Vì sao Trung Quốc chuộng hàu nhập khẩu từ Pháp?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mặc dù là nước sản xuất và tiêu thụ hàu lớn nhất thế giới nhưng người dân Trung Quốc vẫn bị “mê hoặc” bởi những sản phẩm hàu nhập khẩu từ Pháp.

Hàu sạch 

Khi nguồn nước bị ô nhiễm, hàu sẽ là nạn nhân đầu tiên. Sự thật, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất hàu đại dương, chiếm 83% sản lượng; đồng thời cùng là thị trường tiêu thụ lớn nhất với hơn một tỷ dân. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu hàu từ các nước phương tây bởi hàu nội địa có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng độc hại như đồng. Ngoài ra, axit hóa đại dương cũng đang ảnh hưởng đến chất lượng hàu và trực tiếp gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc. Do đó, nhiều hãng phân phối hàu tại Trung Quốc thường nhập khẩu hàu Pháp hoặc những quốc gia có vùng biển sạch. 

Người tiêu dùng Trung Quốc đặt ra những tiêu chí lựa chọn cao hơn và khắt khe hơn đối với các sản phẩm hàu và sẵn sàng bạo chi cho những con hàu chất lượng tốt. Ảnh: Oliber Verot

Hàu là thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ giàu dưỡng chất phốt pho, kẽm, sắt; đồng thời dễ chế biến thành nhiều món ăn. Hàu là món ăn trứ danh của người Pháp. Một trong những vùng sản xuất hàu ngon nhất thế giới là Marennes-Oléron, thuộc vùng Charente-Maritime, Pháp. Hàu Pháp gắn liền với hình ảnh cao cấp cùng hương vị độc đáo nhờ bí quyết sản xuất truyền thống. Người Pháp thích các loại hàu dày thịt, hàm lượng muối cao; trong khi người Trung Quốc thích hàu cỡ đại và ít mặn hơn. Người tiêu dùng Trung Quốc đặt ra những tiêu chí lựa chọn cao hơn và khắt khe hơn đối với các sản phẩm hàu và sẵn sàng bạo chi cho những con hàu chất lượng tốt. Đây cũng là lý do họ chuộng hàng nhập khẩu hơn. Ngoài hàu, cá hồi nhập khẩu vào Trung Quốc cũng có xuất xứ đa dạng, từ Nhật Bản, Mỹ, Na Uy hay Australia. 

Tránh hàng giả 

Hàu nội địa Trung Quốc thường đội lốt hàng nhập ngoại. Nhưng người tiêu dùng phải thật tinh mắt mới có thể phân biệt được nguồn gốc, xuất xứ của hải sản này thông qua hình dáng, vỏ, hoặc màu sắc. Các thương hiệu hàu nhập ngoại như Leucate, miền Nam nước Pháp cũng đã có mặt ở thị trường Trung Quốc nhưng phần lớn là hàng nhái trà trộn. Do đó, Trung Quốc đã siết chặt tiêu chuẩn bảo quản và vận chuyển đối với hàu nhập khẩu để dễ dàng phân loại hàng thật và hàng giả. Rất may, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người tiêu dùng hiện nay có thể nhận biết hàu thật và giả bằng tia laser. 

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm ở Trung Quốc đang thay đổi từng ngày khi họ mua mọi thứ qua mạng, bao gồm cả hàu sống. Các nền tảng thương mại điện tử đang bùng nổ doanh số bán hàng chỉ trong một phút. Do đó, các hãng kinh doanh hải sản tại Trung Quốc phải làm mới chiến lược marketing để thích ứng với sự thay đổi của thị trường tỷ dân này. 

Oliber Verot, Giám đốc phát triển kinh doanh tại CMF China, cho biết, muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc, trước tiên doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin trên mạng xã hội để cải thiện hình ảnh thương hiệu. Hãy xây dựng những câu chuyện về sản phẩm và thương hiệu theo cách độc đáo, sáng tạo; ví dụ, đẩy mạnh tiêu thụ hàu vào dịp lễ tình nhân Valentine là một ý tưởng rất hay. Oliber Verot khẳng định, những nỗ lực xúc tiến thương mại sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững ở thị trường sính ngoại như Trung Quốc. Ngoài ra, người Trung Quốc ngày càng trân trọng văn hóa phương Tây, đặc biệt là Pháp. Dễ hiểu, hàu Pháp có sức hút lớn, và gần như chiếm lĩnh kênh dịch vụ ẩm thực, nhà hàng và khách sạn ở Trung Quốc. 

Dũng Nguyên 

(Theo Marketingtochina)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!