(Thuỷ sản Việt Nam) – Ngày 2/2/2102, ông Võ Hồng Ngoãn, “Vua tôm sú” ở Bạc Liêu đã gửi thư đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phản ánh nỗi bức xúc về nguyên nhân nông dân làm nông nghiệp – lúa và nuôi trồng thủy sản – tôm rất siêng năng, cần cù, chịu khó, lao động cật lực mà vẫn chưa thoát nghèo, đồng thời kiến nghị biện pháp xử lý!
Theo ông Võ Hồng Ngoãn, hiện nay, nông dân làm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, khốn khổ về dịch bệnh, biến động thời tiết, đồng vốn đầu tư cho sản xuất. Nhà nước đang tìm giải pháp tạo điều kiện giúp đỡ, khắc phục thiệt hại, khốn khó cho nông dân mà vẫn nghèo, trong khi đó số hộ khấm khá chưa được nhiều.
Dù rất siêng năng, nông dân vẫn chưa thoát nghèo Ảnh: Phan Thanh Cường
Một trong những nguyên là do nông dân mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hoặc giả, bị thiệt hại nặng, năng suất thấp. Nông dân nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm ở ĐBSCL hiện bị dịch bệnh hoành hành. Nếu mua nhầm thuốc thú y thủy sản không bảo đảm chất lượng về xử lý ao nuôi thì cũng như không. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho người nuôi tôm trắng tay…
Thử nghĩ, nông dân làm nông nghiệp, trong đó có nuôi trồng thủy sản, ai hưởng lợi trước?
Trả lời câu hỏi này, ông Võ Hồng Ngoãn nêu rõ: Trước tiên là khâu “đầu vào” gồm các công ty, doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc, giống, thức ăn… kế đến “đầu ra” là các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Còn sau cùng mới là nông dân – người trực tiếp làm ra sản phẩm, cực khổ, vất vả, rủi ro, đôi khi thành công nhưng không có lãi vì bị khâu “đầu ra” ép giá. Như vậy, các công ty, doanh nghiệp kinh doanh “ngồi mát hưởng bát vàng”. Bên cạnh đó, còn có những công ty, doanh nghiệp kinh doanh nhẫn tâm sản xuất phân bón, thuốc thú y thủy sản, giống, thức ăn kém chất lượng (giả) cho nông dân “chết” luôn.
Từ thực trạng đó, nông dân rất bức xúc về quản lý trong lĩnh vực vật tư “đầu vào” phục vụ sản xuất, “đầu ra” cho sản phẩm còn nhiều kẽ hở, xử lý chưa nghiêm?
Ông Ngoãn kiến nghị: Đối với những công ty, doanh nghiệp kinh doanh coi thường pháp luật làm hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn phải bồi thường thỏa đáng cho nông dân bị thiệt hại do tổn thất năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.
“>>> Ông Ngoãn cho rằng, những công ty, doanh nghiệp kinh doanh xem thường pháp luật, làm hàng giả hoặc kém chất lượng để lừa gạt nông dân, thu lợi tiền tỷ… Nếu bị phát hiện cũng chỉ bị xử lý theo hình thức kinh tế, phạt vài triệu đến vài chục triệu đồng thì chỉ như “phủi bụi”, chưa đủ sức răn đe.