T2, 06/07/2020 09:54

Về nuôi tôm thẻ chân trắng: Cho phát triển nếu kiểm soát tốt môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau khi NTNN đăng tải loạt bài “Tôm thẻ chân trắng: Người ôm hận – kẻ đam mê”, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở với phóng viên về nhiều khía cạnh trong việc nuôi, phát triển loài vật nuôi này.

Quan điểm của Bộ NNPTNT đã được công khai là cho nuôi mở rộng, phản đối việc đưa tôm thẻ chân trắng (TTCT) vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Vậy Bộ đã cân nhắc lợi – hại của loài tôm này như thế nào?

– TTCT là loài nuôi phổ biến trên thế giới với sản lượng đạt trên 2,85 triệu tấn năm 2010. Năm 1997 TTCT chỉ chiếm 10% tổng sản lượng tôm thế giới, nhưng đến năm 2010 đã chiếm trên 85%.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Ở Việt Nam, TTCT đã phát triển khá mạnh những năm gần đây, 7 tháng đầu năm 2011 sản lượng tôm xuất khẩu đạt 125.000 tấn với giá trị gần 1,2 triệu USD, trong đó TTCT đạt khối lượng gần 40.000 tấn, giá trị trên 730.000 USD, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2010 là 31% về khối lượng và 66% về giá trị, trong khi mức tăng tương ứng của tôm sú là 6% và 20%.

Việc cho phép phát triển nuôi TTCT ở những vùng có kiểm soát là phù hợp với tình hình thực tế sản xuất và thị trường. Với lợi thế dễ thích nghi các vùng sinh thái, tăng trưởng nhanh, thời vụ nuôi ngắn, có thể nuôi thâm canh với mật độ cao và có khả năng tăng vụ, TTCT được người sản xuất ở khu vực miền Trung, miền Bắc lựa chọn là đối tượng nuôi chủ lực thay thế tôm sú thường xuyên bị thua lỗ do dịch bệnh.

Môi trường nuôi cũng được cải thiện hơn do nuôi TTCT chủ yếu là hình thức thâm canh, bán thâm canh ít thay nước và sử dụng công nghệ vi sinh, vì vậy người nuôi tôm thẻ chân trắng ít sử dụng kháng sinh, hoá chất và các chất cải tạo môi trường hơn nuôi tôm sú. Ở 2 vùng này, phải khẳng định là nuôi TTCT có lợi hơn nuôi tôm sú vì người dân nuôi ít bị thua lỗ hơn.

Đó là những con số của nước ngoài, còn trên thực tế, việc nuôi TTCT ở nước ta đã có những đánh giá như thế nào?

– Do nhiều vùng nuôi tôm sú bị dịch bệnh, thiếu tôm nguyên liệu cung cấp cho xuất khẩu, nên Bộ cho phép mở rộng diện tích nuôi TTCT để giải quyết vấn đề thiếu hụt tôm nguyên liệu, cũng như tạo điều kiện cho người nuôi tôm có cơ hội "gỡ vốn" để tái sản xuất.

Thực tế, khi Bộ chưa cho phép thì ở nhiều địa phương người dân đã "lén" thả nuôi TTCT ở một số nơi và thu được kết quả tốt. Riêng ở vùng quy hoạch nuôi TTCT thâm canh ở Kiên Lương (Kiên Giang), TTCT được một số doanh nghiệp nuôi ở quy mô lớn cho sản lượng rất cao và không bị dịch bệnh, được xem là "mô hình mẫu" về nuôi TTCT ở vùng "rốn phèn" ĐBSCL.

Vì vậy, lợi hay hại đối với nuôi TTCT là ở chỗ người nuôi có chủ động kiểm soát được môi trường hay không. Nếu kiểm soát được thì nên khuyến khích phát triển, ngược lại nếu chưa kiểm soát được thì nên hạn chế và tìm cách khắc phục.

Có ý kiến lo rằng, việc lây nhiễm bệnh Taura giữa TTCT và tôm sú trong các vùng nuôi, hay gây nguy hại đến môi trường sinh thái tự nhiên của TTCT sẽ có thể bùng phát trong một thời điểm của tương lai. Bà nhận xét gì về khả năng này, và những giải pháp phòng ngừa nếu tình trạng đó xảy ra?

– Bệnh Taura trên TTCT xảy ra ở các nước châu Mỹ latin khá phổ biến vào khoảng thời gian 1993 – 1994, gây chết tôm khá cao. Tuy nhiên, từ năm 1998 đã có thế hệ TTCT kháng virus Taura. Hiện bệnh Taura gần như đã được kiểm soát thông qua chương trình nuôi an toàn sinh học. Vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh này nếu sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh và kháng bệnh Taura, quản lý tốt môi trường nuôi, đảm bảo an toàn sinh học cho các vùng TTCT.

Đến thời điểm này, Bộ NNPTNT đã gửi công văn đề nghị đưa TTCT ra khỏi danh sách xâm hại đến Bộ TNMT hay chưa? Nếu thuận lợi, sẽ mất bao nhiêu thời gian để chính thức có quyết định của Bộ TNMT?

