Nằm ở ven biển bãi ngang, không thể đóng con tàu lớn vươn khơi Hoàng Sa, Trường Sa, những ngư dân xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), bám biển bằng chiếc thúng chai để nối tiếp những buồn vui nghề biển mênh mông bất tận…
Làng thúng chai Hải Hòa thơ mộng ven biển. Ảnh: Nguyễn Trang
Một buổi sáng, chúng tôi tìm về để “mục sở thị” làng thúng chai trên dải đất miền Trung. Từ trên đường làng xuống dưới biển, chúng tôi bắt gặp thấy những chiếc thúng nằm dài trên bãi cát với đủ màu sắc xanh, vàng, đỏ, hòa với màu xanh của biển cả. Phía ngoài xa, một chiếc thúng “độc mộc” giữa con nước nhấp nhô đang chuẩn bị ra khơi mưu sinh. Nói là ra khơi nhưng chiếc thúng ấy chỉ đi chừng quanh đảo Lý Sơn, hoặc xa hơn nơi đó 2 – 3 hải lý. Tròng trành là vậy nhưng ngư dân xóm Hải Hòa rất khéo léo, có lúc cả chục ngư phủ ngồi trên chiếc thúng chỉ nhỏ như “điểm ảnh” quanh con sóng mùa biển động đang xô vào gành đá.
Ông Nguyễn Văn Tiến, trưởng khu dân cư xóm Hải Hòa, cho biết: “Toàn xóm có 50 thúng máy, 6 ghe và 120 thúng bơi. Vì là xã bãi ngang ven biển nên ngư dân không có bến neo đậu, không đi được thuyền to, máy lớn ra Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng bao đời bám biển nên có nhiều cách để ngư dân mưu sinh”. Mỗi chiếc thúng nhỏ nhất cũng rộng 2 – 3 m2, thúng lớn rộng 8 m2, những chiếc thúng lớn có thể chở được cả tấn cá ngoài biển vào. Mỗi gia đình thường có 2 – 3 chiếc thúng và có thể đi một mình hoặc có bạn để cùng đánh bắt cá.
Ngư dân ở xóm Hải Hòa độc nghề câu và cực kỳ giỏi. Ngư dân đi câu thường ra ngoài vùng gò san hô, nơi tiếp giáp với vùng khơi để giăng câu, sau đó ngâm dưới nước khoảng chục phút rồi kiểm tra xem cá có ăn không. Nghề cá có 30 ngày/tháng nhưng chỉ có 1 ngày cá phát triển mạnh, ông Nguyễn Văn Gương (61 tuổi, xóm Hải Hòa) nói nhưng không chia sẻ thêm mà giữ lại “bí mật” nghề.
“Thông thường đánh bắt tùy từng tháng, đúng thời điểm. Tháng chạp, tháng giêng, tháng hai cá phát triển mạnh nhất và khi thời tiết sau bão biển vừa êm thì luồng cá mạnh, nếu vùng này không có cá thì đi chỗ khác câu, thế nào cũng gặp. Riêng mùa hè cá ngậm trứng (cá đẻ trứng), đánh bắt không đạt như các mùa khác, biển dã, nhiều tàu nằm bờ”, ông Gương cho biết thêm.
Những ngư dân tròng trành chiếc thúng chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Nguyễn Trang
Nhiều ngư dân làng chài Hải Hòa lợi dụng đêm đen để ra biển “dàn trận”, đến sáng sớm thì về. Nghề thúng đôi khi lai rai, có đêm trúng vài ba triệu, vào chính vụ cá có trên chục triệu. Theo nhiều ngư dân Hải Hòa, ở quanh đảo Lý Sơn, có nhiều loại cá, như cá trích, cá mú, cá hồng… Thế nhưng, nghề biển giờ đông người quá, đánh bắt không kịp cá phát triển, một số loài cá không còn gặp nhiều, giờ chỉ gặp vài loại như cá phèn, cá hố, cá liệt nhỏ là vừa. Đây cũng là cái khó của nghề câu thúng.
Hằng năm cứ vào tháng giêng âm lịch, ngư dân xóm Hải Hòa lại tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu thần Nam Hải để mong mùa bội thu, những khi xuất thúng ra khơi, ngư dân thường đến lăng Thanh Thủy để cầu chuyến biển thuận lợi.