An Giang là một trong những địa phương có diện tích nuôi cá tra hàng đầu cả nước với sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt hơn 240.000 tấn.
Hiện nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã vươn tới thị trường của hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng sau thời gian tăng trưởng mạnh không ít người nuôi cá tra buộc phải “treo ao” vì nhiều lý do. Tuy nhiên, việc Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng này.
Trước những yêu cầu mới từ các thị trường khắt khe ở nước ngoài đang trở thành động lực để các doanh nghiệp nuôi thả cá tra thay đổi phương thức nuôi và chế biến thích ứng với yêu cầu của khách hàng. Chính vì vậy, ngành nuôi thả và chế biến cá tra ở An Giang đang tập trung nâng cao vị thế ở thị trường nuôi trồng thủy hải sản trong nước và thế giới.
Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, Ủy viên thường trực Hiệp Hội cá tra Việt Nam, hiện nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã vươn tới thị trường của hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, riêng thị trường châu Âu và Hoa Kỳ chiếm khoảng 50%. Hoa Kỳ là thị trường thủy sản lớn nhất của Việt Nam , chiếm khoảng 22% thị phần trong năm 2014. Có thể nói, đầu ra chính của cá tra là xuất khẩu.
Chỉ tính riêng tỉnh An Giang, diện tích nuôi cá tra năm 2015 là 1.223 ha, tăng 16 ha so với cùng kỳ; trong đó, diện tích vùng nuôi của doanh nghiệp 641 ha, chiếm 52%, tăng 16,59% so với cùng kỳ. Trong khi đó, diện tích ao nuôi của người dân đang giảm dần, nhiều hộ treo ao hoặc chuyển sang nuôi các giống khác do đầu ra cho cá tra hiện đang gặp khó. Ở thời điểm này giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức 17.200 đồng đến 18.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ nặng.
Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe và những trói buộc về quy trình sản xuất, vận chuyển và hàng rào thuế của thị trường Hoa Kỳ đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở An Giang. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội hiếm có để các doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng của sản phẩm xuất khẩu.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao khi tới đây Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ áp quy chuẩn mới về cá tra xuất khẩu vào thị trường này, theo ông Lê Chí Bình, Nhà nước cần quy hoạch lại vùng nuôi và mạnh dạn trao quyền cho Hiệp hội Cá tra Việt Nam trong vấn đề quy hoạch vùng nuôi cũng như các đầu mối xuất khẩu cá tra; tạo nên sự thống nhất từ chất lượng, sản lượng, đến xuất khẩu… tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Có như vậy, ngành cá tra Việt Nam mới cạnh tranh được với các nước khác và phát triển bền vững được.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần quản lý tốt hơn từ vùng nuôi đến chất lượng con giống; xây dựng cá tra trở thành thương hiệu uy tín. Một lưu ý nữa là người nuôi phải thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhà chế biến và người tiêu dùng, thực hiện tốt Nghị định 36 và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
Ông Nguyễn Văn Trường, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, hiện giá bán cá tra tại ao là 17.200 đồng/kg, người nông dân đang lỗ ít nhất 5.000 đồng/kg. Trong khi đó người dân hoàn toàn tự “bơi” trong tìm đầu ra cho con cá tra do doanh nghiệp chế biến quyết định, trong khi chưa có hợp đồng mang tính chất ràng buộc giữa người nuôi cá và doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc hình thành các chuỗi liên kết đối với ngành chăn nuôi cá tra là một tín hiệu vui nhưng hiện tại người nông dân vẫn khó tham gia vào các chuỗi liên kết này. Sau hai năm, tỉnh An Giang mới triển khai được một mô hình chuỗi liên kết nhưng số nông dân được hưởng lợi cũng rất ít; phần lớn người nuôi cá tra không được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi về vốn vay của nhà nước. Doanh nghiệp không mấy “mặn mà” mở rộng quy mô chuỗi liên kết cho người nông dân tham gia…
Thống kê từ Tổng cục Thủy sản cho thấy, sản lượng thu hoạch cá tra của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2015 khoảng 1 triệu tấn, giảm 5%, xuất khẩu đến tháng 10/2015 đạt 1,306 triệu USD, giảm 10% so với năm 2014.
