum họp gia đình, là ngày con cháu tề tựu đông đủ để chúc phúc và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thảo, vợ chồng gắn bó thủy chung, xóm giềng thăm hỏi lẫn nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết và tô thắm tình người.
Quây quần gói bánh tét Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Tục múa lân trong ngày Tết ở miền Tây và cả nước cũng không ngoài ý nghĩa cầu mong cho đất nước thái hòa, cho người người no ấm. Tiếng trống lân trầm hùng dồn dã như thúc giục mọi người đứng lên đón rước một mùa xuân thanh bình và thịnh vượng. Hai tiếng “lì xì” tuy xuất phát từ Trung Quốc nhưng cũng phổ biến ở nước ta nhằm chúc cho mọi người phát tài, trẻ em hạnh phúc.
Nhiều nơi, bà con vẫn giữ tục xông đất, nghĩa là chọn những nhà của bạn bè, bà con hàng xóm có cái tên thật hay, thật đẹp như Phú Quý, Hoa, Lộc, Thọ… để đầu năm đến chúc Tết họ đồng thời cũng mời những người có uy tín, đức độ và địa vị xã hội đến “xông đất” nhà mình với hy vọng năm mới được vạn sự như ý.
>> Ý nghĩa sâu sắc nhất của lễ tục Tết Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là triết lý nhân bản, là mối giao hòa giữa con người với con người.
Huỳnh Nguyệt – Hoàng Vũ