(TSVN) – Sáng ngày 23/8/2023, triển lãm Quốc tế Thủy sản Vietfish – Vietfish 2023 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Vietfish là hội chợ triển lãm chuyên ngành thủy sản mang tầm quốc tế lớn nhất Việt Nam với sứ mệnh là “Ngôi nhà thủy sản châu Á”. Đây là một sự kiện lớn, chuyên nghiệp với quy mô quốc tế cho các nhà quản lý, nhà bán lẻ, nhà cung cấp, đơn vị sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản cùng gặp gỡ, giới thiệu các sản phẩm mới, công nghệ mới, hợp tác sản xuất, xuất khẩu. Vietfish 2023 là nơi để các doanh nghiệp thủy sản tiếp cận những tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ cho ngành Thủy sản.
Với chủ đề “Điểm đến Kết nối Chất lượng”, Vietfish 2023 tiếp tục khẳng định chất lượng chính là thước đo giá trị của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới bên cạnh nâng cao tỉ trọng sản phẩm chế biến sâu, đa dạng và tiện lợi. Chất lượng không chỉ tập trung ở khâu chế biến mà còn là sự kết nối chặt chẽ tất cả các khâu trong cả chuỗi cung ứng theo các tiêu chuẩn cao nhất của thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và trách nhiệm xã hội.
Vietfish đã quy tụ hơn 200 đơn vị triển lãm với trên 420 gian hàng, 14 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự đa dạng các lĩnh vực. Khách tham dự có thể trải nghiệm trực tiếp các mô hình, công nghệ và đánh giá trực tiếp chất lượng thủy sản thông qua các sản phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn tại gian hàng. Người tiêu dùng Việt Nam có dịp tìm hiểu và thưởng thức những sản phẩm thủy sản 100% Việt Nam đạt những tiêu chuẩn cao nhất về an toàn thực phẩm, cung cấp đến 165 quốc gia trên thế giới.
Một số hình ảnh tại Vietfish 2023:
Ngọc Minh – An Vy
13h23, 25/8/2023
Ngành cá tra cần "sự cân bằng mới"
Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang, cho rằng khi đối mặt với những khó khăn do chi phí sản xuất tăng phi mã và lợi nhuận bị thu hẹp, ngành cá tra Việt Nam cần tìm "sự cân bằng mới".
Chi phí sản xuất năm 2023 tăng 1 - 1,2 USD/kg so với năm ngoái, trong đó chi phí thức ăn chiếm 55 - 75%. Với mức tăng này, người nuôi đang chịu lỗ nặng. Theo ông, điều cần làm trước mắt là tăng tỷ lệ sống, bằng cách: tăng chất lượng nước, cải thiện nguồn cung con giống, giảm mật độ thả giống. Hiện nay đã có 3 công ty đầu tư vào cải thiện con giống: Vĩnh Hoàn, Việt Úc, và UV.
Ông Văn nhấn mạnh ngành cá tra cần ổn định sản xuất trước quý 1/2024. Tồn kho tại các nhà máy đang ở mức cao. Một số hộ nuôi chưa thu hoạch do chờ nuôi tới kích cỡ 1,5 kg/con. Tuy nhiên, cá tra khi đạt tới kích cỡ này không khác gì những cái máy nghiền thức ăn, người nuôi sẽ tốn một khoản tiền khổng lồ để nuôi chúng.
12h13, 25/8/2023
Niềm tin vững vàng cho cá tra Việt Nam
Ông Arno Willemink, Giám đốc vận hành của Tập đoàn Royal De Heus tại châu Á cho biết 2023 là một năm vô cùng khó khăn cho ngành cá tra, nhưng 2024 sẽ khởi sắc. Các yếu tố kinh tế vĩ mô đã giáng một đòn quá mạnh khiến nhu cầu tiêu thụ cá tra của toàn cầu ảm đạm hơn bao giờ hết, tuy nhiên, sang năm tới sẽ có sự phục hồi.
Ông nói: "Lãi suất vay vốn của Mỹ năm nay đang ở mức cao, nhưng sẽ giảm dần trong năm 2024. Hy vọng, giá trị đồng đô la xuống thấp sẽ giúp vực dậy nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lạm phát giá nguyên liệu thức ăn thủy sản đã làm giảm nghiêm trọng biên độ lợi nhuận của ngành nuôi trồng cá tra, tuy nhiên, bước sang năm 2024, giá ngũ cốc và đậu tương trên thế giới sẽ trở về mức bình thường. Hiện nay, giá 2 sản phẩm này đang có xu hướng giảm và qua năm tới sẽ còn giảm nữa."
