Victory Farms gỡ khó trong sản xuất trứng rô phi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với kế hoạch mở rộng quy mô tại Kenya và Rwanda, nhà sản xuất rô phi lớn nhất Kenya – Victory Farms đã quyết định thuê các nông dân nhỏ lẻ địa phương sản xuất trứng. Quyết định này không chỉ giúp gia tăng sản lượng rô phi mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Gặp khó với quỹ đất

Do hệ thống kế thừa qua nhiều năm, tình trạng phân chia trong quyền sở hữu đất đai ở Kenya từ lâu đã trở thành một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp muốn phát triển theo quy mô công nghiệp.

Ông Steve Moran – đồng sáng lập Victory Farms cho biết: “Trở ngại lớn nhất của chúng tôi là mở rộng sản xuất giống – mô hình của chúng tôi là sử dụng 1 ao lớn để nuôi dưỡng và thu thập trứng, vì vậy để phát triển, chúng tôi cần quỹ đất rộng. Đất ở Kenya được phân chia qua nhiều thế hệ. Do đó để có được một trang trại rộng 12 hecta, chúng tôi đã phải tiến hành thương thảo với 54 người liên quan”.

Giải pháp mới

Để hoàn thành mục tiêu sản xuất 18.000 tấn rô phi trong năm 2024, Victory Farms đã quyết định thử nghiệm một hệ thống độc đáo cho việc sản xuất trứng cá, với kết quả đầy triển vọng.

Victory Farms thử nghiệm mô hình thuê ngoài Ảnh: Victory Farms

Đối mặt với những khó khăn về quỹ đất, Moran và đồng sáng lập Joseph Rehman đã quyết định thử nghiệm giải pháp thuê các nông dân địa phương sản xuất trứng. Mô hình này có tên là Chương trình Nuôi Trồng Thủy Sản Homa Bay (HEAP).

Với mô hình HEAP, Victory Farms tìm kiếm các đối tác trong cộng đồng và thuê đất từ họ. Trên mỗi mảnh đất, công ty xây dựng một ao nuôi với diện tích thông thường là 20 x 60 m, thả nuôi khoảng 1.000 con giống. Sau khi xây dựng, Victory Farms quản lý ao đó như một tài sản của mình, hàng tháng “nộp” một khoản tiền cho chủ đất dựa trên khối lượng trứng thu được từ ao đó. Khoản tiền này trung bình gấp 2,5 lần mức lương tối thiểu, giúp chủ đất có thêm một nguồn thu nhập thụ động từ mảnh đất bỏ không của mình.

Hầu hết các ao sẽ được xả nước, khử trùng, vôi hóa và bón phân 2 lần/năm, có nghĩa các “đối tác” nông dân địa phương sẽ nhận được tiền trong 10 – 11 tháng mỗi năm. Đây là khoản thu nhập tốt hơn nhiều so với các mô hình chăn nuôi gia súc và trồng trọt tại vùng này.

Victory Farms sử dụng máy bơm năng lượng mặt trời để đổ nước đầy ao và thường xuyên xả nước để đảm bảo chất lượng nước tốt nhất cho cá. Nước xả từ ao được dùng để tưới tiêu cho các ruộng rau, cà chua, hành…. xung quanh, giúp canh tác ngay cả trong mùa khô. Hệ thống này giúp cung cấp rau xanh cho cộng đồng địa phương và cải thiện an ninh lương thực. Theo Steve Moran, khoảng 30% trứng của Victory Farms hiện đang được sản xuất theo mô hình HEAP, dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 50% trong 12 tháng tới.

Lê Nguyên
(Theo Thefishsite)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!