Theo ông Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, ngành cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bộc lộ nhiều yếu kém ở nhiều khâu, như giống chất lượng thấp, tỷ lệ sống thấp; vùng nuôi quy hoạch chưa ổn định, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh, cũng như tác động môi trường; khâu chế biến, xuất khẩu yếu trong chiến lược cạnh tranh, tranh giành nội bộ trong nước gay gắt, cạnh tranh trên thị trường quốc tế kém và đang gặp vấn đề về quản trị chất lượng.
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Kênh phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn yếu kém, thiếu hiểu biết về khách hàng, phụ thuộc vào nhà phân phối trung gian. Điều này gây bất lợi cho người nuôi cá tra cũng như làm cho con cá tra của Việt Nam khó xâm nhập thị trường thế giới trong bối cảnh gia nhập TPP sắp tới.
Để phát triển bền vững, ngành các tra Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một, hai thị trường; các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến cá tra cần tập trung, tránh sự phân tán, dàn trải; cần có sự phân khúc thị trường với các sản phẩm cho từng thị trường cụ thể; thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Cùng với đó là sự đa dang hóa cơ cấu sản phẩm, phát triển thị trường, thúc đẩy gia tăng nhu cầu ở thị trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động quảng bá. Đồng thời nâng cấp hệ thống sản xuất, quản trị từ khu vực nuôi, chế biến và phân phối thông qua đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư và tái đầu tư. Mặt khác, thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp; tiến hành nghiên cứu thị trường, định vị sản phẩm và xây dựng thương hiệu, hợp tác xây dựng các khu vực quảng bá, trưng bày, khu vực chế biến trình diện sản phẩm mới.
Ông Trần Anh Thư, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhận định, trong bối cảnh Việt Nam vừa chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định TPP vừa được ký kết, một số mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam nói chung; trong đó có An Giang sẽ gặp khó khăn, nhưng vẫn có nhiều mặt hàng có lợi thế. Nhất là với cá da trơn Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế so sánh rất lớn vì các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi để nuôi cá da trơn với chi phí thấp, người nông dân có nhiều kinh nghiệm, các hạ tầng phục vụ cho nuôi cá da trơn cũng tương đối ổn định.
Tuy nhiên, cái bất lợi là doanh nghiệp Việt Nam lâu nay chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng thương hiệu Quốc gia cũng như chất lượng sản phẩm, dẫn đến giá bán trên thị trường quốc tế giảm. Vấn đề đặt ra với con cá da trơn đối với tỉnh An Giang cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là cần xây phải dựng một quy trình bài bản từ con giống đến vùng nuôi; xây dựng thương hiệu gắn với xuất khẩu…
Năm 2016, trước cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng, Hiệp định TPP được ký kết sẽ đem lại những lợi ích, cơ hội lớn cho xuất khẩu ngành thủy sản nói chung và ngành cá tra nói riêng. Nhưng cơ hội bao giờ cũng đi cùng với thách thức. Nếu người nuôi cá tra và các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không đổi mới cách nghĩ, cách làm có thể thua trên “sân nhà”. Để bước vào một sân chơi lớn, các doanh nghiệp cần phải thay đổi định hướng kinh doanh, sản xuất cái mà thị trường cần chứ không phải sản xuất cái chúng ta có.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, thông thoáng mang tính ràng buộc cao giữa nông dân – người nuôi cá với doanh nghiệp nhằm khuyến khích nông dân tham gia vào các chuỗi liên kết hoặc tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ đầu tư thức ăn, vốn, còn nông dân sẽ giao cá nguyên liệu đạt chất lượng xuất khẩu.
Hiện nay, sản xuất cá tra theo chuỗi giá trị vùng Đồng bằng sông Cửu Long là mô hình mới, mang lại lợi ích cho những hộ nuôi nhỏ lẻ cũng như doanh nghiệp. Theo đó, cả hai bên đều an tâm trong quá trình nuôi, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho mình. Tuy nhiên, để chuỗi giá trị này đạt được lợi ích cao nhất đòi hỏi đôi bên phải tuân thủ nghiêm túc hợp đồng ký kết, có như vậy mới đảm bảo được tính bền vững.