"Điều đó có nghĩa giá đậu tương của Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam sẽ chưa đến 350 USD/tấn và giá ngũ cốc sẽ dưới 200 USD/tấn. Như vậy, ngành nuôi trồng cá tra và rô phi của Việt Nam sẽ phục hồi và có khả năng cạnh tranh với một số loài thủy sản khai thác".
Tuy cá rô phi Trung Quốc đang là "đối thủ số 1" của cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ, nhưng kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp mức thuế 25% lên một số sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2018, người Mỹ phải chi tiêu thêm 20% để mua rô phi. Như vậy, họ có thể tìm đến cá tra giá rẻ của Việt Nam để thay thế.
11h18, GMT, 25/8/2025
Việt Nam cần tập trung vào chế biến sâu
Giữa cơn bão nguồn cung tôm của thế giới, trong khi năng lực cạnh tranh của tôm Việt còn yếu kém, Tiến sĩ Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex Vn) cho rằng Việt Nam nên tập trung vào thế mạnh chế biến sâu. Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng cần được cải thiện bằng mọi cách, nhằm tăng biên độ lợi nhuận và hỗ trợ được người nông dân tốt hơn. Chính phủ cần có chính sách về giống, chất lượng nước và cơ sở hạ tầng, từ đó cải thiện tỷ lệ sống của tôm. Một số diễn giả tại Vietfish cho rằng chỉ cần có tỷ lệ sống tốt, chưa cần cắt giảm bất kỳ chi phí nào trong sản xuất, đã là chìa khóa của lợi nhuận cao rồi.
Không chỉ Việt Nam mà ngành tôm châu Á nói chung đang đối mặt với khó khăn trong việc cải thiện tỷ lệ sống của tôm. Hiện nay tỷ lệ này chỉ đạt 55 - 60%, trong khi chi phí sản xuất 1 kg tôm thẻ chân trắng loại 60 con lên tới 3,4 - 3,7 USD.
13h27, GMT, 24/8/2023
Lenger đầu tư 2.5 triệu USD mở rộng nhà máy ngao ở Nam Định
Ông Igor Kint, Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Thủy sản Lenger có trụ sở tại Hà Lan cho biết sẽ mở rộng nhà máy sản xuất ngao ở tỉnh Nam Định. Các trang thiết bị và công nghệ chế biến được sử dụng tại Việt Nam hoàn toàn giống hệt với công ty mẹ để đảm bảo chất lượng. Theo kế hoạch, ngao sẽ được xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu, Mỹ và châu Á.
Được thành lập năm 2017, nhà máy cung cấp 700 tấn ngao mỗi năm, sau đó tăng lên 10.000 tấn. Với kế hoạch mở rộng này, Lenger dự kiến sẽ tăng gấp đôi sản lượng nếu công suất đạt tối đa. Ông Kint nói: "Nhu cầu ngao trên thị trường hiện nay đang vượt quá khả năng sản xuất của chúng tôi, do vậy chúng tôi quyết định mở rộng nhà máy. Ngoài ra, chúng tôi còn có kế hoạch đầu tư vào các sản phẩm giá trị cao như bạch tuộc. Tổng số vốn đầu tư ban đầu cho nhà máy ở Nam Định là 5 triệu USD. Dự án mở rộng sẽ cần 2 - 2,5 triệu USD.”
10h57, GMT, 24/8/2023
Việt Nam cần giải quyết triệt để vấn đề truy xuất nguồn gốc
Trong những năm gần đây, công tác nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam đã được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề truy xuất nguồn gốc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể người dân tại châu Âu và Mỹ vẫn chưa tiếp cận được thông tin về nguồn gốc thủy hải sản Việt Nam mà họ tiêu dùng. Đó là một trong những lý do vì sao cá tra Việt Nam loay hoay giành giật từng thị phần ở khu vực này. Nhiều năm qua đã có những thông tin "bôi xấu" sản phẩm này của Việt Nam, do đó cần phải có những hành động rõ ràng cụ thể để "minh oan" cho cá tra Việt.
Ví dụ, chương trình MarinTrust đã được Peru sử dụng để số hóa chuỗi cung ứng bột cá ngay từ khâu khai thác trên biển, hay như châu Âu dùng để truy xuất nguồn gốc các loài thủy sản nuôi trồng. Một khi ngày càng có nhiều sản phẩm thủy sản đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, các nhà bán lẻ sẽ đòi hỏi tất cả các sản phẩm trên kệ của họ đều đáp ứng tiêu chí này. Hy vọng Việt Nam sẽ bắt kịp xu thế chung của thế giới.
