Vị thế Thủy sản Việt Nam 2010

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Trải qua một năm đầy khó khăn và biến động, ngành thủy sản Việt Nam vẫn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra và tự tin bước vào năm 2011 với nhiều triển vọng.

Xuất khẩu “chao đảo”

Nửa đầu năm 2010, xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do vướng vào định IUU của châu Âu. Hậu quả là giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Việt Nam vào thị trường này giảm 11% so với cùng kỳ 2009. Trong nước, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều rơi vào tình trạng “đói” nguyên liệu. Khan hiếm nguyên liệu đã đẩy giá thu mua lên cao, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.


Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tự tin trong năm tới    Ảnh: Lê Bảo Yến

Bên cạnh đó, hầu hết các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều gặp “vấn đề”. Khủng hoảng nợ ở châu Âu khiến giá trị đồng Euro giảm mạnh so với đồng USD đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Ảnh hưởng nặng nề nhất là cá tra, basa khi giá xuất khẩu vào EU không tăng, do đồng Euro mất giá khiến các nhà nhập khẩu dè chừng. Vì vậy, sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này suy giảm mạnh.

Chưa hết, từ đầu năm 2010, thị trường Nga có nhiều chủ trương siết chặt thủy sản nhập khẩu, kiểm soát chất lượng nhằm mục đích bảo hộ, tăng lượng cá tiêu thụ trong nước. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khốn đốn khi các nhà nhập khẩu ở Nga áp dụng chính sách giảm tỷ lệ mạ băng trong thủy sản nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%, nhưng lại không chấp nhận tăng giá.

Tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải tạm dừng xuất khẩu vì không thể cạnh tranh được do phải chịu mức thuế quá cao, đặc biệt là sản phẩm cá ngừ. Một số nước xuất khẩu vào Nhật Bản được hưởng mức thuế thấp như Thái Lan (3,2%), Philippines (3,6%), trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế 7,2%.

 

“Họa vô đơn chí”

Chưa kịp khắc phục những khó khăn từ thị trường, xuất khẩu thủy sản Việt Nam khốn khổ khi “cơn bão” Trifluralin tràn qua. Tháng 9/2010, lô tôm đầu tiên của Việt Nam bị Nhật Bản cảnh báo phát hiện có dư lượng Trifluralin cao hơn mức cho phép, hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp bị ách lại. Hàng chục container tôm xuất khẩu sang Nhật của các doanh nghiệp phải nằm chờ kết quả kiểm tra từ các trung tâm kiểm định chất lượng, với khoảng 15 USD/mẫu. Trong khi đó, nhiều khách hàng đòi giảm giá xuất, cam kết bồi thường nếu phát hiện có dư lượng Trifluralin. Thậm chí, nhiều nhà nhập khẩu Nhật Bản tìm đến các nhà xuất khẩu khác.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), mặt hàng bị phát hiện nhiễm dư lượng kháng sinh Trifluralin gồm: 11 mẫu cá tra, 4 mẫu cá rô phi, 2 mẫu tôm và 1 mẫu cá lóc. Ngay sau đó, Nhật Bản thông báo kiểm tra 100% lô hàng thủy sản từ Việt Nam. Sự việc này gây nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp, hơn nữa, việc kiểm tra 100% lô hàng sẽ khiến tăng tỷ lệ rủi ro, bởi nếu một container bị phát hiện dư lượng Trifluralin, nhà nhập khẩu sẽ phải chịu thiệt hại thấp nhất từ 5.000 – 10.000USD.

Vụ Trifluralin chưa lắng dịu thì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lại gặp phải thách thức, và vẫn là cá tra. Ngày 15/9, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 6 về việc áp thuế đối với cá tra, basa Việt Nam. Theo đó, DOC sẽ áp mức thuế chống bán phá giá trên 100% đối với cá tra, basa fillet đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Tháng 12/2010, WWF tại  6 nước châu Âu là Đức, Áo, Bỉ, Thụy Sĩ, Na Uy và Đan Mạch đưa cá tra vào “danh sách đỏ” trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2011, với lý do chủ yếu là môi trường nuôi cũng như việc sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra, basa ở Việt Nam có vấn đề. Hiện nay, mặc dù WWF đã gỡ cá tra Việt Nam khỏi danh sách này, nhưng “dư âm” của nó chắc chắn vẫn chưa tan hết. Có thể đây sẽ là trở ngại với cá tra, basa Việt Nam trong năm 2011. Và mới đây, sản phẩm cá tra, basa Việt Nam đang bị EU đưa vào danh mục có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá.

 

Một số chỉ tiêu thủy sản Việt Nam thực hiện năm 2010

 

Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng

Vượt qua khó khăn do biến động của thị trường, giá cả, diễn biến bất thường của thời tiết và nhiều rào cản trên các thị trường tiêu thụ thủy sản, ngành thủy sản đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Theo thống kê, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2010 cả nước đạt trên 2,8 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2009, tổng sản lượng đạt hơn 5,1 triệu tấn, tăng gần 3%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng hơn 6%. Trong đó, sản lượng cá nước ngọt ước đạt trên 1,9 triệu tấn, riêng cá tra, basa đạt gần 1,5 triệu tấn, tôm nuôi đạt trên 460 nghìn tấn, nhuyễn thể đạt gần 110 nghìn tấn, cá biển đạt khoảng 12.500 tấn.

Với những con số ấn tượng của năm 2010, cùng với các chính sách đầu tư cho ngành, như Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa ở vùng ĐBSCL đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 57.400 tỷ đồng, ngành thủy sản đã có thể thực hiện được các kế hoạch dài hơi. Mục tiêu đến năm 2020, kinh tế thủy sản đóng góp 30-35% GDP trong khối nông – lâm – ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8-10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8-9 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2011 sẽ vẫn khó khăn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt về giá. Vì năm nay, những biện pháp bảo hộ phi thuế dành cho nông nghiệp gần như được bãi bỏ, hầu hết hàng hóa được quản lý theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và không hạn chế định lượng. Việc thực hiện mục tiêu của năm 2011 sẽ khó do các thị trường nhập khẩu chủ lực của Việt Nam có xu hướng gia tăng các rào cản thương mại.         

>> Năm 2010, thủy sản là một trong ba nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn ngành, bởi theo số liệu của Bộ NN&PTNT, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong kế hoạch năm 2010 trực tiếp cho ngành thủy sản chỉ khoảng 132,7 tỷ đồng, chiếm 2,48% vốn thực hiện đầu tư của ngành NN&PTNT.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!