Việt Nam thắng Mỹ vụ kiện tôm: Vẫn chưa hết khó

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Dù diễn tiến của vụ kiện Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn tiếp diễn, nhưng thắng lợi bước đầu này phần nào đã giúp ngành thủy sản Việt Nam cũng như các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu… tự tin bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong thương mại quốc tế.

Ủng hộ từ phía WTO

Sau nhiều năm phải chịu án bán phá giá, với nhiều lần thuế được điều chỉnh, ngày 11/7/2011 tại Geneve, Thụy Sĩ, WTO đã đưa ra phán quyết cuối ủng hộ hai trong ba nội dung khiếu kiện cơ bản của Việt Nam trong vụ kiện Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Nội dung khiếu kiện thứ nhất mà WTO ủng hộ Việt Nam là việc Mỹ áp dụng phương pháp quy về 0 (hay còn gọi là zeroing) để tính thuế CBPG là vi phạm quy định của WTO. Đây là khiếu kiện trọng tâm của Việt Nam, vì việc sử dụng phương pháp này đã tạo ra biên độ phá giá lớn cho sản phẩm, làm mức thuế bị đội lên, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước cho ngành xuất khẩu tôm

WTO cũng ủng hộ khiếu kiện chính thứ hai của Việt Nam với phán quyết nêu rõ, Mỹ sử dụng kết quả tính theo phương pháp quy về 0 để tính mức thuế suất chung trong các đợt rà soát lần 2 và lần 3 là trái với quy định của WTO. Mức thuế này thường cao hơn rất nhiều so với cách tính thông thường theo quy định của WTO.

 

Tôm thắng kiện, cá tra cũng có lợi

Có thể nói, vụ kiện thành công có thể đem lại lợi ích to lớn cho khả năng cạnh tranh của tôm đông lạnh Việt Nam trên thị trường Mỹ do không phải đặt cọc tiền CBPG. Nếu Việt Nam thắng lợi hoàn toàn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế rà soát lần 2 bằng 0 thay thế cho mức thuế hiện nay từ 4,13% đến 25,75% tùy thuộc vào đơn hàng. Chưa kể, doanh nghiệp có thể thoát hoàn toàn ra khỏi thuế CBPG giá do 3 lần rà soát liên tục có kết quả bằng 0%.

Bên cạnh đó, theo Luật sư Ngô Quang Thụy, phán quyết liên quan đến vụ kiện tôm của Việt Nam không những có tác động đối với mặt hàng tôm xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến tất cả mặt hàng khác, trong đó có cá tra, basa của Việt Nam, vốn cũng đang bị Mỹ khởi kiện CBPG. Cụ thể, nếu DOC đưa ra quy định trước tháng 1/2012 thì phương pháp tính mới sẽ được sử dụng trong các kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính kỳ lần thứ 7 của cá tra Việt Nam.

Dù diễn biến của sự việc vẫn còn tiếp diễn, bởi sau phán quyết của Ban hội thẩm, hai bên có thời hạn 60 ngày để kháng cáo lên cơ quan phúc thẩm của WTO thì thắng lợi đầu tiên này phần nào cũng đã góp phần tạo nên sự tự tin cho ngành thủy sản Việt Nam, các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục tiến bước và sẽ là một sự khởi đầu quan trọng cho các ngành xuất khẩu khác của Việt Nam trong việc đối phó và tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong thương mại quốc tế.

Giá trị xuất khẩu tôm và cá tra sang Mỹ từ năm 2008 – 2011

 

Chặng đường còn gian nan

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm, phán quyết của WTO mới chỉ là bước khởi đầu vì mục tiêu cuối cùng của vụ kiện là giúp ngành tôm Việt Nam thoát khỏi hoàn toàn vụ kiện CBPG của Mỹ thì lại chưa thực hiện được. Hàng năm, các doanh nghiệp vẫn sẽ phải tiêu tốn hàng triệu USD để lo thủ tục pháp lý trong các đợt xem xét của Mỹ, chưa kể các chi phí khác.

Theo ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, dù thắng nhưng con đường rút hoàn toàn khỏi vụ kiện CBPG mà Mỹ đang áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam còn xa và gian nan. Vì theo quy định của Mỹ, doanh nghiệp có thể được thoát hoàn toàn khỏi vụ kiện CBPG nếu ba lần rà soát liên tục có kết quả 0%. Trong hai đợt xem xét trước, các bị đơn bắt buộc của Việt Nam đã có mức thuế CBPG là 0% nhưng trong giai đoạn 2008 – 2009 (POR 4) các bị đơn bắt buộc chịu mức thuế suất trên 2% nên Việt Nam chưa thoát khỏi vụ kiện CBPG. Phán quyết vừa qua của WTO quyết định việc tiếp tục sử dụng những biện pháp đang bị khiếu kiện không nằm trong phạm vi thảo luận của Ban hội thẩm. Đây là một điểm không có lợi cho Việt Nam, vì như vậy sẽ không thay đổi được kết quả rà soát POR 4 trở về sau.

Ông Nguyễn Văn Kịch – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex, Hậu Giang cho biết, theo thông tin mà luật sư nước ngoài gửi về thì Bộ Tư pháp Mỹ chống lại phán quyết WTO và cho rằng phương pháp zeroing phù hợp với luật pháp Mỹ. Ngoài ra phán quyết của WTO quá mới mẻ với doanh nghiệp.

Diễn biến vụ kiện tôm:

– Ngày 20/1/2004: Mỹ bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh Việt Nam.

– Cuối năm 2004: DOC ra quyết định cho rằng Việt Nam bán phá giá tôm đông lạnh, áp thuế 4,13% – 25,76%.

– Năm 2009, VASEP có đơn đề nghị khiếu nại ra WTO để giải quyết tranh chấp với phía Mỹ và được Chính phủ đồng ý.

– Ngày 1/2/2010: Việt Nam gửi WTO yêu cầu tham vấn với Mỹ.

– Ngày 23/3/2010: Việt Nam và Mỹ tiến hành tham vấn, tuy nhiên hai bên không đạt được giải pháp chung. Vì vậy Việt Nam đề nghị WTO thành lập một Ban hội thẩm để xem xét vấn đề này.

– Ngày 26/7/2010: WTO chỉ định thành viên Ban hội thẩm.

– Ngày 20/8/2010: Việt Nam nộp cho Ban hội thẩm giải quyết tranh chấp của WTO bản đệ trình vụ kiện Mỹ.

– Ngày 20/10/2010: Ban hội thẩm bắt đầu xét xử vụ kiện tôm (lần thứ nhất).

– Ngày 5/12/2010: Kết thúc phần tranh tụng vụ kiện sau hai ngày làm việc tại trụ sở WTO.

– Ngày 11/7/2011: WTO ra phán quyết theo hướng có lợi cho tôm Việt Nam.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!