Ngành nông nghiệp ĐBSCL và Vĩnh Long nói riêng nhiều năm qua cũng nhận thức việc nâng cao chất lượng cá tra bằng việc đầu tư xây dựng nhiều vùng sản xuất cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP, ASC… nhằm khẳng định thương hiệu cá tra Việt Nam.
Hiện tỉnh Vĩnh Long có 239 cơ sở nuôi cá tra thâm canh
Hiện, Vĩnh Long có 3 cơ sở được chứng nhận ASC (36,7 ha); 6 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP; 4,7 ha được chứng nhận VietGAP và 6,6 ha nuôi theo thực hành quản lý tốt hơn BMP. Đồng thời, toàn tỉnh cũng có 2 cơ sở sản xuất giống được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích 6,3 ha; trong đó 3,5 ha thuộc Trại giống Thủy sản Cồn Giông (huyện Tân Hội) và 2,8 ha của Trung tâm Giống và Kỹ thuật (Công ty CP XNK Thủy sản Cần Thơ). Về hình thức nuôi, theo thống kê, toàn tỉnh có 239 cơ sở nuôi cá tra thâm canh; trong đó, 58 công ty và 192 hộ gia đình. Năm 2014, Vĩnh Long tiếp tục nỗ lực tháo gỡ các khó khăn (vốn, thị trường, chất lượng con giống, hạ tầng vùng nuôi…); ổn định 430 ha diện tích mặt nước thả nuôi cá tra thâm canh; áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, phấn đấu để đạt sản lượng cá tra 100.000 tấn vào cuối năm nay.
Ông Phan Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, trước những dự báo không mấy lạc quan về con cá tra, nên cần dồn sức nâng chất lượng mặt hàng này trên cơ sở tập trung triển khai sâu rộng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng các mô hình liên kết, hỗ trợ thị trường, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá cả, giữ vững uy tín trên thị trường quốc tế; Đồng thời, nên mở rộng đối tượng nuôi khác, tìm hướng mới cho người dân, ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất.