Việt Nam nguồn cung thủy sản lớn thứ 3 của Nhật Bản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Cơ quan Hải quan Nhật Bản, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 về trị giá cho Nhật Bản, đạt 12,2 nghìn tấn, trị giá 16,1 tỷ Yên (tương đương 112 triệu USD) trong tháng 11/2023, giảm 11,4% về lượng và giảm 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với tôm Thái Lan và Ấn Độ tại Nhật Bản. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cơ quan Hải quan Nhật Bản cho biết, tháng 11/2023, nhập khẩu thủy sản của nước này đạt 180,68 nghìn tấn, trị giá 178,46 tỷ Yên (tương đương 1,245 tỷ USD), giảm 2,5% về lượng và giảm 14,2% về giá trị so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản đạt 1,68 triệu tấn, trị giá 1.689,5 tỷ Yên (tương đương 11,78 tỷ USD), giảm 5,2% về lượng và giảm 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 11/2023, nhập khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực của Nhật Bản giảm so với cùng kỳ năm 2022, trừ nhập khẩu cua và cá hồi tăng về lượng. Số liệu thống kê cho thấy các tháng cuối năm 2023, mức giảm nhập khẩu tôm đang chậm lại, trong khi nhập khẩu cá ngừ, mực, trứng cá, bạch tuộc vẫn giảm mạnh.

Tháng 11/2023, Nhật Bản giảm nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc, Chile, Việt Nam, Thái Lan, trong khi tăng lượng nhập khẩu từ Mỹ, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 về trị giá cho Nhật Bản, đạt 12,2 nghìn tấn, trị giá 16,1 tỷ Yên (tương đương 112 triệu USD) trong tháng 11/2023, giảm 11,4% về lượng và giảm 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản từ Việt Nam đạt 119 nghìn tấn, trị giá 142,2 tỷ Yên (tương đương 992 triệu USD), giảm 15,4% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản giảm từ 7,9% trong 11 tháng năm 2022 xuống còn 7,1% trong 11 tháng năm 2023. Hiện nay, tại Nhật Bản, thủy sản của Việt Nam đang phải cạnh tranh với các mặt hàng cũng loại đến từ Thái Lan và Ấn Độ, đặc biệt là đối với mặt hàng tôm.

Ngọc Diệp

(Theo Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!