(TSVN) – Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (VietShrimp 2024) đã khép lại với những dấu ấn đặc biệt. 185 gian hàng của khoảng 135 doanh nghiệp cùng quy tụ tại triển lãm tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau đã mang tới nhiều sản phẩm trưng bày đa dạng từ thuốc thủy sản, con giống cho tới các công nghệ mới trong nuôi tôm. Với 3 ngày diễn ra, sự kiện đã thu hút khoảng 19.000 lượt du khách. Tham dự Hội chợ lần này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thăm gian hàng tại Hội chợ VietShrimp 2024
Thưa Thứ trưởng Phùng Đức Tiến! Tham dự Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (VietShrimp 2024), ông có cảm nhận như thế nào?
Tôi cho rằng đây là một sự kiện vô cùng ý nghĩa khi đã quy tụ 4 nhà, gồm nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông, cùng ngồi lại để bàn bạc và tìm ra các giải pháp thực sự hữu hiệu góp phần đưa ngành tôm Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Thay mặt Bộ NN&PTNT, tôi đánh giá rất cao diễn đàn này với sự phối hợp tổ chức chuyên nghiệp của Cục Thủy sản, Hội Thủy sản Việt Nam và sự hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo doanh nghiệp và người dân.
Nhân dịp diễn ra sự kiện, tôi mong muốn sự hợp tác của của các tỉnh với Hội Thủy sản, Cục Thủy sản tham gia triển lãm để tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn… bàn về con đường, chính sách, cơ hội đầu tư, cách thức triển khai hiệu quả các đề án của Chính phủ để đưa ngành thủy sản vươn tầm.
Thứ trưởng cho rằng VietShrimp là một sự kiện có ý nghĩa cho ngành tôm Việt Nam
Thưa Thứ trưởng! Từ diễn đàn này, những thành tựu khoa học công nghệ mới sẽ góp phần trợ lực cho ngành tôm cất cánh như thế nào?
Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cách mạng công nghệ 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của kinh tế nói chung trong đó có lĩnh vực thủy sản.
Mới đây tôi đã được đi tham quan mô hình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc của một doanh nghiệp. Có thể thấy công nghệ này đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngành nuôi trồng thủy sản hiện đại, hơn nữa nó còn mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và kinh tế.
Tham quan triển lãm, tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp mang tới nhiều mô hình hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng con tôm, hướng đến xuất khẩu. Một diễn đàn đầy sức sống và có ý nghĩa lớn như VietShrimp cần được lan rộng, trên cơ sở tổ chức, các đơn vị cần có đánh giá, tổng kết, minh chứng cụ thể có bao nhiêu công nghệ đã được áp dụng thành công sau hội nghị này, từ đó sẽ tạo ra động lực, làn sóng mới giúp các nhà khoa học, doanh nghiệp vận dụng, trao đổi kinh nghiệm quý báu thông qua thực tiễn.
Trước tác động của thị trường và xu thế tiêu dùng thay đổi; ngành tôm Việt Nam có thuận lợi và thách thức ra sao, thưa Thứ trưởng?
Như chúng ta đã biết, năm 2023, xuất khẩu tôm chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm 2022. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh dưới tác động của lạm phát cao và tôm Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với nguồn cung cấp tôm đến từ Ecuador, Ấn Độ.
Khi nuôi tôm, yếu tố thức ăn, dinh dưỡng chiếm khoảng 60 – 65% chi phí. Trong khi đó, người nuôi và các doanh nghiệp đã và đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức bủa vây như tác động từ sự biến đổi của khí hậu, chiến tranh, xung đột, ô nhiễm môi trường,… để đưa con tôm Việt Nam vươn tầm thế giới, tôi cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Thứ trưởng cho rằng công nghệ 4.0 là một phần không thể thiếu trong nuôi trồng thủy sản hiện đại
Hiện nay, tại Việt Nam giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do chi phí thức ăn nuôi tôm đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất. Mặt khác, hiện tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác tự nhiên. Các cơ sở trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất… Đây là những khó khăn mà ngành hàng này đang phải đối mặt.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 10% – 15% trong năm 2024, thì cần thúc đẩy việc sản xuất các mặt hàng tôm giá trị gia tăng trong thời gian tới để ngành tôm tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Và Vietshrimp 2024 chính là nơi để chúng ta có thể tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ những khó khăn đó.
Không chỉ khoa học công nghệ, theo Thứ trưởng, để ngành tôm nước ta thực sự bứt phá, thì cần thay đổi những gì, thưa ông?
Đối với con tôm, hiện nay đã được chú trọng đầu tư về mặt nuôi dưỡng, cải thiện chất lượng con giống, áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới, dần trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, để đưa ngành tôm phát triển xanh, bền vững, tôi cho rằng cần có những định hướng cụ thể để làm chủ các khâu từ con giống, thức ăn, công nghệ bởi đó là một vòng tuần hoàn, có sự gắn kết chặt chẽ, con giống sẽ quyết định năng suất và chất lượng, tỉ lệ nuôi sống, tốc độ tăng trưởng…
Cùng với đó, chúng ta cần xem xét để nâng cao năng lực sơ chế, chế biến gia tăng giá trị sản phẩm nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương chú ý đến sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi thị trường trên thế giới đều sẽ có những tiêu chuẩn khác nhau, việc con tôm Việt Nam hướng đến chế biến sâu, đổi mới công nghệ chế biến là một trong những cái cần khắc phục để phù hợp với xu thế và nhu cầu tất yếu.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến!
Thực hiện: Thùy Khánh
Ảnh: Ban tổ chức VietShrimp 2024