– Bộ NNPTNT đã gửi văn bản cho Bộ TNMT, chúng tôi đang chờ ý kiến của họ.

Nếu Bộ TNMT quyết định đồng ý đưa tôm thẻ ra khỏi danh sách nguy cơ xâm hại, Bộ NNPTNT sẽ cho phép nông dân nuôi trên diện rộng, hay phát triển thận trọng?

– Bộ NNPTNT đã có quy phạm thực hành nuôi tốt VietGAP cho nuôi tôm sú, TTCT và sẽ triển khai áp dụng VietGAP cho các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh TTCT trên toàn quốc ở quy mô trang trại và nhóm nông hộ.

Với 67 tiêu chí gần tương đồng với các tiêu chí của tiêu chuẩn Global GAP để đạt được 4 mục tiêu chính: An toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường sinh thái, an toàn vệ sinh dịch bệnh và an sinh xã hội là các điều kiện để đảm bảo ngăn ngừa tác hại của nuôi TTCT.

Cho đến nay Bộ NNPTNT chỉ cho phép phát triển nuôi TTCT ở những vùng quy hoạch, có thể kiểm soát môi trường và nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh. Những vùng không trong quy hoạch, không đủ điều kiện về hạ tầng thủy lợi, ao nuôi không đúng quy chuẩn, không nuôi theo hình thức công nghiệp, không kiểm soát được môi trường thì không cho phép nuôi TTCT. Bộ sẽ chỉ đạo các tỉnh kiểm tra các vùng nuôi TTCT hiện nay và thực hiện nghiêm túc các quy định trên.

Hiện nay nguồn cung trong nước đối với giống TTCT chất lượng cao, thức ăn tôm thẻ và cả thuốc thú y cho tôm thẻ hình như chưa đủ để nuôi trên phạm vi rộng?

– Giống TTCT hiện nay cung cấp cho người nuôi chủ yếu do các doanh nghiệp (DN) trong nước, DN nước ngoài, trại giống tư nhân sản xuất. Tuy nhiên do phải đầu tư lớn cho việc nhập tôm bố mẹ, xây dựng trại sản xuất giống, đầu tư công nghệ mới nên các cơ sở tư nhân không đủ điều kiện để phát triển sản xuất ở quy mô lớn, chất lượng giống không đảm bảo nên người nuôi không chấp nhận.

Vì vậy, giống TTCT chủ yếu được các DN lớn sản xuất và cung cấp, trong đó có các DN nước ngoài. Trong cơ chế thị trường, đây là quy luật khó điều chỉnh nên các DN Việt Nam muốn giữ được thị trường phải nâng cao chất lượng con giống và dịch vụ.

Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ DN sản xuất giống trong nước về đầu tư công nghệ mới, hỗ trợ chi phí nhập tôm bố mẹ, phát triển các chương trình nghiên cứu về chọn tạo tôm bố mẹ sạch bệnh trong nước để giảm chi phí đầu vào.

Về sản xuất và cung cấp thức ăn, các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm thì cho đến nay các DN nước ngoài đang chiếm ưu thế vì chất lượng sản phẩm cao hơn do đầu tư công nghệ tốt hơn. Các DN chế biến thức ăn và các sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản của Việt Nam rất cần được Nhà nước hỗ trợ về vốn đầu tư cho hiện đại hoá dây chuyền thiết bị và công nghệ mới đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Một số nước châu Á đang có quan điểm khác nhau về nuôi mở rộng hay hạn chế đối với TTCT (Thái Lan, Indonesia cho nuôi mở rộng, còn Philippines, Ấn Độ, Campuchia… nuôi hạn chế, cách ly). Bộ có nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ một số nước nói trên không?

– Thực tế cho thấy Thái Lan, Trung Quốc duy trì được sản lượng tôm xuất khẩu và chiếm lĩnh tất cả các thị trường thế giới là nhờ chuyển đổi và phát triển nuôi TTCT. Các nước khác đang nuôi thăm dò cũng giống như Việt Nam mấy năm trước đây.

Nếu chủ động được sản xuất giống sạch bệnh, quản lý tốt các vùng nuôi, áp dụng quy phạm thực hành nuôi tốt VietGAP trên diện rộng thì TTCT vẫn nên mở rộng diện tích nuôi ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung để tăng sản lượng cho xuất khẩu.

Vùng ĐBSCL chỉ quy hoạch một số vùng nuôi chuyên canh TTCT, đầu tư đầy đủ hạ tầng thủy lợi và hệ thống ao nuôi, nuôi đúng quy trình và đáp ứng các tiêu chí VietGAP mới cho phép nuôi. Sở NNPTNT các tỉnh phải sớm có quy hoạch vùng nuôi TTCT và ngăn chặn việc phát triển nuôi không theo quy hoạch để tránh các tác hại do phát triển tự phát, thiếu kiểm soát

"Sở NNPTNT các tỉnh phải sớm có quy hoạch vùng nuôi TTCT và ngăn chặn việc phát triển nuôi không theo quy hoạch để tránh các tác hại do phát triển tự phát, thiếu kiểm soát" – Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Đình Thắng

Theo Dân Việt

   

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!