Việt Nam – Đan Mạch: Thiết lập mối quan hệ toàn diện

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – 40 năm kể từ ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao Đan Mạch – Việt Nam, Chính phủ Đan Mạch đã có nhiều hoạt động hỗ trợ Việt Nam, trong đó có lĩnh vực thủy sản. Phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Ngài John Nielsen – Đại sứ Vương quốc Đan Mạch về mối quan hệ hợp tác Đan Mạch – Việt Nam sau 40 năm cũng như những tiềm năng của mối quan hệ này trong tương lai.

Ngài Đại sứ có thể khái quát về mối quan hệ hợp tác Đan Mạch – Việt Nam sau 40 năm. Tiềm năng của mối quan hệ này trong tương lai?

Năm 1971, Đan Mạch là một trong số những nước phương Tây đầu tiên công nhận Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau chiến tranh. Quan hệ giữa hai nước chúng ta thể hiện mạnh mẽ ở lĩnh vực hợp tác phát triển (ODA). Trong thập kỷ vừa qua, mối quan hệ đó còn thể hiện ở khía cạnh văn hóa và thương mại. Kể từ năm 1971, Đan Mạch đã cung cấp hơn 1,2 tỷ USD viện trợ phát triển cho Việt Nam. Viện trợ của Đan Mạch đã mang lại những kết quả cụ thể trong lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp, nước sạch và vệ sinh, môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và cải cách tư pháp.

Tôi tin tưởng rằng mối quan hệ đó giữa hai nước chúng ta là nền tảng vững chắc để hai bên khắc sâu hơn nữa sự hợp tác và bước vào một mối quan hệ đối tác toàn diện hơn. Một số lĩnh vực mà tôi thấy có tiềm năng nhất đó là việc tăng cường đối thoại chính trị và củng cố quan hệ thương mại nói chung. Đó còn là việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, cụ thể là sản xuất và sử dụng hiệu quả năng lượng sạch, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra chúng ta cũng có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và nghiên cứu.
 

Chương trình hỗ trợ ngành thủy sản (FSPS) đã đi đến chặng cuối cùng và dự kiến sẽ kết thúc vào 30/12/2012. Sau FSPS, phía Đan Mạch có dự án nào để tiếp tục hỗ trợ cho ngành thủy sản Việt Nam hay không, thưa Ngài Đại sứ?

Thông qua Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Chính phủ Đan Mạch theo đuổi chiến lược đi từ viện trợ đến thương mại. Mục tiêu của chiến lược này là duy trì mạng lưới các đối tác và dự án hợp tác phát triển hiện hành để lồng ghép trong việc xây dựng quan hệ đối tác về thương mại giữa Đan Mạch và Việt Nam. Đây là một hoạt động vô cùng quan trọng  trong quá trình giảm dần hỗ trợ phát triển bởi đó là cách đảm bảo rằng tri thức, kinh nghiệm của Đan Mạch sẽ tiếp tục có mặt để hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam trong ngành thủy sản, bước đầu là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bởi vì lĩnh vực này đặt nền tảng cho mối quan hệ thương mại trong tương lai.

 

“Tri thức, kinh nghiệm của Đan Mạch sẽ tiếp tục có mặt để hỗ trợ sự phát triển của ngành thủy sản của Việt Nam, bước đầu là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bởi vì lĩnh vực này đặt nền tảng cho mối quan hệ thương mại trong tương lai” – Đại sứ Vương quốc Đan Mạch John Nielsen chia sẻ.

 Có thể nói, Đan Mạch là một cường quốc về năng lượng xanh và Việt Nam cũng là một đất nước có tiềm năng về nguồn năng lượng này. Trong năm 2012, Đan Mạch có những dự án nào hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực, thưa Ngài?

