THỨ BA, ngày 1/4/2025

Vĩnh Long: Long Hồ phát triển bền vững ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Long Hồ đã triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Qua đó, góp phần tạo ra các sản phẩm an toàn sinh học, nâng cao giá trị kinh tế, phát triển thủy sản bền vững.

Đa dạng đối tượng và hình thức

Long Hồ là địa phương nuôi cá lồng bè lớn nhất tỉnh Vĩnh Long, chiếm 98% tổng số lồng bè. Thời gian qua, huyện Long Hồ đã triển khai nhiều mô hình trong lĩnh vực thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao với mục tiêu đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi thủy sản phù hợp với từng vùng, điều kiện sinh thái địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Trong đó điển hình như “Mô hình nuôi ếch trong bể xi măng và nuôi trong vèo” mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân và đang tập trung phát triển mạnh tại các xã Tân Hạnh, Hòa Phú, An Bình, Bình Hòa Phước và Đồng Phú.

Mô hình nuôi lươn không bùn được nhân rộng tại nhiều địa phương trong huyện. Ảnh: Phương Thảo

Với mô hình này, lợi nhuận trung bình đạt 4 – 6 triệu đồng/2.000 con. Đây là mô hình được đánh giá ít rủi ro, thời gian nuôi ngắn, khoảng 2 – 2,5 tháng, có thể xuất bán nên người nuôi dễ quay vòng vốn để tái đầu tư vụ kế tiếp. Bên cạnh đó, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, bể lót bạt được duy trì, phát triển và nhân rộng tại các xã Phú Đức, Thanh Đức, Đồng Phú, Bình Hòa Phước,…

Anh Võ Thanh Long (ấp Phú Thạnh 4, xã Đồng Phú) nuôi lươn không bùn trong bể xi măng được 6 năm. Từ ban đầu thả 10.000 con giống, đến nay phát triển 15 bể với 60.000 con. Anh Long cho biết: “Tôi thu hoạch lươn xoay vòng quanh năm, mỗi lần khoảng 500 kg, thời điểm giá khoảng 100.000 đồng/kg thì trừ hết chi phí, người nuôi sẽ lời được 30%”.

Bên cạnh phát triển thêm đối tượng nuôi mới, nhiều người nuôi, hợp tác xã trên địa bàn huyện đã điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi cá tập trung ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, đồng thời, từng bước gắn sản xuất với tiêu thụ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản, nâng cao đời sống, thu nhập.

Điển hình đó là “Mô hình áp dụng công nghệ cao lắp đặt hệ thống cho cá ăn tự động” của anh Võ Thanh Quang – xã viên hợp tác xã Thủy sản Đồng Phú (xã Đồng Phú). Đến nay, sau gần 1 năm ứng dụng, mô hình đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo anh Quang, người nuôi chỉ cần bấm điện thoại là có thể cho cá ăn nên tiết kiệm được thời gian, nhân công. Quan trọng là hạn chế được thất thoát thức ăn, cá ăn nhanh hơn, lượng thức ăn được đảm bảo vừa đủ, không gây lãng phí, giảm được ô nhiễm môi trường 

Phát triển bền vững

Với lợi thế sông nước, tiềm năng phát triển sẵn có, nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh của huyện Long Hồ. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, do khâu tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém; đặc biệt là thị trường ngày càng có nhiều quy định khắt khe, ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, do các hộ nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên chi phí sản xuất còn cao, hộ nuôi còn thiếu vốn lưu động trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi cao, trong khi giá cả đầu ra vẫn còn bấp bênh (tình trạng được mùa mất giá và ngược lại), dịch bệnh trên thủy sản cũng thường xuyên xảy ra.

Để ngành thủy sản tiếp tục phát triển bền vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Võ Trung Sơn cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục phát triển sản xuất thủy sản theo hướng hình thành các tổ chức liên kết, chuỗi sản xuất liên kết theo hình thức khép kín. Song song đó, nghiên cứu định hướng phát triển lồng, bè theo hướng kết hợp du lịch sông nước, quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã”.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhân rộng các mô hình chăn nuôi, thủy sản ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả,…

Thanh Hiếu

Theo Phòng NN&PTNT huyện Long Hồ, năm 2024, diện tích nuôi thủy sản toàn huyện là 316 ha, trong đó: cá tra nuôi theo hướng xuất khẩu 86,6 ha; có 1.557 lồng, bè. Bên cạnh đó, có trên 119 hộ nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: lươn, ếch, ba ba, cá thát lát cườm, cá lóc, cá tai tượng,... Tổng sản lượng thủy sản đạt 43.265 tấn, tăng 1.185 tấn so năm 2023.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!