Việt Nam – Australia: Hướng tới trở thành đối tác thương mại lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison, đề nghị hai bên khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh, phấn đấu sớm trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau…

Theo Thủ tướng Scott Morrison, Việt Nam trong năm 2020 đã trở thành hình mẫu thành công hiếm có trên thế giới về kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, đồng thời vẫn giữ ổn định và phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

“Đặc biệt, việc ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã mở ra cơ hội mới cho tự do, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế chung của toàn khu vực” – Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh.

Dư địa xuất khẩu tôm vào thị trường Australia còn lớn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tích cực khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh, phấn đấu sớm trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi dòng đầu tư hai chiều, hướng tới phục hồi bền vững sau đại dịch. Trong đó, có việc sớm hoàn tất và ký kết Chiến lược Hợp tác kinh tế tăng cường (EEES), phát huy hiệu quả hợp tác trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), RCEP nhằm thúc đẩy thương mại, giảm thiểu tranh chấp.

Đối với các vấn đề đa phương, hai bên trao đổi cởi mở về tình hình hợp tác trong các khuôn khổ khu vực và thế giới. Cả Việt Nam và Australia đang cùng các nước thành viên thực hiện nghiêm túc cam kết trong CPTPP; cùng nhau đưa ra biện pháp tích cực giải quyết các vấn đề chung như liên quan đến chứng nhận xuất xứ trong CPTPP.

Thủ tướng cũng đề nghị Australia tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản Việt Nam như tôm tươi nguyên con, nhãn, chanh leo, chôm chôm, vú sữa và các nông sản khác; khuyến khích doanh nghiệp lớn của Australia tăng cường đầu tư về viễn thông, hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính – ngân hàng, khai khoáng, năng lượng, chế tạo, giáo dục, du lịch…; tăng hỗ trợ ODA cho Việt Nam, tập trung vào hạ tầng cơ sở, phát triển nông nghiệp, nông thôn, miền núi, hỗ trợ giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Trước đó, Việt Nam cũng đề nghị phía Australia phối hợp, hỗ trợ tuyên truyền tới các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương của Australia về các hoạt động tăng cường giao thương doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 của Thương vụ Việt Nam tại Australia đề xuất như “Hội chợ trực tuyến nguồn hàng Việt Nam”, ứng dụng miễn phí Vie-Aus Trade. Đồng thời, đề nghị hai bên sớm hoàn tất ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định hàng không giữa hai Chính phủ từ năm 1995, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không hai nước khai thác đường bay thẳng giữa hai bên.

>> Để cán cân thương mại giữa Việt Nam và Australia cân bằng và bền vững hơn, Việt Nam mong muốn Australia hợp tác, hỗ trợ trong việc mở cửa thị trường cho sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam và tăng cường hợp tác trong phòng vệ thương mại, công nghiệp, năng lượng…

Anh Việt

Nguồn: Báo Công Thương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!