9h36, GMT, 24/8/2023
Bột côn trùng rất tiềm năng để sản xuất thức ăn thủy sản
Theo ông Jesper Clausen, Giám đốc Hỗ trợ Dinh dưỡng Thủy sản De Heus châu Á, bột côn trùng hiện nay là sản phẩm có tính cạnh tranh cao nhất trong số các sản phẩm có thể thay thế bột cá và dầu cá để sản xuất thức ăn thủy sản. Ông nhấn mạnh thành phần không phải là mấu chốt của vấn đề, mà quan trọng là sản phẩm hoàn thiện có cung cấp đủ dưỡng chất theo yêu cầu không. "Tôi nghĩ chúng ta không nên quan niệm để đảm bảo tính bền vững thì phải mất thêm một khoản đầu tư trong chuỗi cung ứng, mà hãy nghĩ rằng đây là cơ hội để hái ra tiền. Cũng như khi nhìn vào lệnh cấm và hạn ngạch đánh bắt cá cơm của Peru, chúng ta chỉ thấy rằng giá bột cá và giá dầu cá tăng cao. Vậy tại sao không cho rằng đây là cơ hội để tìm kiếm thành phần thay thế giá rẻ hơn với chất lượng tương đương?!
Năm nay tôi đặc biệt quan tâm tới thành phần thay thế cho sản xuất thức ăn thủy sản ở Việt Nam. Tại sao các bạn không bắt tay vào thử nhỉ? Giá cao, chất lượng không đáp ứng, đương nhiên không ai mua. Nhưng nếu giá cao mà chất lượng đảm bảo, tôi dám cá De Heus sẽ là công ty nhập khẩu số 1 của bột côn trùng sản xuất từ Việt Nam."
15:52 GMT, 23/8/2023
Niềm tin của người Trung Quốc lung lay, nhập khẩu tôm trì trệ
Ông Ronnie Tan, Cố vấn Nuôi trồng Thủy sản Khu vực - Đông Nam Á & Châu Đại Dương cho Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ, nhận định thị trường ngành tôm Trung Quốc quý I/2023 chứng kiến những dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến quý II/2023, chịu ảnh hưởng của quá trình lạm phát và giá cả thức ăn thủy sản tăng cao, tổng sản lượng nhập khẩu tôm của nước này giảm sút nặng nề, thị trường tôm trong nước trì trệ. Dự báo những tình huống xấu nhất có thể sẽ tiếp diễn trong giai đoạn cuối năm 2023.
Ông cũng cho biết, Trung Quốc đã nhập khẩu số lượng lớn tôm trong năm 2022 và sang đến tháng 4/2023. Theo thống kê đến tháng 6/2023, lượng hàng tồn kho rất lớn, gây ảnh hưởng lớn đến ngành nhập khẩu tôm của nước này trong giai đoạn sau đó.
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc phần lớn đang phải chịu những khoản thua lỗ nặng nề khi bán hàng tồn kho để duy trì được hoạt động của doanh nghiệp cho đến khi thị trường dần phục hồi. Ông cũng giải thích thêm, sự phục hồi của thị trường Trung Quốc chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, một phần do chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu.
15:40 GMT, 23/8/2023
Đã đến lúc phải thay thế các thành phần, chứ không phải chất dinh dưỡng
Ông Jesper Clausen, Giám đốc Hỗ trợ Dinh dưỡng Thủy sản De Heus châu Á nhận định điểm mấu chốt để phát triển ngành thức ăn thủy sản bền vững là tập trung vào các axit amin chứ không phải protein thô trong quá trình sản xuất thức ăn cho vật nuôi. Cần chọn nguồn protein có khả năng tiêu hóa cao, sử dụng axit béo thay thế cho dầu.
Thách thức lớn nhất hiện nay là tìm ra giải pháp thay thế axit béo EPA và DHA. Hiện tại các nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có lựa chọn khả thi duy nhất là dầu tảo. Việc loại bỏ bột cá và các nguyên liệu thô như mực, thủy phân cá, nhuyễn thể có thể ảnh hưởng đến lượng thức ăn vào.