Có một cách mà Đan Mạch có thể hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực đưa tăng trưởng xanh bền vững vào mô hình phát triển của mình là thông qua Chương trình hợp tác doanh nghiệp của DANIDA tại Việt Nam (viết tắt là chương trình DBP). Chương trình này khuyến khích các công ty Đan Mạch và Việt Nam hợp lực và thành lập quan hệ đối tác lâu dài, bền vững và ổn định về mặt thương mại. Chương trình này chỉ hỗ trợ các dự án trong khuôn khổ lĩnh vực công nghệ sạch để thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Tôi cũng thấy rằng tiềm năng hợp tác to lớn trong phát triển xanh giữa Đan Mạch và Việt Nam là kết quả của việc kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong các hoạt động kỷ niệm này, chúng tôi đã chủ trì một loạt các hội thảo, trong đó có Hội thảo về Tăng trưởng Xanh được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. 12 công ty Đan Mạch cùng hơn 150 công ty của Việt Nam đã tham gia vào hội thảo này. Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ từ phía các công ty Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía các công ty Đan Mạch. Tôi tin chắc rằng các doanh nghiệp hai bên đã có được những mối liên hệ mạng lưới quan trọng. Đây là yếu tố có vai trò thiết yếu cho hoạt động kinh doanh của họ và họ cũng đã gặp gỡ được các đối tác hợp tác tiềm năng hứa hẹn trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KH&CN cho Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen

 

Mới đây, Đan Mạch đã hỗ trợ cho Việt Nam 40 triệu USD trong Chương trình Thích ứng và Giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Xin Ngài Đại sứ chia sẻ một vài điều về dự án này?

Chương trình này có mục đích góp phần đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế – xã hội và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam bằng cách củng cố năng lực của Việt Nam trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và giúp Việt Nam nâng cao khả năng giảm nhẹ (các tác động của biến đổi khí hậu. Nguồn tài trợ này được cung cấp dưới hình thức hỗ trợ ngân sách và nó được đưa vào sử dụng dưới dạng đóng góp kinh phí cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường và Chương trình Sử dụng hiệu quả năng lượng tại Việt Nam trực thuộc Bộ Công thương. Nguồn tài trợ này vì vậy sẽ được các cơ quan Chính phủ quản lý và thực hiện.

Bến Tre và Quảng Nam là hai tỉnh mục tiêu nằm trong diện thực hiện thí điểm của các chương trình nói trên vì hai tỉnh này nằm trong số các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều do tác động của biến đổi khí hậu.

 

Ngài đã từng đón Tết âm lịch ở Việt Nam chưa? Nếu có, Ngài có thể chia sẻ một vài cảm nhận về Tết Việt với bạn đọc Tạp chí Thủy sản Việt Nam?           

Thật không may là tôi chưa từng đón Tết ở Việt Nam. Nhưng năm nay, tôi sẽ ở lại đây và hiện tại, tôi đang nóng lòng muốn được trải nghiệm không khí Tết cũng như các phong tục tập quán của các bạn trong dịp lễ quan trọng này. Và tôi biết rằng sẽ có một vài ngày yên tĩnh tại Hà Nội.

Trân trọng cảm ơn Ngài Đại sứ!

 

Hồng Thắm

(Thực hiện)

Những đóng góp của Đan Mạch đối với ngành thủy sản Việt Nam

– Chương trình Hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam giai đoạn I (2000-2005) (FSPS I) với tổng kinh phí DANIDA tài trợ khoảng 41 triệu USD. Chương trình bao gồm các hợp phần: Tăng cường năng lực quản lý hành chính ngành thuỷ sản (STOFA); Hỗ trợ nuôi trồng thủy sản nước ngọt (SUFA); Hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản nước lợ và nước mặn (SUMA); Cải thiện chất lượng và xuất khẩu thuỷ sản (SEAQIP-II); Hỗ trợ tái cơ cấu ngành và cổ phần hoá doanh nghiệp (SIRED).

– Sau khi Chương trình FSPS I kết thúc, tháng 1/2006, Chương trình Hỗ trợ ngành Thủy sản giai đoạn II (FSPS II) 5 năm được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch thống nhất triển khai. Chương trình Hỗ trợ ngành Thủy sản Việt Nam giai đoạn II 2006 – 2010 (FSPS II) với tổng kinh phí là 38 triệu USD. Chương trình FSPS II gồm 4 hợp phần: Tăng cường năng lực quản lý hành chính thủy sản (Hợp phần STOFA); Tăng cường năng lực quản lý khai thác thủy sản (Hợp phần SCAFI); Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững (Hợp phần SUDA); Tăng cường năng lực sau thu hoạch và marketing (Hợp phần POSMA).

– Hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các Khu bảo tồn biển (LMPA) là một trong năm hợp phần thuộc Chương trình hợp tác Phát triển trong lĩnh vực môi trường giữa Việt Nam và Đan Mạch. Tổng ngân sách của Hợp phần LMPA là 25,99 triệu Curon Đan Mạch (DKK), sau điều chỉnh lên 28 triệu DKK. Thời gian thực hiện từ 2006-2011.

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!