(TSVN) – Với hơn 30 nhà máy sản xuất, hơn 4.500 nhân viên trên khắp thế giới, Tập đoàn LALLEMAND có sự hiện diện lớn mạnh trên khắp các châu lục. Tại Hội chợ VietShrimp 2024, ông Paul-Antoine Croizé, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á đã có những chia sẻ với Tạp chí Thủy sản Việt Nam về những nỗ lực của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn thị trường thủy sản nhiều biến động thời gian qua.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về Tập đoàn LALLEMAND, thưa ông?
Tập đoàn LALLEMAND được thành lập vào cuối thế kỷ XIX tại Montreal, Canada, hoạt động trong 3 nhóm ứng dụng chính: dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi, quản lý thức ăn và môi trường chăn nuôi. Chúng tôi cung cấp giải pháp bổ sung dinh dưỡng qua thức ăn cũng như các giải pháp quản lý trang trại và môi trường và chúng tôi cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên nhiều loài động vật như gia súc, lợn, gia cầm, thú cưng cũng như NTTS.
LAN ứng dụng các chủng vi sinh chuyên biệt cho những ứng dụng cụ thể để mang lại hiệu quả tối ưu cho khách hàng. LAN cam kết tối ưu sinh trưởng và sức khỏe vật nuôi bằng những giải pháp vi sinh tự nhiên, chuyên biệt, dịch vụ tư vấn tại trang trại và cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và ổn định từ Tập đoàn LALLEMAND cho tất cả các loài vật nuôi, mang đến hiệu quả đầu tư cao hơn cho người nuôi.
Do tác động chung trên toàn cầu, thị trường thủy sản Việt Nam năm 2023 đã trải qua rất nhiều trắc trở, hiện vẫn chưa hết khó. Là một doanh nghiệp hiện diện trên toàn cầu, ông có thể chia sẻ thêm về điều này và cách mà LALLEMAND tránh khó?
Kể từ sau đại dịch COVID-19, những biến động về thị trường toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là tại Trung Quốc và Mỹ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) toàn cầu. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho chưa được giải quyết cũng như chi phí sản xuất thấp tại Ecuador đã làm tăng tính cạnh tranh cho ngành NTTS và đặc biệt là ngành tôm.
Tại Việt Nam, bên cạnh những thách thức kể trên, giá nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng cao và sự hoành hành của dịch bệnh khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi ở đây để hỗ trợ người nông dân Việt Nam vượt qua những khó khăn kể trên.
Cụ thể hơn, khi chúng tôi tìm hiểu về nguyên liệu đầu vào thức ăn tại Việt Nam, trong hầu hết các loại thức ăn NTTS, protein chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 45% và có thể cao hơn con số này. Tuy nhiên, dựa trên nhu cầu sinh học về dinh dưỡng cho tôm, hàm lượng đạm đề xuất cho thức ăn công nghiệp chỉởmức38-40%. Sử dụng thức ăn với lượng protein quá cao có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, giảm hiệu suất tăng trưởng của tôm, tăng khả năng nhiễm bệnh và tăng chi phí sản xuất. Các giải pháp sức khỏe của LAN hỗ trợ tăng khả năng tiêu hóa cho vật nuôi, từ đó giải quyết được thách thức này.
Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy được ô nhiễm môi trường và chất lượng nguồn nước không được đảm bảo là một trở ngại lớn đối với ngành NTTS. Với dải sản phẩm xử lý sinh học của LAN, người nuôi có thể ngăn ngừa những chất độc xảy ra trong quá trình nuôi như ammonia trong các ao tôm, ngăn chặn dịch bệnh và xử lý các vấn đề liên quan đến ô nhiễm nước, từ đó giảm chi phí sản xuất.
