T2, 06/07/2020 09:47

Về đích 2010, tự tin 2011!

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo dự báo của Trung tâm Tin học – Thống kê Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 cả nước đã “về đích”, ước đạt 4,82 tỷ USD, tăng khoảng 13,4% so với năm 2009, cao hơn so với mục tiêu đề ra là 4,5 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam nằm trong 6 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Khép lại năm 2010, cùng nhìn lại những thành quả mà thủy sản Việt Nam đã đạt được và tự tin hướng đến năm mới 2011đầy triển vọng.

Cung  – cầu mặt hàng thủy sản

Thị trường thủy sản thế giới năm 2010 phải đối mặt với nhiều thách thức như nền kinh tế toàn cầu trong tình trạng khủng hoảng… Chính điều này đã làm cho chi tiêu tiêu dùng giảm, xu hướng tiết kiệm tăng. Đây thực sự là những trở ngại lớn cho quá trình phục hồi của thương mại thủy sản toàn cầu. Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… cũng theo đó mà đã gặp phải không ít “sóng gió”.


Thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam ngày càng mở rộng            Ảnh: Lê Bảo Yến

Một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia,  Philippines đã có nhiều sự đầu tư mạnh mẽ trong việc mở rộng sản lượng, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, củng cố và xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đây cũng là một trong những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tại thị trường Mỹ, sự cố tràn dầu trên Vịnh Mexico là “cơ hội vàng” để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường này. Tuy nhiên, tôm Việt Nam đã phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm Thái Lan. Tại thị trường Nhật Bản, việc các lô hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam có chứa hoạt chất Trifluralin vượt mức cho phép đã làm cho nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng thủy sản Việt Nam giảm mạnh. Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá cao đối với cá tra, basa và WWF đưa cá tra, tôm, cá rô phi vào “danh sách đỏ” đã gây tổn hại lớn đến cho doanh nghiệp và người nuôi. Đồng thời, cũng làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ của thị trường này trong dịp Giáng sinh và Tết…

 

Cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu chính

Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,1 triệu tấn thủy sản sang 158 thị trường trên thế giới, đạt giá trị gần 4,04 tỷ USD, tăng 10,8% về khối lượng và 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009.

Trong 10 tháng, 5 thị trường tiêu thụ nhiều nhất thủy sản của Việt Nam theo thứ tự, gồm: dẫn đầu là EU, chiếm 23,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, với 297,8 nghìn tấn, trị giá gần 954,4 triệu USD, tăng 2,6% về khối lượng và 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009. Do đồng EUR liên tục mất giá trước đồng USD nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc nhập khẩu thực phẩm nói chung của khối và nhập khẩu thủy sản trong năm 2010 có thể chỉ tăng nhẹ so với mức năm 2009. Thị trường Mỹ đứng thứ 2, chiếm 19,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, với 124,1 nghìn tấn, trị giá khoảng 776,2 triệu USD, tăng mạnh cả về khối lượng 23,5% và giá trị 39,5%. Nhật Bản là nhà nhập khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam, nhập 113.203 tấn, trị giá trên 733 triệu USD, tăng 22,8% về khối lượng và tăng 19,5% về giá trị. Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 4 với 7,3 % tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đứng ở vị trí thứ 5 là Trung Quốc, chiếm 4,7% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật đang gặp trở ngại lớn về vấn đề nhiễm dư lượng thuốc diệt tảo Trifluralin và Nhật đang áp dụng chế độ kiểm tra gắt gao hơn đối với thủy sản Việt Nam.

 

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chính

Có thể thấy, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn còn khá đơn điệu, chủ yếu là tôm, cá tra, basa, nhuyễn thể, các loại thủy sản đông lạnh và thủy sản khô. Trong 10 tháng đầu năm 2010, có 6 nhóm mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó 3 sản phẩm có tỷ trọng giá trị lớn nhất chiếm 76,3 % tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, cụ thể đứng đầu là tôm với 41,7%, xếp thứ 2 là cá tra, basa 28,5% và cá ngừ với 6,1% đứng ở vị trí thứ 3. Ngoài ra, 3 mặt hàng xuất khẩu còn lại là nhuyễn thể, giáp xác khác và các loại cá.

 

Đánh giá thủy sản Việt Nam năm 2010

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2010 có thể sẽ đạt đến con số 4,7 – 4,8 tỷ USD, vượt qua mục tiêu 4,5 tỷ USD đã đề ra. Việt Nam có điều kiện thuận lợi về tự nhiên, môi trường, khí hậu cho chăn nuôi thủy hải sản, mang lại năng suất nuôi trồng cao, chất lượng thịt cá thơm ngon, đặc biệt trong ngạch cá da trơn đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Ngoài các thị trường chính như EU, Mỹ, Nhật Bản…, Việt Nam đang tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng thị phần tại các nước mới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga… Đa dạng thị trường là một trong những biện pháp giúp Việt Nam giảm được rủi ro khi các thị trường xuất khẩu chính đưa ra những chính sách nhằm hạn chế xâm nhập thị trường. Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nguồn nguyên liệu không ổn định, việc phát triển nhanh chóng của ngành thủy sản trong những năm gần đây đã gây ra việc nuôi trồng hải sản đại trà nhằm đáp ứng kịp tốc độ chế biến và xuất khẩu, sự biến đổi khí hậu làm giảm diện tích đất canh tác, đặc biệt là phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại từ các nước…

 

Triển vọng năm 2011

Giá cả thủy sản có thể tăng lên trong năm 2011 khi thủy sản đang trở thành thức ăn bổ dưỡng, thay thế cho các nguồn thực phẩm khác đang có nhiều nguy cơ dịch bệnh. Đây chính là cơ hội cho thủy sản Việt Nam để “chinh phục”, “chiếm lĩnh” và “phá tan” những rào cản trên thị trường thế giới.

Châu Phi có thể sẽ trở thành thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2011. Từ năm 2000 – 2003, mới chỉ có một vài quốc gia tại châu Phi nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam với khối lượng không lớn, từ 5 – 150 tấn thủy sản/năm Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2010, khối lượng nhập khẩu thủy sản tại một số nước ở châu Phi đã tăng lên mạnh mẽ, cụ thể như: Ai Cập đã nhập khẩu trên 16 nghìn tấn thủy sản, tiếp đó là Algeria 1.900 tấn, Nigeria 1.034 tấn, Libi 407 tấn, Nam Phi 223 tấn. Ngoài ra, một số nước ở châu Mỹ Latinh như Argentina, Mexico, Brazil… cũng hứa hẹn là những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản năm 2011.

 Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vẫn chưa được đa dạng hóa, vẫn chỉ xoay quanh các mặt hàng như tôm, cá tra, basa… Tuy nhiên, trong năm 2011, ngoài việc mở rộng thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang từng bước đa dạng hóa các sản phẩm. Ngoài tôm, cá tra, basa… đã có chỗ đứng trên thị trường thì các mặt hàng mới như cá ngừ, cá nóc, mực, bạch tuộc, ngao… cũng có thể sẽ trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Mới đây nhất, việc ra đời của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam và sự kiện xuất khẩu lô hàng 23 tấn cá nóc đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc đã minh chứng cho điều đó. Có thể thấy năm 2011 là một năm đầy tiềm năng cho sự phát triển của ngành thủy hải sản Việt Nam.       

Ngày 16/9/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2020, kinh tế thuỷ sản đóng góp 30 – 35% GDP trong khối nông – lâm – ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 – 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 – 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 – 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65 – 70% tổng sản lượng.

 

Đậu Đậu

 


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!