Điều quan trọng là phải bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách sử dụng các thành phần có peptide nhỏ hoặc AA tự do, hương vị, protein động vật khác. Cần tập trung vào tôm chất lượng cao với chi phí thấp, không ngừng tìm kiếm cơ hội thị trường trong nước để hỗ trợ ngành tôm vượt qua những năm khó khăn hiện tại, tiếp tục tập trung vào tính bền vững và truy xuất nguồn gốc (thức ăn, PL/di truyền, quản lý trang trại, quản lý dịch bệnh).
14h40, GMT, 23/8/2023
Ông Ronnie Tan: Chuyển đổi hướng để phát triển ngành nuôi tôm
Ông Ronnie Tan, Cố vấn Nuôi trồng Thủy sản Khu vực - Đông Nam Á & Châu Đại Dương cho Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ, đề cập đến sự tăng trưởng của ngành sản xuất tôm, ông cho rằng, nguồn cung tôm tăng nhưng châu Á sẽ mất đi thị phần. Hiện nay, tỷ lệ sống trung bình của tôm châu Á nói chung chỉ ở mức 55 - 60%. Sản xuất kém hiệu quả, chi phí thức ăn và năng lượng cao, khiến cho chi phí sản xuất tại châu Á ngày càng tăng, lợi nhuận của người nuôi tôm giảm sút nặng nề. Cùng với đó là lượng hàng tồn kho lớn tại các nhà máy chế biến gây ảnh hướng đến giá xuất xưởng. Như vậy, người nuôi tôm châu Á khó có thể tiếp tục quay vòng vốn sản xuất để duy trì các vụ nuôi tôm hiệu quả. Ngành tôm châu Á cần phát triển theo hướng bền vững, khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ông cũng nhận xét sản xuất ngành tôm châu Á sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2023, vẫn có cơ hội phục hồi nhưng gặp nhiều hạn chế, lợi nhuận giảm sâu. Do đó, cần có chính sách để điều chỉnh lại các kỳ vọng và kế hoạch tăng trưởng trong thời gian sớm nhất.
13:40 GMT, 23/8/2023
Đâu là tín hiệu tích cực cho ngành xuất khẩu tôm nước ấm toàn cầu?
Ông Willem Van Der Pijl, người sáng lập Shrimp Insights đã trình bày và đưa ra một số nhận xét về tình hình thương mại tôm thế giới hiện nay. Tính từ năm 2016, ngành xuất khẩu tôm nước ấm toàn cầu tăng trưởng khá ảm đạm, sản lượng chủ yếu ghi nhận từ Ấn Độ và Ecuador.
Trong năm 2022, sản lượng xuất khẩu tôm nước ấm của Ecuador đạt 1.140,881 tấn, Ấn Độ 704.031 tấn, Việt Nam 379.193 tấn. Tính đến quý II/2023, xuất khẩu tôm của Ecuador đạt mốc cao, tuy nhiên tốc độ này vẫn còn chậm hơn so với kỳ vọng và không có quá nhiều đột phá. Nếu Ecuador duy trì tốc độ như hiện tại thì ước tính đến cuối năm 2023, ngành xuất khẩu tôm sẽ đạt 1,15 triệu tấn.
Ấn Độ sau khi tăng trưởng liên tục trong nhiều quý, đến năm 2021 tốc độ tăng trưởng cũng bắt đầu chậm lại do dư cung và chịu ảnh hưởng của quá trình lạm phát toàn cầu. Theo thống kê, nhập khẩu tôm giống nửa đầu năm 2023 giảm 30%, sản lượng tôm vụ đầu năm giảm đáng kể, sản lượng xuất khẩu tôm dự kiến trong quý III/2023 sẽ giảm sâu.
Tại thị trường Indonesia, xuất khẩu tôm chân trắng giảm 23% trong quý I/2023, giảm 15% trong quý II/2023, trung bình nửa đầu năm giảm 19%. Nước này chịu tác động của nhu cầu tiêu dùng người dân đang giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, chi phí tăng cao,.. khiến tỉ trọng tăng trưởng của Indonesia chậm hơn so với các nước Ecuador và Ấn Độ.
