(TSVN) – Là một trong những ngành hàng có giá trị sản xuất và xuất khẩu cao, thế nhưng, hoạt động thủy sản luôn thiếu một lượng lớn lao động, nhất là lao động chất lượng cao, đặc biệt ở lĩnh vực khai thác ngày càng nan giải. Đây là một bài toán khó cho ngành khi mà “đầu vào” trong đào tạo vẫn luôn ít hơn so với nhu cầu.
Nhiều năm nay, vấn đề tìm “bạn” trong mỗi chuyến biển của các tàu cá luôn là mấu chốt, bởi tình trạng thiếu lao động khiến cho các chủ tàu cá nhỡ chuyến không ít.
Tại Phú Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tri Phương cho biết, 1.200 phương tiện hành nghề khai thác, đánh bắt xa bờ của địa phương cần khoảng 8.500 lao động. Thế nhưng, các tàu cá luôn thiếu, nhất là đối tượng lao động có khả năng điều khiển các trang, thiết bị hiện đại trên tàu cá.
Phát triển nguồn nhân lực cần trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển. Ảnh: Thành Nguyễn
Nguyên nhân một phần được cho là do trước đây, việc đào tạo lao động biển chủ yếu theo kiểu “cha truyền, con nối”, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau. Nhưng hiện nay, nhiều thanh niên không muốn làm nghề biển nữa, do công việc quá vất vả, thu nhập không ổn định. Vậy nên, nguồn nhân lực chính được truyền nối bằng kinh nghiệm đã gần như cạn kiệt, thay vào đó là lao động mang tính thời vụ và rất bị động.
Theo đánh giá chung, chất lượng nguồn lao động biển đang là vấn đề rất đáng suy nghĩ. Lao động biển hiện nay có trình độ văn hóa thấp hơn so với lao động ở các ngành nghề khác. Đặc biệt, đánh bắt xa bờ trên những tàu cá được lắp đặt trang thiết bị hiện đại. Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đánh giá: Phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển. Đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực biển còn hạn chế; công tác đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân ven biển chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động ngành thủy sản đang là bài toán cấp thiết, cả trước mắt lẫn lâu dài.
Từ chủ trương của Trung ương, những năm qua, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho nghề biển được các địa phương quan tâm, thông qua các chương trình như chương trình đào tạo nghề nông thôn, bồi dưỡng chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm trên biển, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới…
Tại Bình Định, tỉnh đã thực hiện phối hợp bồi dưỡng chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho khoảng 4.000 người, tập huấn nghề cho khoảng 3.000 người đi biển. Con số này không lớn so với nhân lực nghề biển trong tỉnh, tuy nhiên, đây cũng là cơ sở quan trọng để đội ngũ lao động biển được dần nâng cao cho chiến lược lâu dài.
Còn tại Bến Tre, năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu cho ngành thủy sản tỉnh nhà.
Cụ thể, với việc xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung phát triển đi vào chiều sâu nên hiện nay, tỉnh cũng đã có bước chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực kinh tế này. Điển hình là việc Bến Tre đang liên kết với trường Đại học Thủy sản Nha Trang đào tạo sinh viên theo học ngành thủy sản. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nghiệp vụ chuyên ngành cho đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá; hướng nghiệp, dạy nghề mới cho ngư dân để chuyển đổi, thay thế các nghề khai thác thủy sản mang tính lạm sát, hủy hoại môi trường. Sắp xếp và tổ chức, củng cố, nâng cấp, mở rộng, hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chế biến thủy sản phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất; Có chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành.
>> Chủ trương là tiên quyết, thế nhưng quan trọng nhất là cần một sự hướng nghiệp cụ thể từ các cơ sở đào tạo, địa phương và hơn hết là việc định hướng sau khi nhân lực bước ra ngoài, xóa dần các định kiến về nghề. Làm được như vậy, nghề biển mới hy vọng có lực lượng lao động trẻ đủ mạnh, đủ năng lực đưa nghề cá phát triển hiện đại.
Bảo Hân