VASEP đề nghị không kéo dài sửa Luật Lao động sang năm 2019

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 26/1/2018, VASEP đã gửi công văn kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội sớm đưa vào sửa đổi các vướng mắc, bất cập trong các Bộ luật liên quan đến BHXH, Tiền lương, Công đoàn, đặc biệt báo cáo Chính phủ xin đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động 2012 để trình Quốc hội trong năm 2018 thay vì để đến năm 2019 mới trình như kế hoạch dự kiến

Trong bối cảnh Bộ Luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ một số bất cập không tạo thuận lợi, gây khó khăn cho cả DN và người lao động và chi phí của DN cho người lao động gia tăng rất lớn, trong đó có việc mở rộng đối tượng và mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH.

Nội dung quan trọng này đã được VASEP báo cáo nhiều lần với Bộ LĐ-TB&XH từ 2015 và mới đây nhất là tại Hội nghị “Người sử dụng lao động 2017 – Đối thoại với DN về thực hiện chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội” do VCCI tổ chức tại Hà Nội ngày 21/12/2017. Sau đó, VASEP cũng đã có Công văn số 02/2018/CV-VASEP ngày 5/1/2018 gửi Bộ LĐ-TB&XH và VCCI kiến nghị giải quyết các bất cập về pháp luật lao động hiện hành và tỷ lệ đóng góp BHXH, kinh phí công đoàn.

Theo VASEP, các nội dung bất cập tại một số quy định về lao động được đánh giá là nội dung quan trọng bậc nhất trong giai đoạn cải cách và chung tay công – tư hiện nay. Do vậy, việc tiếp tục kéo dài sửa đổi Bộ Luật Lao động – một nội dung lớn và quan trọng thêm 2 năm nữa tức là kéo dài tới 2019 là không tương xứng với mức độ quan trọng, kéo dài các khó khăn cho cả DN, người lao động và trực tiếp ảnh hưởng đến các nỗ lực của cả xã hội về cải thiện môi trường kinh doanh.

Trên cơ sở đó, và tiếp nối các nội dung bất cập đã được VASEP báo cáo, kiến nghị tại công văn số 121/2015/CV-VASEP ngày 8/7/2015 và đã được Bộ LĐTBXH có văn bản trả lời số 4782/LĐTBXH-PC ngày 23/11/2015, công văn số 02/2018/CV-VASEP ngày 5/1/2018 nhưng cho tới nay những đề xuất của Hiệp hội chưa được xem xét giải quyết thỏa đáng.

Do đó, VASEP kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội sớm đưa vào sửa đổi các vướng mắc, bất cập trong các Bộ luật liên quan đến BHXH, tiền lương, công đoàn, đặc biệt trình Chính phủ xin đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động 2012 để trình Quốc hội trong năm 2018 thay vì để đến năm 2019 mới trình như kế hoạch dự kiến.

Đồng thời, VASEP xin đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét giải quyết sớm ngay từ quý 1/2018 một số bất cập, vướng mắc được các Hiệp hội và cộng đồng DN kiến nghị trong 2 năm qua, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và đã được Bộ LĐTB&XH xem xét, đánh giá, bằng các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ hay các Quyết định, Thông tư của các Cơ quan quản lý nhà nước như Bộ LĐ-TB&XH,  BHXH Việt Nam….

Chi phí lao động ngày một tăng cao trong khi năng suất lao động tăng rất ít. Do đó trong giai đoạn quá độ như hiện nay, cần có các chính sách về thu BHXH một cách hài hòa, tăng thu nhập thực tế cho người lao động, tránh mâu thuẫn giữa DN và người lao động, đồng thời gia tăng giải quyết được nhiều việc làm hơn.

Các báo cáo chuyên môn cũng đã chỉ rõ, mức đóng BHXH hiện tại của Việt Nam đang cao nhất trong khu vực ASEAN, khi lên tới 32% tổng thu nhập tiền lương tháng (DN đóng 22%, người lao động đóng 10%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn (DN đóng kinh phí CĐ 2% quỹ lương, người lao động đóng 1%). Trong khi đó, cùng khu vực, Malaysia chỉ phải đóng BHXH chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%, còn Thái Lan 5%…. VASEP kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH báo cáo trình Chính phủ xem xét việc đề nghị bãi bỏ việc thu kinh phí công đoàn từ DN để bớt gánh nặng chi phí cho DN, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong thời gian chưa sửa Luật, VASEP đề nghị ngay từ qúy 1/2018, Chính phủ xem xét cho giảm mức đóng góp kinh phí công đoàn 2% xuống còn 1% và toàn bộ kinh phí công đoàn được để lại cho DN để tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người LĐ (không phải nộp phí công đoàn lên công đoàn cấp trên). Hàng năm, DN báo cáo quyết toán hoạt động thu chi này, nếu DN không sử dụng hết mới phải nộp về công đoàn cấp trên.

Năm 2018, trong bối cảnh thực hiện một số quy định của Luật BHXH, bao gồm đặc biệt việc mở rộng đối tượng và thu nhập làm căn cứ đóng BHXH thì việc duy trì một tỷ lệ cao trong đóng BHXH và các khoản đóng góp khác liên quan đến người lao động như hiện nay sẽ là một gánh nặng không nhỏ cho các DN và có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Tạ Hà

Vasep

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!