Vì sao có chuyện nợ tiền bán cá?

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, ngành nông nghiệp Việt Nam đề ra mục tiêu đưa sản lượng cá tra đạt từ 1,2-1,5 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 1,85-2 tỉ đô la Mỹ. Để đạt được mục tiêu này, toàn vùng ĐBSCL – vùng trọng điểm nuôi cá tra xuất khẩu của cả nước, cần khoảng 2,6 tỉ con cá tra giống các loại, thả nuôi trên diện tích 5.500-6.000 héc ta. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với ngành cá tra vẫn là vốn – và từ đó là chuyện doanh nghiệp thiếu nợ tiền cá của nông dân.

 

Ngân hàng chê, doanh nghiệp bí

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương, cho biết: “Để đạt được mục tiêu về sản lượng 1,2-1,5 triệu tấn, thì cần phải có nguồn vốn đầu tư sản xuất là 26.000 tỉ đồng. Thế nhưng hiện nay, ngân hàng lại cho vay không đáng kể, gây ảnh hưởng lớn đến mục tiêu này”.

Ngân hàng cho vay nhỏ giọt đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch mở rộng diện tích, xây dựng vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, thành viên Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), cũng là người nuôi cá lâu năm tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, nói: “Trước đây, đồng vốn của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra chính là ở người nuôi cá, bởi vì nông dân đầu tư ao nuôi cá đến khi xuất bán thì doanh nghiệp chỉ việc đến mua cá (mua nợ – PV) mang về chế biến xuất khẩu, sau khi được thanh toán mới trả tiền mua cá cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành sản xuất cá tra liên tục vấp phải rất nhiều khó khăn, đẩy người nuôi rơi vào cảnh lỗ lã buộc phải treo ao. Chính vì vậy, bây giờ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra muốn phát triển nhất thiết phải tự đầu tư vùng nguyên liệu, cần một số vốn rất lớn nhưng ngân hàng lại không mặn mà với ngành hàng đầy rủi ro này”.

Ông Nguyên cho biết: “Thực tế, tại cuộc họp về sản xuất và tiêu thụ cá tra vừa được tổ chức tại Cần Thơ, không một ngân hàng nào mặn mà với ngành sản xuất chế biến và xuất khẩu cá tra”. Cũng trong cuộc họp này, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, năm 2012 sẽ tăng vốn cho vay thêm 25% so với năm ngoái để phục vụ nhu cầu vay vốn sản xuất của các doanh nghiệp và người dân. Thế nhưng, ông Dương Ngọc Minh cho rằng, con số này vẫn không thấm vào đâu so với nhu cầu vay thực tế hiện nay.

Ông Nguyên nói: “Một hầm cá 5 công đất (5.000 mét vuông) có thể nuôi 200 tấn cá nguyên liệu, cần vốn đầu tư là 4 tỉ đồng. Thế nhưng, 5 công đất này ngân hàng chỉ cho vay tối đa là 200 triệu đồng, nếu cho vay 1 tỉ (cũng chưa đủ đầu tư) thì trên mức thế chấp ngân hàng, sẽ không được vay. Đương nhiên việc mở rộng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra vẫn bí lối ra”.

Nông dân gánh rủi ro

Ngân hàng không cho vay, doanh nghiệp không có vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nên vẫn phải mua cá nguyên liệu của nông dân thiếu nợ, một khi xuất khẩu gặp khó khăn, thua lỗ sẽ dễ dẫn đến tình trạng nợ tiền nông dân kéo dài.

Đầu tháng 12 năm ngoái, giới nuôi cá tra tại thành phố Cần Thơ không ngớt bàn tán chuyện Công ty cổ phần Thủy sản Bình An bị hai hộ nuôi cá tra kiện ra tòa đòi hơn 20 tỉ đồng tiền bán cá cho công ty này vào tháng 5 và 7 năm ngoái. Trước đó, vào cuối tháng 3-2011, hàng chục hộ dân ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ cũng gửi đơn tới cơ quan công an tỉnh Sóc Trăng nhờ giúp đỡ vì họ đã bán cá tra cho một doanh nghiệp tư nhân Sóc Trăng theo hình thức thanh toán là “mua trước, trả sau”, nhưng sau một thời gian dài doanh nghiệp này vẫn không trả tiền.

“Năm 2012 được dự báo sẽ là một năm đầy khó khăn đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra”, ông Nguyên cho biết. Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo, năm 2012, cả nước sẽ có khoảng 20% doanh nghiệp ngành thủy sản phải đóng cửa, ngưng hoạt động vì những bất ổn của thị trường.

Ông Nguyễn Minh Điền, một hộ nuôi cá tra tại ấp Bắc Trang, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, cho biết khi giao dịch mua bán với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, họ thường đưa ra điều kiện giao cá trước, sau đó mới thanh toán tiền. Thời hạn giao, nhận tiền tùy thuộc từng thời điểm, có khi là 15, 20 ngày hoặc một tháng tùy doanh nghiệp.

Bà con nuôi cá tra tại huyện Châu Phú (An Giang), cho biết khi bán thiếu, doanh nghiệp sẽ mua cá nguyên liệu với giá cao hơn so với hình thức thanh toán tiền mặt. Ông Năm Tách (Trần Văn Tách, xã Phú Bình, huyện Châu Phú), nói: “Nếu giá cá tra nguyên liệu trên thị trường là 26.000 đồng/ki lô gam, thì khi doanh nghiệp mua thiếu sẽ có giá cao hơn một chút, khoảng 26.200-26.300 đồng/ki lô gam”.

Tuy nhiên, ông Nguyên ở AFA cho rằng, khi bán chịu, trên danh nghĩa là giá cao hơn, nhưng thực tế lại không cao hơn, thậm chí còn thấp hơn so với bán lấy tiền ngay vì trong thời gian chờ doanh nghiệp thanh toán, bà con nuôi cá là người phải chịu chi phí phát sinh như trả lãi vay ngân hàng, và nhất là đối diện với rủi ro như doanh nghiệp để nợ kéo dài, thậm chí quỵt nợ.

“Vì vậy, bà con nuôi cá tra cần phải thay đổi hình thức mua bán để tránh rủi ro, giữ quyền chủ động hơn”, ông Nguyên khẳng định.

Trung Chánh

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!