Vấn đề thứ 3 tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tình trạng kháng kháng sinh trên vật nuôi. Sử dụng kháng sinh với liều cao và thường xuyên trên vật nuôi khiến tỷ lệ kháng kháng sinh gia tăng và làm giảm sức chống trọi lại các loại dịch bệnh. LAN đề xuất một số giải pháp giúp cải thiện hệ miễn dịch cho vật nuôi. Với dòng sản phẩm Lalpak Immune, chúng tôi đem đến giải pháp tăng cường hệ miễn dịch cho tôm, từ đó giảm đi việc sử dụng kháng sinh trong NTTS.
LALLEMAND cam kết đồng hành cùng người nông dân Việt Nam, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng thị trường với các sản phẩm tốt hơn, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
Điều khiến người nuôi tôm Việt Nam lo lắng là sự tiềm ẩn của dịch bệnh, dịch bệnh cũ chưa được khắc phục triệt để thì những căn bệnh mới xuất hiện, nguy hiểm hơn và gây hậu quả trầm trọng. Ông có chia sẻ gì với người nuôi để giúp họ vượt khó, đưa vụ nuôi thành công?
Trên thực tế, không có một giải pháp hay một sản phẩm duy nhất nào có thể giải quyết được các vấn đề dịch bệnh một cách triệt để. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị thường dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh, làm trầm trọng thêm vấn đề. Do đó, chìa khóa nằm ở việc người nông dân cần triển khai áp dụng các giải pháp quản lý trang trại và các biện pháp bảo vệ sinh học hiệu quả, cũng như sử dụng các sản phẩm hỗ trợ phù hợp.
LALLEMAND mang đến cho khách hàng các sản phẩm hỗ trợ vật nuôi tăng sức đề kháng để chống lại bệnh tật. Các sản phẩm đều có giá cả phù hợp và đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Giải pháp của chúng tôi đã được chứng minh kết quả thông qua quá trình sử dụng thực tế tại các trang trại trong thời gian qua.
LALLEMAND có những đề xuất nào để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, thưa ông?
Tất cả những giải pháp mà tôi vừa đề cập trên đây đều là những giải pháp giúp phát triển ngành nuôi tôm theo hướng bền vững, hỗ trợ người nông dân quản lý được lượng thức ăn, đảm bảo tỷ lệ protein phù hợp, giảm tỷ lệ tử vong, cải thiện chất lượng nước và giảm việc sử dụng kháng sinh. Thực hiện được những mục tiêu này sẽ góp phần phát triển ngành nuôi tôm theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tham gia Hội chợ VietShrimp lần thứ 5 này, LALLEMAND giới thiệu những công nghệ hay sản phẩm tiên tiến nào với khách tham quan, thưa ông?
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân và Ban Tổ chức ghé thăm gian hàng của Lallemand tại VietShrimp 2024
Hiện chúng tôi sắp hoàn thành nghiên cứu và cho ra mắt một số sản phẩm mới, nhưng hiện tại vẫn còn quá sớm để giới thiệu về chúng. Năm nay, LALLEMAND chủ yếu mang đến VietShrimp các sản phẩm mà chúng tôi đã ra mắt vài năm trước, bao gồm Lalsea Biorem – Giải pháp xử lý nước bảo vệ môi trường; Lalpack Probio – Bộ sản phẩm vi sinh giúp cải thiện sức khỏe của tôm và Lalpack Immune – Giúp kích hoạt hệ miễn dịch để tăng cường phản ứng miễn dịch đối phó với các thách thức dịch bệnh.
Ông đánh giá như thế nào về VietShrimp 2024?
Tôi nghĩ rằng VietShrimp nên được duy trì tổ chức hàng năm. Các doanh nghiệp như chúng tôi cần có nhiều hơn nữa những cơ hội gặp gỡ nhau tại các sự kiện như VietShrimp hằng năm để tăng cường sự trao đổi thông tin và kinh nghiệm. Việc gặp gỡ trực tiếp người nông dân tham dự sự kiện giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về tình hình thực tế và nhu cầu của thị trường. Điều này là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành NTTS.
Trân trọng cảm ơn ông!
Oanh Thảo (Thực hiện)