Việt Nam ủng hộ thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tại Ottawa (Canada), phiên họp thứ 4 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về ô nhiễm nhựa đặt mục tiêu thúc đẩy việc xây dựng thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa đã chính thức diễn ra với sự tham dự của 176 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Chương trình diễn ra từ ngày 21 – 29/4.

Theo số liệu của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trung bình mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 400 triệu tấn nhựa và chưa đến 10% trong số này được tái chế. Hơn 25% lượng rác thải nhựa được xả ra môi trường. Ước tính khoảng 19 – 23 triệu tấn rác thải nhựa đang trôi dạt trên các sông, hồ và biển gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Khối lượng rác thải nhựa dưới đáy biển tập trung xung quanh các lục địa, với 46% trong tổng số lượng rác này nằm ở độ sâu hơn 200 m và 54% còn lại nằm ở độ sâu từ 200 – 11.000 m. 

UNEP cũng đưa ra cảnh báo nếu các quốc gia không sớm thực hiện các biện pháp can thiệp, lượng rác thải nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái dưới nước có thể tăng gần gấp 3 lần, từ khoảng 9 – 14 triệu tấn/năm trong năm 2016 lên mức 23 – 37 triệu tấn/năm vào năm 2040.

Ý tưởng về việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa được đưa ra vào tháng 3/2022 tại phiên họp của UNEP. INC-4 diễn ra tại Ottawa (Canada) là phiên đàm phán thứ 4 trong số 5 phiên do UNEP điều phối. Mục tiêu chính của phiên lần này là tiến tới hoàn tất thỏa thuận về một hiệp ước toàn cầu nhằm loại bỏ ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay. 

Tại phiên họp này, các bên đã nhất trí tổ chức xen kẽ các cuộc họp của các chuyên gia giữa các phiên họp chính thức của Ủy ban đàm phán, nhằm thúc đẩy thống nhất về các vấn đề chính. Đặc biệt, các bên đã quyết định thành lập nhóm soạn thảo các vấn đề pháp lý tại INC-5 tại Hàn Quốc có vai trò tư vấn để xem xét các yếu tố của dự thảo văn bản thỏa thuận chung nhằm đảm bảo về mặt pháp lý.

Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, chúng ta mong muốn có thỏa thuận toàn cầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Đây sẽ là bộ khung pháp lý để các quốc gia thành viên xây dựng hành động giảm ô nhiễm nhựa và giải quyết các thách thức về môi trường. Tuy nhiên, thỏa thuận này cần dựa trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt và năng lực tương ứng của quốc gia. 

Tại phiên họp, đại diện Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ quan điểm đối phó với ô nhiễm nhựa hiện nay, nhưng cũng cần phải có những đánh giá cụ thể về những tác động về môi trường, kinh tế hay sinh kế của người dân trong tương lai khi tham gia thỏa thuận. Việt Nam mong muốn có một sự cân bằng, không chỉ tập trung vào các biện pháp kiểm soát mà còn phải tính tới các phương pháp thực hiện bao gồm tài chính, công nghệ và năng lực. Cùng với đó Đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của nhựa và các sản phẩm nhựa trong xã hội; tầm quan trọng của khu vực phi chính thức trong quá trình giải quyết ô nhiễm nhựa vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề môi trường cấp bách thứ 2 chỉ xếp sau biến đổi khí hậu. Các đại dương đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi rác thải nhựa, sự sống của các loài sinh vật biển cũng bị đe dọa. Vấn đề ô nhiễm nhựa cần phải được giải quyết triệt để nhưng đòi hỏi mỗi quốc gia phải có cách tiến hành và lộ trình thực hiện riêng, không thể áp dụng một công thức chung. 

Kết quả của INC-4 đã đặt ra một con đường rõ ràng hướng tới việc đạt được một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ và đầy tham vọng về ô nhiễm nhựa, với mục tiêu hoàn tất hiệp ước vào cuối năm 2024 (UNEP – Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc).

Phương Nhi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!