(TSVN) – Những ngày cuối năm 2020, trên cánh đồng lúa – tôm của anh Ba Giới (Trần Văn Giới, ấp 1, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, Cà Mau), rộn ràng tiếng máy cắt lúa xen lẫn tiếng nói cười của những người tham quan trước thành công từ mô hình của anh trong năm qua.
Lúa – tôm nhà anh Ba Giới thu hoạch là “tâm điểm” thu hút nông dân không chỉ của ấp mà còn của xã Tân Lộc Bắc đến tham quan. Ông Hứa Văn Tiết, nông dân cùng ấp thán phục: “Công nhận anh Ba Giới giỏi thiệt, năm nay khó khăn mà anh vẫn có cách làm lúa đạt như vậy. Tôi học kinh nghiệm từ anh mà năm nay lúa đạt năng suất cao hơn vụ trước lắm. Lúa của tôi cũng tốt nhưng trổ lép còn nhiều”.
Kỹ sư Nguyễn Duy Thanh tiếp lời: “Anh Ba làm lúa năm nào cũng trúng nhất vùng, tôm sú cũng thế. Nghĩ xem, lúa – tôm mà có năm gần 50 giạ/công vuông, với chỉ 2 ha anh Ba đặt 1 đêm trên 200 kg tôm sú loại hai mươi mấy con. Nông dân trong ấp thấy chịu sao nổi. Vậy đó, nên mọi người hay đến nhờ anh Ba chia sẻ kinh nghiệm”.
Tôm càng xanh toàn đực được anh Ba Giới thả nuôi 2 giai đoạn, năng suất trên 200 kg/ha. Ảnh: DL
Anh Ba Giới cười và nói: “Mỗi lần hội họp, tôi hay chia sẻ kỹ thuật. Làm theo tôi đi, thất một tôi đền hai, nhưng phải làm theo tôi, y khuôn à nghe. Hễ tôi tát nước cắt vụ phơi đầm thì cũng phải tát nước phơi đầm. Tôi ngâm giống sạ hay thả, thu hoạch dứt điểm tôm sú chuẩn bị cho con tôm càng xanh thì làm y như tôi sẽ thành công như tôi hà”.
Anh Võ Văn Ấu gật gù, anh Ba Giới là nông dân chân chất, luôn cần cù, ham học hỏi. Mỗi khi có hội thảo triển khai mô hình mới, quy trình kỹ thuật mới hay cây con giống mới, anh là người tiên phong thực hiện. Làm để tự kiểm chứng đối tượng, quy trình, hiệu quả và quan trọng nhất là kiểm chứng sự thích nghi của từng đối tượng với địa phương mình.
Mỗi năm anh Ba Giới thu nhập trên 300 triệu đồng từ tôm, cua, cá và lúa
“Một mình canh tác 2 vuông tôm – lúa với diện tích 3,8 ha, cùng công việc trưởng ấp nhưng năm nào con tôm, cây lúa cũng trúng nhất; có nhiều đối tượng cây con hiện hữu trên mảnh vườn nhất và là người tiên phong tiếp thu tiến bộ kỹ thuật áp dụng cho địa phương. Bởi vậy, người dân trong ấp thường gọi anh là Ba Nhất”, anh Võ Văn Ấu tấm tắc.
Ông Hứa Văn Tiết nhận định: “Cứ 2 năm anh cho xáng cuốc giặm bờ ngăn mọi, giữ nước, công trình vuông nuôi rất chắc chắn. Có lần anh Ba phơi đầm rửa mặn trên 2 tháng nhiều anh em nói ảnh khùng dữ. Hỏi ra, anh nói, 1 năm làm được có 1 vụ lúa phải rửa mặn triệt để, cho chắc ăn. Làm vậy, khi trúng được lúa thì mới mong trúng được vụ tôm”.
Anh Ba Giới chia sẻ, phải kỹ mới được, phơi khi nào chỗ trũng nhất cũng nứt chân chim, cũng trắng đất mới được. Song song đó, phải rải vôi kết hợp bón phân chờ mưa lai rai rửa phèn và mặn và kết hợp rút nước mặn ra ngoài. Khi gặt xong phải tát nước phơi đầm cho gốc dạ khô, bón phân, cấp nước từ từ chờ phân gây màu nước ổn định rồi mới thả tôm nuôi. Làm như vậy tôm mới trúng”.
Với cách làm từ việc gia cố bờ vuông tôm cao, chắc chắn bằng xáng cuốc nên đợt ảnh hưởng mưa gây ngập úng kỷ lục vừa qua, anh Ba Giới không chút lo lắng. Anh chủ động điều tiết nước cho cây lúa và con tôm càng xanh phát triển tốt, trong khi nhiều nông dân trong ấp chịu cảnh “tôm bò đi, lúa không cứu được”, gần như trắng tay.
Trải qua nhiều năm, thực hiện 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, nuôi nhiều đối tượng từ con tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, trồng các loại giống lúa với từng quy trình mới, anh Ba Giới đã tìm cách “khắc chế”, thích nghi với sự biến đổi bất lợi của thời tiết.
Dẫn mọi người đi tham quan tôm càng xanh, đưa tay dỡ nhá lên với hơn 10 con tôm, anh Ba chắc nịch, thu hoạch vụ này sẽ đạt mười mấy con 1 kg. Còn về các đối tượng cây con trên diện tích gia đình, anh Ba Giới cười bảo: “Cá bống tượng là đối tượng tăng thêm thu nhập, mỗi năm vài chục triệu đồng. Nhà nuôi nhiều loại cá như cá chim, thát lát và trồng rau nối vụ để phục vụ bữa ăn hằng ngày và đãi khách đến chơi”.
Diệu Lữ