Trong cuộc hội đàm giữa Đại sứ quán Việt Nam và Cục Công tác Thanh tra trong khuôn khổ hợp tác Quốc tế và WTO về chuyên đề xuất nhập khẩu thủy sản, Việt Nam mong muốn phía Nga tháo bỏ những hạn chế về cung cấp cá tra sang Nga và cho phép nhập khẩu sản phẩm của những doanh nghiệp mới.
Đại diện phía Việt Nam cho rằng: Kim ngạch thương mại trong xuất nhập khẩu thực phẩm còn chưa tương xứng với nhu cầu của hai quốc gia. Hiện, việc cung cấp cá và hải sản chỉ chiếm 4% tổng khối lượng trao đổi hàng hóa, trong khi đó với việc phát triển nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam, lượng cung cấp có thể tăng hơn nữa.
Hiện, cá tra Việt Nam gặp khó ở thị trường Nga – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Đại diện phía Nga cũng cho biết: Khi xuất khẩu vào thị trường Nga, các sản phẩm phải gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Đợt kiểm tra lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Nga cuối tháng 12/2013, Nga đã phát hiện tình trạng nhiễm khuẩn, dư đọng lượng chất thuốc kháng sinh. Những doanh nghiệp xuất khẩu đã không tuân thủ đầy đủ quy định chất lượng và đòi hỏi của pháp luật Nga và Liên minh hải quan về an toàn thực phẩm. Cụ thể, cá đưa đến nhà máy chế biến từ vùng nước bùn đất của sông Mekong, các phòng thí nghiệm không có trang bị đúng quy định…
Trước tình hình trên, phía Việt Nam khẳng định đang tích cực khắc phục những nhược điểm đã phát hiện, qua đó bày tỏ mong muốn việc thực hiện những quy định này có thể tháo bỏ hạn chế ban hành trước đây và mở ra triển vọng cho các xí nghiệp mới cung cấp hàng thủy sản sang thị trường này.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, việc gặp gỡ giữa Việt Nam và Nga hy vọng sẽ mở ra những triển vọng về tăng trưởng trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang quốc gia này. Tuy nhiên, những doanh nghiệp xuất khẩu nếu muốn tham gia vào thị trường Nga cần tìm hiểu rõ, tuân thủ chặt chẽ quy định từ phía thị trường đó, với những doanh nghiệp không áp dụng đúng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu phải bị xử phạt theo quy định để làm bài học cho những doanh nghiệp sau. Hiện, người nuôi cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn gặp khó khăn, diện tích nuôi đã giảm, do đó, nếu không khắc phục được những rào cản từ phía các nước nhập khẩu thì tình hình cá tra sẽ khó khởi sắc.