(TSVN) – So với quy hoạch, việc đầu tư cảng cá các khu neo đậu tránh trú bão hiện vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Tại Hội nghị Quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và công tác đảm bảo an toàn cho người, tàu cá hoạt động trên biển do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây, đã có nhiều giải pháp được đưa ra.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay cả nước có 89/125 cảng cá đã được đầu tư, nâng cấp với tổng công suất 1,8 triệu tấn thủy sản qua cảng/năm. Bên cạnh đó, hiện cả nước có 66/146 khu neo đậu tránh trú bão đã được đầu tư với tổng công suất neo đậu hơn 51.000 tàu, thuyền.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn đã đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão khoảng 5.500 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cảng cá hơn 2.200 tỷ đồng, công suất cảng cá tăng thêm khoảng 352.000 tấn thủy sản/năm; đầu tư khu neo đậu tránh trú bão hơn 1.800 tỷ đồng, tổng công suất neo đậu tăng thêm gần 25.000 tàu.
Cần đầu tư đồng bộ hạ tầng nghề cá hướng đến khai thác hiện đại và bền vững Ảnh: Vũ Mưa
Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản cho rằng quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch chung, đặc biệt là Luật Thủy sản năm 2017. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho xây dựng cảng cá trong thời gian qua còn thấp so yêu cầu nhưng lại dàn trải, không đồng bộ, công trình được đầu tư còn hạn chế… Một số cảng cá có luồng lạch ra vào bị bồi lắng nhưng chưa được nạo vét kịp thời làm cho tàu thuyền ra, vào bốc dỡ hàng hóa, neo đậu gặp nhiều khó khăn, mất an toàn.
Đơn cử, tỉnh Khánh Hòa có 4 cảng cá và 1 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện để phục vụ các tàu khai thác xa bờ. Nhưng theo ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa, công tác đầu tư, tổ chức quản lý các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão còn nhiều khó khăn, bất cập, như: chưa có quy chuẩn thống nhất quy định cảng cá đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải công suất neo đậu chỉ có 300 tàu, chưa đúng công suất quy hoạch được duyệt, trong khi nhu cầu tránh trú bão của tàu thuyền lại rất lớn, vượt hơn 100% công suất thiết kế. Luồng lạch cạn chưa được đầu tư nạo vét; cầu Bình Tây (phường Ninh Hải) khi xây dựng chưa tính độ cao lưu thông đã ảnh hưởng không nhỏ đối với tàu thuyền lớn mỗi khi ra vào.
Hay tại Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 3 cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền là Lạch Hới (TP Sầm Sơn), Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) và Hòa Lộc (Hậu Lộc) có sức chứa từ 700 – 1.000 tàu cá. Đây cũng là 3 cảng cá đủ điều kiện cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng và cho tàu cá nước ngoài có chiều dài tàu cá lớn nhất từ 46 m – 46,86 m cập cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão. Tuy nhiên, các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ lâu, chưa được nâng cấp, mở rộng… Đơn cử, Cảng cá Lạch Hới xây dựng từ năm 2005, quy hoạch thành cảng loại I, có khả năng tiếp nhận tàu từ 1.000 CV trở xuống, công suất bốc xếp đạt 400 tấn hải sản/ngày. Tuy nhiên, đến nay cảng chỉ sử dụng được 60 m mặt nước, còn lại 200 m bị bồi lấp, tàu cá công suất lớn khó khăn khi cập cảng, gây tình trạng quá tải… Số lượng tàu cá phải cập ở các bến tự phát vùng bãi ngang ven biển để vận chuyển hải sản còn cao. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở các cảng cá chưa được trang bị thiết bị cơ giới hóa phục vụ bốc dỡ hàng hóa do thiếu vốn đầu tư.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, thực trạng hạ tầng thủy sản của nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém. Số lượng cảng cá được đầu tư mới đạt 66%, khu neo đậu mới đạt 46% so quy hoạch tại Quyết định 1976 của Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nếu chúng ta không bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản sẽ khó gỡ “thẻ vàng“ và không thể chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, hội nhập khu vực và quốc tế được.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả trong quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương: Tập trung hoàn thiện các văn bản, chính sách pháp luật, sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý quy định về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp quy định của Luật Thủy sản và Luật Quy hoạch…; Tăng cường nguồn lực đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, tập trung bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 cho ngành thủy sản, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án trọng điểm, bức thiết như: Cảng cá động lực thuộc các Trung tâm nghề cá lớn; cảng cá loại I; khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng…
Cùng đó, tiến hành tổ chức duy tu, bảo dưỡng định kỳ, nâng cao năng lực các cảng cá; cải thiện cơ sở hạ tầng tại cảng để đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần nghề cá, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trong cảng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại cảng.
>> Theo đánh giá chung, hạn chế trong đầu tư hạ tầng nghề cá đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn tàu cá cũng như nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Đặc biệt, chính những hạn chế về hạ tầng, nhân lực quản lý cảng cá là thách thức rất lớn trong việc thực hiện các khuyến nghị chống khai thác IUU mà EU đã đưa ra đối với nghề cá Việt Nam. |
Quang Đức