Vĩnh Long: Diện tích nuôi cá tra giảm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Long, hiện nay tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, giá cá thương phẩm giảm, chi phí sản xuất tăng khiến người nuôi e ngại thả giống, diện tích nuôi cá tra giảm so cùng kỳ

Được biết, cá tra là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Vĩnh Long, tỉnh cũng là địa phương đứng thứ năm về diện tích và sản lượng nuôi cá tra của vùng ĐBSCL. Cá tra ở Vĩnh Long tập trung chủ yếu được nuôi ở các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn và Bình Tân.

Nuôi cá tra thâm canh là mô hình sản xuất hàng hóa xuất khẩu có hiệu quả kinh tế cao và chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó, ngành hàng này nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo địa phương và các cấp, các ngành có liên quan. Ngoài ra, nghề nuôi cá tra thâm canh đã phát triển ở địa phương từ giai đoạn đầu tiên, do đó, người nuôi cá tra trong tỉnh Vĩnh Long có nhiều kinh nghiệm sản xuất và các dịch vụ hậu cần phục vụ nghề nuôi phát triển tương đối đầy đủ và đồng bộ.

Tuy nhiên, những tháng gần đây, tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, giá cá thương phẩm giảm so cùng kỳ; chu kỳ nuôi được kéo dài, nuôi cầm chừng hoặc cho cá ăn ít; số lượng doanh nghiệp thu mua cá tra nguyên liệu cũng giảm đã làm ảnh hưởng nhất định đến hoạt động nuôi cá tra của tỉnh.

Ông Võ Văn Đấu, người nuôi cá tra lâu năm tại xã Phú Thành (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) chia sẻ: “Chi phí thức ăn và con giống tăng liên tục thời gian qua khiến người nuôi không có động lực thả giống tiếp. Hơn hết, thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe về chất lượng, trong khi môi trường nuôi không còn bảo đảm. Nếu nuôi cá gần khu vực trồng vườn, khi người dân phun thuốc và xả nước ra kênh, nước đó nếu chảy vào ao nuôi, làm cá nhiễm thuốc, công ty kiểm tra sẽ không thu mua. Chưa kể, nguồn nước ô nhiễm còn khiến cá dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh gan thận mủ, rất khó chữa nên bà con đã treo ao gần hết”.

9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 1.952,2 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, giảm 0,02% so cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích nuôi cá tra công nghiệp là 295,5 ha, giảm 0,3% hay giảm 0,9 ha so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác quý III/2024 ước đạt 22.591 tấn, tăng 0,58% hay tăng 129 tấn so cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng được 21.429 tấn, tăng 123 tấn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 102.520 tấn, giảm 5,77% hay giảm 6.273 tấn so cùng kỳ năm trước; trong đó thủy sản nuôi trồng được 97.830 tấn, giảm 6,05% hay giảm 6.305 tấn. Riêng sản lượng cá tra công nghiệp ước được 58.896 tấn, giảm 8,2% hay giảm 5.264 tấn so cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 20/9/2024, toàn tỉnh có 203 cơ sở nuôi cá lồng, bè với 1.661 lồng, bè, tăng 44 chiếc; trong đó hiện đang thả nuôi 1.230 chiếc, tăng 25 chiếc so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch cá lồng, bè 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 13.606 tấn, giảm 0,1% hay giảm 14 tấn so cùng kỳ năm trước.

Ngoài cá tra và điêu hồng, hiện nay, người nuôi trên địa bàn tỉnh đã nuôi đa dạng các loại cá khác ngoài như cá lăng nha, cá cóc, cá he, cá chốt,… có giá trị kinh tế và cho năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!