VietGap không dễ thay thế các tiêu chuẩn quốc tế

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 18-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quyết định số 1503 về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGap), với kỳ vọng bộ tiêu chuẩn này sẽ dần thay thế các bộ tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng thực tế, không dễ.

Bộ NN&PTNT cho biết, tiêu chuẩn VietGap ra đời nhằm đưa ngành nuôi trồng thủy sản vào quy củ, đồng thời từng bước thay thế những tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGap, ASC, MSC… đang được nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản áp dụng.

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản muốn được cấp những chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế này phải bỏ ra số tiền khá lớn. Điển hình, để có được chứng nhận MSC của Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế (Marine Stewardship Council) người nuôi phải trả 100.000 đô la Mỹ ở lần đầu chứng nhận với thời hạn một năm và 12.000 đô la/năm cho những lần chứng nhận sau. Trong khi đó, để được cấp chứng nhận VietGap, cơ sở nuôi chỉ phải chi khoảng 10.000 đô la cho mỗi lần chứng nhận.

Theo Tổng cục Thủy sản, khi áp dụng VietGap, cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng được bốn tiêu chí cơ bản là đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2015, tối thiểu 30% hộ nuôi đạt được tiêu chuẩn VietGap và sẽ tăng tỷ lệ này lên hơn 80% trong năm 2020. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngành, việc áp dụng VietGap còn gặp nhiều khó khăn.

Cá tra là một trong những đối tượng sẽ phải áp dụng nuôi trồng theo quy trình VietGap trong thời gian tới – Ảnh: TL

 

Vẫn gặp khó

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, khi áp dụng VietGap trong nuôi trồng thủy sản, cái khó nhất là điều kiện hạ tầng cơ sở nuôi trồng còn yếu. Hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam chủ yếu dưới dạng nông hộ nên hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là thủy lợi và hệ thống ao chứa, ao lắng không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, áp dụng VietGap, tức là nuôi trồng theo chuỗi từ con giống, thức ăn đến quy trình nuôi đều phải được cấp chứng nhận. Như vậy, các trại giống phải đạt tiêu chuẩn trước, sau đó là các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản rồi quy trình nuôi cũng phải đảm bảo các tiêu chí đưa ra.

Nếu áp dụng đồng loạt tiêu chuẩn VietGap trên cả nước, số lượng cơ sở đủ tiêu chuẩn để cấp chứng nhận này chưa nhiều. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu, hiện nay trong nước có một số doanh nghiệp lớn đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGap, tuy nhiên số lượng này không nhiều vì các doanh nghiệp phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí phức tạp (trên 200 tiêu chí).

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội động quản trị Công ty cổ phần chứng nhận VINACERT, cho biết đến nay vẫn chưa có cơ sở nuôi trồng nào được cấp giấy chứng nhận VietGap trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết thêm là các lĩnh vực khác như rau quả đã được cấp khá nhiều, với gần 200 cơ sở trồng rau, chè an toàn được cấp và nhiều nhất ở tỉnh Lâm Đồng.

Ông Dũng cho biết cái khó trong việc áp dụng VietGap hiện nay chủ yếu do tiêu chuẩn này vẫn chưa được quốc tế công nhận, nên các cơ sở nuôi trồng thủy sản còn e ngại khi áp dụng. Các cơ sở còn lo sản phẩm không thể xuất khẩu được, mặc dù tiêu chuẩn VietGap cũng tương đương 80% so với GlobalGap mà các doanh nghiệp đang áp dụng. "Chính vì vậy, Tổng cục Thủy sản nên thương lượng với các tổ chức quốc tế để VietGap được quốc tế công nhận", ông Dũng gợi ý.

Ngày 23-12 tới đây, sẽ có một nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế làm việc và phân tích xem liệu các tiêu chí trong tiêu chuẩn VietGap theo Quyết định 1503 so với các tiêu chuẩn của quốc tế có tương đương không. "Tuy nhiên, để được các nước công nhận tiêu chuẩn VietGap là rất khó; và theo quy trình nuôi trồng thủy sản thì phải mất ít nhất từ 3 đến 5 năm, các tổ chức quốc tế mới có thể xác định được các tiêu chí này", ông Dũng nhấn mạnh.

Bến Tre là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai dự án GAP (Good Aquaculture Practices) do Naifquacen hỗ trợ triển khai từ năm 2003 – 2006, qua bốn năm thực hiện đã cơ bản xây dựng được quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Bến Tre, cho biết nếu cơ sở nuôi đầu tư đúng theo các nguyên tắc của quy trình VietGap thì chi phí sẽ tăng lên khoảng 20 – 25% nhưng giá bán sản phẩm vẫn ngang bằng với sản phẩm thủy sản bình thường, do đó sẽ rất khó để các cơ sở nuôi theo VietGap cạnh tranh với những cơ sở nuôi truyền thống.

 

Bàn hướng tháo gỡ

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu, trước mắt các cơ sở nuôi theo tiêu chuẩn VietGap không thể kỳ vọng những sản phẩm này có giá cao hơn trên thị trường; nhưng về lâu dài, khi VietGap khẳng định được sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và được quốc tế công nhận, thì giá bán và sản lượng xuất khẩu ắt sẽ cao hơn. Đồng thời Bộ NN&PTNT cũng đang tiến hành nghiên cứu các thị trường bán lẻ của châu Âu và một số thị trường khác để giới thiệu sản phẩm VietGap và sẽ đàm phán với những đối tác này để đảm bảo sản phẩm nuôi theo VietGap có giá cao hơn sản phẩm khác. "Điều này, một mặt tăng thu nhập cho người nuôi trồng, mặt khác sẽ khuyến khích người nuôi tham gia vào quy trình VietGap", bà Thu nói.

Trước mắt, những cơ sở đăng ký chứng nhận quy chuẩn VietGap trong thời gian đầu sẽ được nhà nước cấp chứng nhận miễn phí, nhưng số tiền đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn đó thì các cơ sở vẫn phải tự túc.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Bến Tre, cho biết trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ và khó có thể áp dụng VietGap. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiến hành hỗ trợ, liên kết những hộ này với nhau tạo thành những vùng nuôi chung của một khu vực, sau đó ứng dụng tiêu chuẩn VietGap trên vùng đó. Nếu được cấp tiêu chuẩn VietGap thì sẽ là cấp chung cho một vùng chứ không phải một cơ sở nhỏ lẻ. “Như vậy chi phí đánh giá chứng nhận và chi phí kiểm tra sẽ giảm hơn rất nhiều nếu áp dụng tiêu chuẩn VietGap”, ông Dũng nói.

Thùy Dung

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!