(TSVN) – Na Uy hiện là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai thế giới và là quốc gia có nghề nuôi biển rất phát triển. Na Uy cũng là hình mẫu lý tưởng mà ngành thủy sản Việt Nam mong muốn học hỏi để phát huy tiềm năng nuôi biển trong nước.
Thưa bà Mette Møglestue, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, xin phép được trao đổi với bà một số vấn đề về nuôi biển của Na Uy và kinh nghiệm có thể áp dụng tại Việt Nam. Thưa bà, tại một cuộc họp với Cục Thủy sản mới đây, bà đã chia sẻ rằng Na Uy phải mất nhiều năm để xây dựng thành công nghề nuôi biển như hiện nay. Bà có thể chia sẻ thêm về điều này?
Là một quốc gia biển, 70% thu nhập xuất khẩu của Na Uy đến từ các hoạt động trên biển và do đó, Chính phủ Na Uy dành ưu tiên cao cho việc phát triển các ngành kinh tế biển, và vì thế Na Uy đã trở thành một trong những quốc gia có ngành công nghiệp thủy sản đi đầu thế giới.
Thành công này có được nhờ rất nhiều yếu tố, trong đó phải kể tới hệ thống quản lý hiệu quả của nhà nước với sự tham gia và hợp tác của tất cả các bên liên quan, các chính sách thúc đẩy đổi mới, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như ứng dụng công nghệ tiên tiến và thực tiễn bền vững trong toàn ngành.
Ví dụ, chúng tôi áp dụng các quy định nghiêm ngặt về nuôi trồng để giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm sử dụng kháng sinh và chú ý nhiều hơn tới sức khỏe và phúc lợi của vật nuôi. Cụ thể là, các trang trại nuôi cá hồi phải được bố trí rất xa bờ, cách xa các khu vực giao thông hàng hải. Tỷ lệ phân bổ các trang trại nuôi ở Na Uy là dưới 750/28.953 km đường bờ biển. Việc cấp phép cho các trại nuôi được tiến hành rất cẩn trọng để tránh sự phát triển quá mức.
Để cá hồi có điều kiện sống và phát triển tốt, các doanh nghiệp nuôi phải đảm bảo ít nhất 97,5% nước cho mỗi 2,5% cá hồi. Các khu vực nuôi được thiết kế và duy trì để đảm bảo dòng nước ngọt ổn định và tự do chảy qua lồng cá. Độ bão hòa ôxy, nhiệt độ và độ mặn được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo chất lượng nước tốt. Lồng cũng phải được thiết kế để mang lại cho cá sự bảo vệ tốt nhất có thể trước các cuộc tấn công từ các động vật khác. Ngoài ra, các trang trại được yêu cầu phải có hệ thống dự phòng để bảo vệ các nhu cầu cơ bản của cá hồi trong trường hợp hệ thống bị lỗi. Cá được chăm sóc hết sức cẩn thận để tránh sự căng thẳng vì điều này có thể ảnh hưởng tới chất lượng và hương vị của cá.
Sau khi được phê duyệt, địa điểm nuôi phải đồng ý chịu sự giám sát chặt chẽ và thường xuyên. Sau mỗi chu kỳ nuôi, các trang trại phải được nghỉ để bảo vệ môi trường tự nhiên. Trong thời gian này, đáy biển được theo dõi chặt chẽ. Chúng tôi hạn chế số lượng trang trại ở mức dưới 750 trên 28.953 km bờ biển và giấy phép được phân bổ một cách tiết kiệm để tránh phát triển quá mức.
Việt Nam có vùng biển rộng và tiềm năng nuôi biển rất lớn. Hiện, Việt Nam đang đẩy mạnh chương trình nuôi biển nhằm tận dụng tối đa lợi thế và giảm áp lực cho lĩnh vực khai thác. Theo bà, nghề nuôi biển của Việt Nam có thể học được gì từ kinh nghiệm của Na Uy?
Bà Mette Møglestue và Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân tại cuộc họp trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi biển giữa hai nước mới đây.
Chúng tôi chúc mừng Việt Nam vừa thông qua Quy hoạch không gian biển (QHKGB) đầu tiên ngày 28 tháng 6 vừa qua. Một QHKGB tốt sẽ là nền tảng cần thiết để đảm bảo sự cùng tồn tại và phát triển bền vững của tất cả các ngành kinh tế biển. Tất cả sẽ bắt đầu từ một khung pháp lý hiệu quả.
Mới đây, Chính phủ Na Uy cũng vừa công bố Kế hoạch khai thác các vùng biển Na Uy, nhằm mục đích đảm bảo các ngành công nghiệp trên biển của Na Uy sẽ cùng phát triển và vận hành hiệu quả.
