Trong hai ngày 20 – 21/1, tại thành phố Trondheim của Na Uy, Đại sứ Việt Nam Lê Thị Tuyết Mai đã tham dự hội thảo và các hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ Hải sản Na Uy nhằm xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực thủy – hải sản giữa hai nước.
Hội chợ do Hiệp hội Hải sản Na Uy tổ chức và hội thảo có sự tham dự của Bộ trưởng Thủy sản Na Uy Elisabeth Aspaker, Thứ trưởng Thủy sản Amund Dronen Ringdal, đại diện Cơ quan Thương vụ Na Uy và hơn 400 đại biểu thuộc ngành đánh bắt cá và nuôi trồng thủy hải sản của nước này.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Aspaker cho biết Na Uy là một nước nhỏ, nhưng lại là siêu cường về hải sản trên thế giới, cả về khoa học – công nghệ ứng dụng trong ngành này cũng như về sản xuất, xuất khẩu hải sản, với 95% sản lượng hải sản xuất khẩu tới hơn 140 nước.
Tính riêng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Na Uy đạt gần 70 tỷ NOK (gần 10 tỷ USD), tăng 12% so với năm 2013.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai (trái) và Bộ trưởng Thủy sản Na Uy Elisabeth Aspaker (giữa) tại hội thảo (Ảnh do Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy cung cấp).
Bà Aspaker cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo, nhằm đưa ra những kiến nghị và quyết sách để phát triển ngành hải sản Na Uy một cách bền vững, bảo đảm môi trường, và tiếp tục có sức cạnh tranh hàng đầu thế giới.
Đại diện của Cơ quan Thương vụ Na Uy tại Hà Nội Ole Heanes đã giới thiệu tiềm năng của thị trường Việt Nam đối với ngành hải sản Na Uy và kêu gọi các công ty của nước này tăng cường tham gia vào thị trường hải sản Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai đã trao đổi với một số đại diện tham dự hội chợ và trả lời phỏng vấn của phóng viên báo “IntraFish” của Na Uy về tiềm năng của thị trưởng ngành hải sản Việt Nam, qua đó kêu gọi các công ty Na Uy tăng cường đầu tư ở Việt Nam.
Đại sứ nhấn mạnh đến sự hợp tác lâu dài rất giữa Na Uy và Việt Nam về nghề cá và nuôi trồng thủy-hải sản, mở đầu từ năm 1972, ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/11/1971.
Ban đầu, Na Uy hỗ trợ ngành thủy – hải sản Việt Nam về đào tạo cao học, nghiên cứu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy – hải sản, nghề cá.
Hiện nay, hợp tác mở rộng sang cả đào tạo và nghiên cứu, trong đó có dự án hợp tác giữa Đại học Thủy sản Nha Trang với các trường đại học của Na Uy, gồm Đại học Tromso, Đại học Bergen và Đại học Khoa học Công nghệ Na Uy ở Trondheim, nhằm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái ven biển, trong đó có tác động đối với ngành nuôi trồng thủy hải sản. Sự hợp tác này là nền tảng vững chắc để mở rộng quan hệ kinh doanh giữa hai nước trong ngành hải sản.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng đề cập đến những thành công của các công ty Na Uy đang hiện diện ở Việt Nam trong ngành hải sản, như EWOS, Skreting, PHARMAQ – công ty đầu tiên sản xuất vacxin cho cá ở Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Ba năm ngoái, Thái tử kế vị Haakon và Công nương Mette-Marit của Na Uy cũng đã đến thăm nhà máy của EWOS sản xuất thức ăn cho cá, và trực tiếp tiêm vacxin cho cá tra.
Điều này thể hiện rõ sự quan tâm và mong muốn của phía Na Uy nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác và quan hệ kinh doanh giữa hai nước trong lĩnh vực thủy-hải sản.