Venezuela: Vượt khó nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Không phải là cái tên sáng giá như láng giềng Ecuador, nhưng Venezuela có những nỗ lực ấn tượng để ghi dấu ấn trên bản đồ ngành tôm thế giới. Grupo Lamar, “vua tôm” Venezuela tiên phong với mục tiêu sản lượng 100.000 tấn vào năm tới.

Liên kết dọc và mật độ thấp

Tại diễn đàn tôm toàn cầu ở Utrecht, Hà Lan, ông José Rincón, Giám đốc thương mại của Grupo Lamar cho biết, Venezuela không phải là mảnh đất dễ làm ăn, nhưng mục tiêu sản lượng 100.000 tấn tôm mà công ty này đặt ra đang nằm trong tầm tay. Ông thông tin thêm, Grupo Lamar tiền thân là một công ty gia đình, chuyên chế biến tôm tự nhiên và bắt đầu đa dạng hóa hoạt động vào thập niên 1990 khi chuyển sang nuôi tôm thẻ. 

Mặc dù tăng trưởng kinh doanh mặt hàng tôm thẻ chậm chạp, nhưng từ năm 2018, công ty đạt sản lượng 10.000 tấn/năm, và tới năm 2023 đạt 60.000 tấn, tương đương 70% tổng sản lượng tôm của cả nước. Chưa dừng lại thành quả đó, Grupo Lamar tiếp tục cải thiện công nghệ và mở rộng diện tích nuôi tôm để nâng sản lượng lên 100.000 tấn vào năm 2024. 

Trại nuôi tôm Grupo Lamar nhìn từ trên cao. Ảnh: Thefishsite

Grupo Lamar đang sở hữu 13.000 ha ao nuôi tôm, 3 nhà máy chế biến thức ăn với công suất 18.400 tấn mỗi tháng, 5 trại tôm giống và 4 nhà máy chế biến tôm. Nhờ liên kết dọc từ trang trại đến bàn ăn, Grupo Lamar đảm bảo khả năng truy xuất 100% nguồn gốc sản phẩm. 

Rincon giải thích, Grupo Lamar duy trì mô hình nuôi tôm mật độ thấp 13 PLs/

và khối lượng thu hoạch trung bình 17g. Hiện, tôm nuôi ở Venezuela đạt tỷ lệ sống trung bình 60% cùng tỷ lệ biến đổi thức ăn (FCR) 1.5, tuy nhiên những con số này vẫn đang được cải thiện hàng năm. Nhờ nhiệt độ nước ổn định 30°C, Grupo Lamar có thể nuôi 5 vụ tôm mỗi năm, trong khi láng giềng Ecuador chỉ nuôi trung bình 3 vụ/năm. 

Thách thức và cơ hội 

Grupo Lamar tăng trưởng ấn tượng về sản lượng nuôi tôm, nhưng theo Rincon, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu vốn bởi thị trường tín dụng của Venezuela khá eo hẹp với 800 triệu USD trên tổng số dân 27 triệu người. Rincon nói, ở những quốc gia khác, một trại nuôi tôm cũng có thể vay số tiền đầu tư gần 800 triệu USD. Nhưng ở Venezuela, quỹ tín dụng 800 triệu USD phải chia đều cho cả nước. Một thách thức khác, theo Rincón là biến động kinh tế và chính trị xảy ra từ năm 1998 và hoạt động logistic kém phát triển đi đôi với xuất nhập khẩu èo uột. 

Do quy mô ngành tôm nuôi của Venezuela nhỏ so với Ấn Độ và Ecuador nên chưa nhận được mức hỗ trợ tương đương từ một số tổ chức như Ngân hàng thế giới. Rincon cho biết thêm, nếu thiếu thức ăn chăn nuôi, chúng tôi cũng không thể nhập khẩu được. Do đó, những trại nuôi tôm ở Venezuela phải “tự thân vận động” bằng cách liên kết dọc từ trang trại đến bàn ăn. 

Dù khó khăn đầy rẫy, nhưng Rincon vẫn tin rằng nghề nuôi tôm ở Venezuela còn nhiều dư địa. Thuận lợi dễ thấy nhất, theo Rincon là khả năng tiếp cận thị trường Bắc Mỹ và châu Âu dễ dàng. Nhưng quan trọng hơn, quỹ đất nông nghiệp dồi dào và chi phí thuê đất rẻ là những yếu tố hỗ trợ ngành tôm nuôi ở Venezuela tiếp tục mở rộng. Ngoài ra, người lao động ở Venzuela tương đối lành nghề và cơ sở hạ tầng tốt. 

Nhiệt độ nước ao nuôi tôm ở một số vùng như hồ Maracaibo, vựa nuôi tôm của Venezuela, luôn ổn định ở mức 30°C giúp tôm tăng trưởng tốt và ít stress. Rincon cho biết, một số trại nuôi của Grupo Lamar đã bắt đầu tăng mật độ lên trên 13 PLs/và trang bị nhiều máy cho ăn tự động, quạt nước. Cuối cùng, thị trường nội địa đang dần sôi động khi mức tiêu thụ tôm ngày càng tăng cao. Ricon dự báo, giá tôm và thịt gà sẽ ngang nhau trong 5 đến 10 năm tới. Hiện, lượng tiêu thụ thịt gà tại Venezuela đang gấp 100 lần lượng tiêu thụ tôm nhưng con số này sẽ thay đổi theo chiều ngược lại, Ricon khẳng định. Grupo Lamar đang nỗ lực góp sức hiện thực mục tiêu nâng mức tiêu thụ tôm từ 200g/năm lên 3,5kg.

80% sản lượng tôm Venezuela được xuất khẩu sang châu Âu, chủ yếu dưới dạng tôm thịt chín. Ricon nhận thấy khách hàng châu Âu chuộng tôm chín với màu đỏ bắt mắt, cỡ lớn và nguồn cung ổn định. Ngoài châu Âu, doanh nghiệp Venezuela cũng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Mỹ với tỷ trọng khiêm tốn hơn 12% và 5% nhưng cũng đặt mục tiêu mở rộng hai thị trường này trong thời gian tới. 

Tuấn Minh

Theo Thefishsite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!