Na Uy và Việt Nam đều là các quốc gia biển. Chúng ta đều nhận thấy tầm quan trọng của biển đối với nền kinh tế của chúng ta, do đó cần phải bảo vệ tài nguyên biển cho các thế hệ tương lai. Biển là nguồn thực phẩm và năng lượng, điều hòa khí hậu, tạo việc làm cho toàn bộ cộng đồng ven biển và gắn kết chúng ta với phần còn lại của thế giới.
Do đó, việc điều tiết hài hòa hoạt động của các ngành kinh tế biển hiện có và mới nổi, trong đó có nuôi biển và điện gió ngoài khơi, là rất cần thiết vì sự phát triển bền vững của tất cả các ngành, bảo tồn cuộc sống của sinh vật biển, góp phần hiệu quả vào việc cắt giảm phát thải khí nhà kính. Hơn bao giờ hết, nguồn lợi biển phải được khai thác một cách thân thiện với môi trường và bảo vệ được sự đa dạng sinh học phong phú của biển cho hiện tại và tương lai.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư vào R&D để thúc đẩy các công nghệ nuôi trồng thủy sản hiện đại và bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất và giải quyết các thách thức của ngành. Một yếu tố quan trọng khác nữa là đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ và chia sẻ kiến thức giữa các bên liên quan bao gồm nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ.
Cùng với việc phát triển nuôi biển tại các địa phương, Việt Nam định hướng đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm từ nuôi biển. Theo bà, để xuất khẩu thành công, các sản phẩm nuôi biển của Việt Nam cần những điều kiện gì?
Ảnh: ST
Nuôi trồng thủy sản của Na Uy là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của chúng tôi. Ngành thủy sản của chúng tôi là một ngành công nghiệp có năng suất cao, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa toàn diện, sử dụng hơn 8.000 lao động ở các cộng đồng duyên hải.
Cá hồi Na Uy nổi tiếng khắp thế giới và nghĩ đến cá hồi Na Uy là người ta hình dung về một nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa, chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho mỗi người, bao gồm từ axit béo omega-3, protein và các loại vitamin tan trong mỡ như Vitamin A, D, B12. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả một quy trình nuôi trồng bền vững phức tạp kết hợp các hệ thống công nghệ tiên tiến và tinh vi nhất.
Việt Nam đã có các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, để nâng cao tính cạnh tranh của các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu, điều quan trọng là phải gia tăng giá trị và chất lượng hàng xuất khẩu trong đó chú trọng tính bền vững. Tôi xin nhấn mạnh rằng, việc gia tăng giá trị quan trọng hơn nhiều so với gia tăng khối lượng xuất khẩu.
Một thương hiệu quốc gia mạnh cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Hội đồng Thủy sản Na Uy là đơn vị đã và đang phát triển thương hiệu quốc gia “Hải sản từ Na Uy” cho mọi mặt hàng hải sản xuất khẩu của Na Uy. Thương hiệu này đã trở thành biểu tượng về chất lượng uy tín, nguồn gốc rõ ràng, được nhập khẩu chính thức từ Na Uy, đảm bảo tính bền vững từ đầu ra, quy trình đánh bắt, phương pháp nuôi, và thức ăn cho cá.
Trong thời gian tới, Na Uy có chương trình hỗ trợ hay hợp tác nào với Việt Nam trong lĩnh vực nuôi biển không, thưa bà?
Na Uy và Việt Nam đã hợp tác nhiều thập kỷ trong lĩnh vực thủy sản, chúng tôi muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ này trong thời gian tới. Hiện chúng ta đang triển khai Ý định Thư hợp tác được ký năm 2021 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy về tăng cường và phát triển hợp tác trong ngành nuôi biển.
Với việc bản QHKGB của Việt Nam đã được thông qua, Na Uy sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, và các bộ, ngành có liên quan thực hiện quy hoạch này.
Tôi rất mong muốn được chứng kiến các hoạt động trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin giữa hai nước khi Việt Nam thực hiện QHKGB còn Na Uy thực hiện Kế hoạch Khai thác các vùng biển Na Uy mới được ban hành gần đây. Tôi đã đề cập tới cách tiếp cận có sự tham gia của mọi chủ thể liên quan như một yếu tố quan trọng trong câu chuyện thành công của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy trong đó có khối tư nhân. Vì thế, chúng tôi rất mong muốn tiếp tục sự hợp tác của các doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này.
Tháng 8 này, Triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam (Vietfish) sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Tôi tin chắc các doanh nghiệp Na Uy sẽ tham gia và sẽ có nhiều điều để mang tới Triển lãm và chia sẻ với các đối tác Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn bà!
Thu Hồng
(Thực hiện)