Bên cạnh tôm nước lợ và cá tra, Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp cá rô phi. Tuy nhiên, thành công không tự đến. Đó là chia sẻ của GS-TS David Little (ảnh), Đại học Stirling (Scotland). Phóng viên Thủy sản Việt Nam hỏi chuyện GS-TS David Little, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Theo ông, tiềm năng cá rô phi trong tương quan các nước khác thế nào?
Cá rô phi từ lâu đã được nuôi tại Việt Nam nhưng có vẻ mới tiến gần đến đảm bảo các thị trường quốc tế và có tín hiệu tăng đáng kể sản lượng nuôi. Tại nhiều nước, nơi nuôi cá rô phi được hình thành, nhu cầu thị trường đã điều khiển hướng sản xuất. Những nước Trung và Nam Mỹ đã nhắm đến Bắc Mỹ cho việc xuất khẩu fillet tươi. Trung Quốc đã thống trị thương mại đối với mặt hàng cá rô phi đông lạnh. Các nhà thu mua từ lâu đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cá rô phi fillet đông lạnh từ Trung Quốc sang nước khác, nhưng rất ít nhà sản xuất từ các nước này có thể cung cấp với giá cạnh tranh. Công ty CP Nam Việt (Navico) là một ví dụ, đây có thể là một đột phá ở thời điểm này, khi Navico đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, phát triển hệ thống nuôi cá rô phi bè trên sông; khi Navico thành công, chắc chắn sẽ khuyến khích các công ty khác có tiềm lực tương tự phát triển.
Nhu cầu của thị trường đối với cá rô phi ra sao, thưa ông?
Cá rô phi đứng thứ tư trong danh sách top 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ. Khối lượng tiêu thụ tiếp tục tăng vì thiết kế sản phẩm giá trị gia tăng địa phương và thực phẩm hiện nay phát triển các công nghệ mới để cá rô phi trở thành một sự lựa chọn cho nguồn thực phẩm hằng ngày. Cá rô phi fillet đông lạnh dạng miếng (IQF fillet) là mặt hàng chính theo nhu cầu của các nhà nhập khẩu. Chúng sẽ được bán trên thị trường ngày càng nhiều hơn dưới dạng sản phẩm gia tăng sẵn để có thể ăn liền. Ngược lại, các thị trường mang tính chọn lọc nhân văn ở châu Mỹ, châu Âu và ở những nơi khác trên thế giới, gồm cả châu Phi, lại có nhu cầu với cá nguyên con đông lạnh và khá nhạy cảm về giá cả.
Ngành công nghiệp cá rô phi Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì? Hướng bứt phá trong tương lai?
Theo tôi, ngành công nghiệp cá rô phi Việt Nam có thuận lợi về khả năng (cơ sở hạ tầng, kiến thức, kỹ thuật, các mối liên kết thị trường) để chế biến khối lượng lớn cá rô phi dựa trên nền tảng ngành công nghiệp cá tra sẽ hỗ trợ phát triển nhanh chóng, khi thực hành sản xuất tốt được hình thành. Bên cạnh đó, phương pháp thông dụng trong việc xử lý chất thải đã được phát triển tốt cho sản xuất cá tra cũng sẽ có lợi cho ngành hàng cá rô phi. Tuy nhiên, vấn đề bệnh cá và chất lượng nước vùng nuôi kém sẽ là những thách thức cho sự phát triển bền vững ngành này trong việc nuôi bè trên sông rạch.
GS-TS David Little thăm trại sản xuất giống cá rô phi của Navico tại An Giang – Ảnh: NVCC
Để phát triển hơn nữa, ngành công nghiệp cá rô phi Việt Nam cần phải tìm cách sản xuất được sản phẩm chất lượng theo hướng thực hành sản xuất tốt nhất, nhất là phải tìm cách xây dựng được các chiến lược quản lý sức khỏe vật nuôi hiệu quả cao đối với nuôi cá bè. Điều này đòi hỏi phải xem xét việc chọn địa điểm nuôi, kết cấu bè, mật độ cá thả, chất lượng thức ăn. Cùng đó, việc sản xuất giống, đặc biệt là các chiến lược giai đoạn ương giống để sản xuất số lượng lớn, cá giống khỏe mạnh, chất lượng cao để thả giống trong bè; sử dụng vaccine phòng bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng cho cá nuôi… cũng là những vấn đề then chốt cần phải quan tâm.
Chính phủ, VASEP và các hộ/trang trại nuôi cá nên đoàn kết để phát triển “thương hiệu Mê Kông”, tìm cách duy trì các dòng sông sản xuất sạch được bảo vệ khỏi nguồn chất thải công nghiệp độc hại, chất thải sinh hoạt và chất thải nông nghiệp.
Ở đây, sẽ có một yêu cầu để xem xét đến việc sử dụng nguồn nước chung giữa các hộ/trang trại nuôi cá tra, cá rô phi và nhu cầu để thiết lập đánh giá về sức tại môi trường vùng nuôi địa phương và các giới hạn/hạn định sản xuất hoặc rủi ro của chất lượng nước nghèo nàn ảnh hưởng đến tất cả các bên sản xuất sẽ góp phần xác định sự thành công đối với toàn ngành hàng này.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> GS-TS David Little đang làm việc tại Viện Nuôi trồng Thủy sản, Đại học Stirling (Scotland). Năm 1980 ông bắt đầu làm việc tại châu Á, trong vai trò một chuyên gia khuyến ngư của Chính phủ Thái Lan. Tiếp đó, ông dành thời gian dài làm việc tại Viện Công nghệ châu Á (1984 – 1997) với tư cách nghiên cứu, giáo dục và làm việc trong mạng lưới nhóm nghiên cứu tại các nước Đông Nam Á. |