(TSVN) – Vaccine không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế bệnh dịch gây ra mà còn góp phần quan trọng giúp việc giảm sử dụng kháng sinh, từ đó ngăn ngừa nguy cơ kháng kháng sinh – một vấn đề cấp bách của ngành y tế và thú y toàn cầu.
Sáng 28/12, tại Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ và chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Thú y, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam”.
Diễn đàn nhằm tạo không gian đối thoại chuyên sâu giữa các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, chủ trang trại và người chăn nuôi trong việc ứng dụng những tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y vào phòng, chống hiệu quả dịch bệnh động vật tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, vaccine thú y đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe động vật, nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam đang bùng nổ cả về quy mô và số lượng, việc phòng ngừa dịch bệnh thông qua vaccine không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế bệnh dịch gây ra mà còn góp phần quan trọng giúp việc giảm sử dụng kháng sinh, từ đó ngăn ngừa nguy cơ kháng kháng sinh – một vấn đề cấp bách của ngành ý tế và thú y toàn cầu.
Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam” diễn ra sáng ngày 28/12 tại Hà Nội
Theo báo cáo của Cục Thú y, cả nước hiện có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, với tổng số 218 loại vaccine. Về nhập khẩu, trong năm 2024, Việt Nam đã nhập 340 loại, trị giá 90 triệu USD. Các sản phẩm vaccine nhập khẩu của Việt Nam đa phần đến từ những tập đoàn đa quốc gia hiện sở hữu công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến, an toàn hàng đầu trên thế giới.
Hiện nước ta nhập khẩu vaccine từ 25 thị trường, bao gồm: Argentina, Brazil, Canada, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hà Lan, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Na Uy, Nga, Singapore, Tây Ban Nha, Đài Loan, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ…
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), cho biết: Thời gian qua, nhờ sự không ngừng cải tiến và các kết quả nghiên cứu vaccine qua nhiều thế kỷ, cả con người và vật nuôi đều được hưởng lợi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an ninh lương thực thế giới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) phát biểu khai mạc Diễn đàn
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, trong thời gian tới, với những thành tựu và dấu ấn đã được thế giới ghi nhận, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và sáng tạo ra các loại vaccine mới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng. Với xu hướng xã hội hóa nguồn lực cùng sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành thú y và chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vaccine hiện đại.
Theo ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y), đối với vấn đề hợp tác quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng trong hợp tác, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine thú y thế hệ mới, an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm vaccine thú y phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp, dịch bệnh mới nổi…
Bộ NN&PTNT và Cục Thú y cũng luôn tạo điều kiện tối đa cũng như khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vaccine thú y của Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm vaccine thú y đến các nước trong khu vực và quốc tế, từ đó góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu và trách nhiệm của Việt Nam với ngành thú y của thế giới.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long khẳng định việc sử dụng vaccine là vô cùng quan trọng và cần thiết trong kiểm soát dịch bệnh
Với riêng lĩnh vực thủy sản, hiện nước ta đã chủ động nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại vaccine phòng các bệnh trên thủy sản nuôi như: Vaccine phòng bệnh xuất huyết, gan thận mủ trên cá tra, vaccine phòng bệnh do vi khuẩn Streptococcus trên cá rô phi; và đã có 6 sản phẩm vaccine thủy sản được cấp phép lưu hành, sử dụng trong nước.
Đặc biệt, năm 2019, Việt Nam có 50 triệu liều vaccine thủy sản Panga 2 đăng ký lưu hành, sử dụng; năm 2020 là 45 triệu liều; năm 2022 lên tới 67 triệu liều. Đây là một loại vaccine tiêm giúp bảo hộ cá khỏi các bệnh chủ yếu trong ngành công nghiệp cá tra ở Việt Nam, Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ và Aeromonas hydrophila gây bệnh phù đầu xuất huyết.
Hiện, Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản Nam Bộ (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II) đang hướng đến nghiên cứu vaccine nhị giá cho cá tra phòng bệnh xuất huyết và bệnh gan thận mủ. Đây là hai loại bệnh gây nhiều thiệt hại cho người nuôi cá tra, cùng với các bệnh khác như bệnh trắng đuôi, thối đuôi (do nhóm vi khuẩn Flavobacterium gây ra); và bệnh do ký sinh trùng.
Mặc dù việc sử dụng vaccine trong nuôi trồng thủy sản tại nước ta vẫn rất hạn chế, tuy nhiên, đây là là lựa chọn quan trọng để đảm bảo ngành thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững và an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vaccine trên thế giới tạo ra cơ hội cho Việt Nam học hỏi và hợp tác. Cục trưởng Cục Thú y cho rằng đã có sự phát triển đáng kể trong hợp tác khoa học công nghệ và công nghệ sản xuất vaccine của Việt Nam đã tiếp cận trình độ thế giới”.
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Văn Long, việc sử dụng vaccine là vô cùng quan trọng và cần thiết trong kiểm soát dịch bệnh. Chính vì thế, “các Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản và các doanh nghiệp liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”, Cục trưởng Nguyễn Văn Long khuyến nghị.
Thu Hồng