(TSVN) – Mặc dù có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và khả năng chống lại bệnh tật, nhưng cá rô phi dòng GIFT vẫn chưa phát huy hết tiềm năng thực sự của nó ở Odisha, Ấn Độ, theo một số công ty chủ chốt trong lĩnh vực NTTS của bang này.
Ông Saurava Biswal là người nuôi tiên phong ở Odisha bắt đầu sản xuất cá rô phi được cải tiến về mặt di truyền (cá rô phi dòng GIFT). Loài này được phát triển từ một chương trình nhân giống chọn lọc năm 1988. Trong giai đoạn tiếp theo, chúng đã được nghiên cứu để tăng trưởng nhanh chóng và thích nghi với nhiều môi trường và hiện đang được sản xuất tại hơn 14 quốc gia, theo WorldFish.
Mặc dù thành công trên diện rộng nhưng cá rô phi dòng GIFT mới chỉ có mặt ở bang Odisha, Ấn Độ được 7 năm và ông Biswal bắt đầu nuôi loài cá này vào năm 2015 sau khi được một nhà khoa học giới thiệu. “Tôi bắt đầu NTTS từ năm 2007 và ban đầu nuôi các loài cá chép lớn của Ấn Độ như cá trôi Ấn Độ và cá chép Nam Á. Nhưng vào năm 2015, một nhà khoa học đã gợi ý rằng tôi nên nuôi cá rô phi GIFT trong ao của mình. Thực tế cho thấy, rủi ro hoàn toàn chấp nhận được vì đối tượng này không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn giúp đa dạng hóa loài nuôi để giảm thiểu dịch bệnh lây lan”, ông nói.
Khoảng 300 nông dân trên khắp tiểu bang Odisha đang tham gia nuôi cá rô phi dòng GIFT. Ảnh: TFS
Ông Biswal đã mua lô cá bột GIFT đầu tiên gồm 16.000 con vào tháng 8/2015. Mật độ thả là 6.000 cá giống/mẫu Anh. Cá đạt kích cỡ thương phẩm 800 g chỉ trong vòng 6 – 7 tháng và tỷ lệ sống là hơn 92%. Ông đã thu hoạch khoảng 10,4 tấn cá vào tháng 2/2016, mang lại khoản lợi nhuận khoảng 8,5 vạn INR (10.938 USD) trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng 6,7 vạn INR (8.622 USD). Đây là một khoản lợi nhuận tốt.
Kể từ đó, ông đã liên tục nuôi cá rô phi dòng GIFT và thả 10.000 cá bột trong 3 ao với diện tích 1,5 mẫu Anh vào tháng 11/2021. Ông Biswal khẳng định loài cá này không chỉ lớn nhanh hơn cá chép mà còn ít bị dịch bệnh, từ đó giúp người nuôi có thêm thu nhập. Hiện tại, khoảng 300 nông dân trên khắp tiểu bang đang tham gia nuôi cá rô phi dòng GIFT trong khoảng 300 mẫu ao, theo các quan chức Chính phủ Ấn Độ.
Ông Pitambar Das, một nông dân nuôi cá 50 tuổi ở làng Gobindpur, cho biết ông đã thả khoảng 6.000 con cá giống trong ao rộng một mẫu Anh của mình vào tháng 2/2021 và thu hoạch khoảng 3 tấn cá vào tháng 12 cùng năm. “Chúng đã đạt khoảng 700 – 800 g sau 9 tháng và tỷ lệ sống sót là 90%. Tôi đã đầu tư 1,5 vạn INR (1.926 USD) và thu lại 3 vạn INR (3.854 USD). Cá không chỉ dễ nuôi mà còn đạt kích cỡ thương phẩm trong thời gian ngắn hơn nhiều so với cá chép. Giống cá này cũng giúp đa dạng hóa loài nuôi, vì chúng tôi nuôi cá chép trong cùng một ao sau khi thu hoạch cá rô phi. Điều này giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đối với cá chép. Chúng tôi thường nuôi cá rô phi dòng GIFT lên 800 g trong khoảng 7 tháng. Sự tăng trưởng nhanh có thể liên quan đến chế độ cho ăn vì loài cá này là loài phàm ăn và tiêu thụ khoảng 3,5 tấn thức ăn thị trường để tạo ra 3 tấn sản lượng. Cá con có từ tháng 8 đến tháng 3 hàng năm”, ông chia sẻ.
Với những kinh nghiệm tích cực của những người nông dân này, thế nhưng sản lượng sản xuất cá rô phi dòng GIFT vẫn còn thấp. Điều này một phần là do truyền thống ẩm thực của vùng. “Người dân địa phương vẫn thích cá thu hoạch từ biển và nước lợ và chưa thích nghi được với mùi vị của cá nước ngọt như cá rô phi. Sẽ mất một thời gian để mọi người chấp nhận nó. Nhưng chính quyền bang thực sự nghiêm túc về mô hình này vì cá không chỉ là nguồn cung cấp protein dồi dào mà còn mang lại lợi nhuận nhanh hơn cho những người nông dân”, ông Sashikanta Acharaya, Phó Giám đốc phụ trách hồ chứa của Tổng cục Thủy sản Odisha, cho biết.
“Chính phủ đã xây dựng một trại giống lớn cho cá rô phi dòng GIFT tại Kausalya Ganga (ngoại ô Bhubaneswar), nơi những người nông dân đang lấy giống. Bốn trại giống tư nhân cũng đang được phát triển trên toàn tiểu bang. Chúng tôi cũng đang thả giống trong lồng tại các hồ chứa để mở rộng quy mô sản xuất và tăng nhu cầu”, ông cho biết thêm. Các quan chức chính quyền bang của trung tâm nhân giống cá rô phi dòng GIFT ở Kausalya Ganga cho biết, họ có khả năng sản xuất gấp nhiều lần sản lượng hiện tại nên nhu cầu sẽ tăng lên.
Minh Sương
Theo TFS