Đối với riêng thị trường Việt Nam, xuất khẩu giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái và thậm chí thấp hơn năm 2019. Ông Willem Van Der Pijl nhận xét, mặc dù xuất khẩu tôm Việt Nam không bùng nổ như Ecuador và Ấn Độ nhưng vẫn giữ mức tăng trưởng đều. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho ngành xuất
13h15, GMT, 23/8/2023
Giải pháp để ngành nuôi biển việt nam ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững
PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã đưa ra những đánh giá về thế mạnh phát triển nuôi biển của Việt Nam. Vị trí địa lý chiến lược của Biển Đông; diện tích rộng lớn của EEZ, trong đó có 500.000 ha có thể nuôi; bờ biển dài 3260 km; hơn 3000 đảo; khí hậu cận nhiệt đới gió mùa; các hệ sinh thái biển giàu có... là những điểm sáng mà nước ta có thể tận dụng để phát triển ngành công nghiệp nuôi biển.
Tuy nhiên, hiện nay những thách thức mà ngành công nghiệp nuôi biển đang gặp phải như quy mô cơ sở nuôi biển nhỏ, hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, ven bờ, rất ít doanh nghiệp nuôi biển; công cụ quản lý nhà nước yếu, chưa có cơ chế đồng quản lý hiệu quả; rủi ro ô nhiễm môi trường cao, suy giảm nguồn lợi biển ngày càng nghiêm trọng đã khiến cho ngành nuôi biển của nước ta đang phát triển chậm lại.
Những định hướng về chính sách chuyển đổi từ Nghề cá Nhân dân sang Nghề cá Thương mại; di chuyển từ vùng biển kín, ven bờ ra các vùng biển mở, xa bờ; phát triển các hệ nuôi kín ở trên bờ hoặc trên biển, với công nghệ tuần hoàn (RAS) hoặc với hệ thu gom chất thải nuôi, áp dụng IMTA (nuôi biển đa dưỡng tích hợp); tăng cường cơ chế đồng quản lý (PPP) với hệ thống cảnh báo ô nhiễm môi trường, cảnh giới và đảm bảo an ninh nuôi biển được các đại biểu tham dự cùng bàn bạc, trao đổi để đưa ra những giải pháp để ngành nuôi biển Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
13h00, GMT, 23/8/2023
Chế biến giá trị gia tăng vô cùng cần thiết cho một năm khó khăn như 2023
Chế biến giá trị gia tăng (VAP - value-added processing) đã trở thành một phần không thể thiếu của ngành tôm toàn cầu và nó càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong thời điểm khó khăn như năm 2023. Một đại biểu tham gia Vietfish cho biết: "Nhu cầu xuất khẩu thấp là một vấn đề, nhưng cạnh tranh còn khiến chúng tôi đau đầu hơn, bởi chi phí sản xuất của chúng tôi đang cao hơn Ecuador và Ấn Độ. Năm nay chúng tôi sẽ đặc biệt tập trung hơn vào VAP. Thậm chí tôi có thể nói đây là con đường duy nhất cho ngành tôm Việt Nam trong tình hình khó khăn như hiện nay."
Sản xuất tôm sú là một thế mạnh của Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tập đoàn Minh Phú, một trong những nhà sản xuất tôm đứng đầu Việt Nam, đã dành dành được nhiều thành công trong nuôi trồng và kinh doanh loài tôm này. "Thời gian sản xuất tôm sú lâu hơn tôm thẻ chân trắng, nhưng chắc chắn, Minh Phú vẫn tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm này."
11h16, GMT, 23/8/2023
Giá cá tra sẽ còn thấp, chỉ có thể phục hồi nhẹ sau Tết 2024
Theo quan điểm của một người kinh doanh cá tra, sau khi sụt giảm nghiêm trọng từ khi dịch bệnh Covid-19 tấn công toàn cầu, giá cá tra Việt Nam chỉ có thể phục hồi sau Tết (tháng 2/2024). Tuy nhiên, rất khó để đưa ra dự đoán cho ngành cá tra Việt Nam. "Tôi nghĩ giá sẽ bắt đầu tăng trở lại vào năm 2024. Khi giá tăng, người bán sẽ đẩy giá tăng một cách chóng mặt tới mức thị trường không thể thích nghi. Bởi vậy, một khi sụp đổ, giá cá tra sẽ thấp ở mức bạn không thể tưởng tượng". Một số người hy vọng rằng giá cá tra sẽ tăng từ tháng 8 trở đi, nhưng hiện nay không có dấu hiệu nào về sự tăng giá. "Tháng 8 không phải là thời điểm tốt cho kinh doanh cá tra. Người dân từ Mỹ, châu Âu đang chuẩn bị cho kỳ nghỉ dưỡng. Tôi nghĩ giá chỉ có thể hồi phục nhẹ vào năm 2024, sau Tết, nhưng không tăng nhiều".