Việt Nam – Na Uy: Tăng cường hợp tác phát triển nuôi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 21/5/2021, tại Hà Nội, Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy, Cơ quan Innovation Norway, Bộ NNPTNT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn trực tuyến về chủ đề phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam.

Diễn đàn này được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Na Uy và Việt Nam (1971 – 2021) và gần 40 năm hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực thủy sản. Trực tiếp tham dự Diễn đàn tại trụ sở Tổng cục Thủy sản Việt Nam có bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Chủ trì Diễn đàn là TS Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và Ông Arne-Kjetil Lian, Giám đốc cơ quan Innovation Norway.

Toàn cảnh Diễn đàn trực tuyến về chủ đề phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam.

Sự kiện là nơi để các bên trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành công nghiệp nuôi biển, trong đó có quy hoạch và xây dựng chính sách bao gồm cả chính sách tín dụng, quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề, các giải pháp công nghệ xanh và thông minh để giúp doanh nghiệp đầu tư, đóng góp vào sự phát triển của ngành theo hướng hiệu quả, bền vững và bảo vệ nguồn lợi biển. Tại sự kiện, các diễn giả đã trình bày về mô hình hợp tác 3 bên: nhà nước, ngành công nghiệp và các đơn vị nghiên cứu của Na Uy. Trong bối cảnh COVID-19, sự kiện này là cơ hội tốt để các công ty Na Uy và Việt Nam duy trì quan hệ, tìm hiểu thêm về nhau và chuẩn bị lên kế hoạch hợp tác trong tương lai. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc diễn đàn

Trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ Grete Lochen nói: “Năm 2021 là một năm đặc biệt đối với Na Uy và Việt Nam. Chúng ta đều rất tự hào về quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản suốt thời gian qua. Giờ, chúng ta đang cùng nhau tìm hiểu cách thức để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư vào ngành nuôi biển ở Việt Nam. Nói đến phát triển bền vững ngành NTTS quy mô công nghiệp, Na Uy có nhiều điều để chia sẻ dựa trên những bài học của chúng tôi với ngành công nghiệp cá hồi nổi tiếng”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Trong 4 thập kỷ qua, Na Uy đã hỗ trợ kỹ thuật rất đáng kể cho ngành thủy sản của Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước đã mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế cũng như góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia”.

Bà Grete Lochen – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3/2021 đã đề ra một số mục tiêu trong đó có giảm bớt cường lực khai thác nguồn lực tự nhiên trên biển và tăng cường nuôi biển ở những khu vực phù hợp. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đặt mục tiêu phát triển ngành NTTS của Việt Nam theo hướng hiện đại, cạnh tranh hơn, có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời gắn kết các bên liên quan với nhau để khai thác tiềm năng và sử dụng các nguồn lợi đại dương một cách có trách nhiệm và bền vững.

Đại diện hai nước ký kết Ý định thư về tăng cường và phát triển hợp tác trong lĩnh vực nuôi biển

TS Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chia sẻ: “Để thực hiện được mục tiêu trên, nuôi biển quy mô công nghiệp là một giải pháp. Vì vậy, những bài học thực tế như áp dụng công nghệ cao, đầu tư nuôi biển của doanh nghiệp Na Uy sẽ rất hữu ích cho việc phát triển bền vững nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam”. 

Đại diện hai nước ký kết và chứng kiến qua hình thức trực tuyến

Phát huy những kết quả hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong những năm qua, nhân dịp này Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng Quốc vụ Khanh Bộ Công thương & Thủy sản Na Uy bà Trini Danialsen đã ký kết Ý định thư về Tăng cường và Phát triển Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực NTTS trên biển. Đây là một bước tiếp theo để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Na Uy – Việt Nam trong lĩnh vực này.

Thu Hồng - Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!