Vĩnh Long: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 146.309 tấn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thông tin từ Sở NN&PTNT Vĩnh Long, năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 152.192 tấn, giảm 3,47% so năm 2023; trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 146.309 tấn, giảm 3,63%, riêng cá tra nuôi công nghiệp đạt 95.100 tấn, giảm 4,03%.

Đa dạng đối tượng nuôi

Toàn tỉnh hiện có 2.040 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tương đương so cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích nuôi cá tra công nghiệp là 296,2 ha, tăng 0,55% hay tăng 1,6 ha. Trong tháng, do tình hình tiêu thụ đầu ra thuận lợi, tình hình xuất khẩu cá tra có xu hướng tăng trở lại phục vụ thị trường cuối năm, giá cá thương phẩm tăng, người nuôi lãi nên mở rộng diện tích nuôi. Tuy nhiên, do giá cá thương phẩm không ổn định, số lượng doanh nghiệp thu mua cá tra nguyên liệu cũng giảm đã làm ảnh hưởng nhất định đến hoạt động nuôi cá tra của tỉnh.

Ước tính quý IV/2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 49.779 tấn, tăng 1,85% so cùng kỳ năm trước; trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 48.586 tấn, tăng 1,88%. Năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 152.192 tấn, giảm 3,47% so năm 2023; trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 146.309 tấn, giảm 3,63%, riêng cá tra nuôi công nghiệp đạt 95.100 tấn, giảm 4,03%.

Toàn tỉnh hiện có 2.040 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trà My

Tính đến ngày 20/12/2024, toàn tỉnh có 203 cơ sở nuôi cá lồng bè với 1.654 lồng bè, trong đó có 1.169 lồng bè đang thả nuôi, giảm 12 chiếc so cùng kỳ. Ước sản lượng thu hoạch cá lồng bè năm 2024 được 19.402 tấn, giảm 0,97% hay giảm 190 tấn so năm trước.

Nhìn chung, đối tượng nuôi cá lồng, bè chủ yếu là cá điêu hồng; tuy nhiên, một số cơ sở nuôi chuyển sang thả nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao hơn như cá lăng nha, cá cóc, cá he, cá chốt,… để tăng giá trị sản xuất và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Địa bàn nuôi được duy trì ven tuyến sông Tiền thuộc các xã cù lao của huyện Long Hồ là chủ yếu.

Đẩy mạnh cơ cấu ngành thủy sản

Tuy nhiên, thời gian qua, người nuôi thủy sản vẫn gặp một số khó khăn như: nguồn giống chất lượng khan hiếm, giá thức ăn đầu vào tăng, nguồn lực đầu tư cho phát triển thủy sản chưa tương xứng với nhu cầu và chỉ tiêu tăng trưởng; giá cá tra nguyên liệu giữ ở mức thấp trong thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp, người nuôi cá tra bị thua lỗ, không còn vốn tái sản xuất. Trong khi đó, thời tiết thay đổi thất thường nên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, khiến người nuôi lo lắng. 

Để hỗ trợ nghề nuôi thủy sản phát triển, thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ con giống, ngành chức năng cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân chuyển đổi từ mô hình nuôi truyền thống sang mô hình nuôi theo hướng an toàn VietGAP có hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn theo dõi sát tiến độ thu hoạch cá lồng bè và cá nuôi theo hướng xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh con giống và thức ăn thủy sản, đảm bảo cung cấp nguồn giống, thức ăn có chất lượng tốt phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; đồng thời, đề ra giải pháp xúc tiến tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm thủy sản. 

Năm 2025, Sở NN&PTNT Vĩnh Long tiếp tục phát triển các đối tượng thủy sản có tiềm năng; đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản; tập huấn hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật và biện pháp phòng trị bệnh cá để giảm tỷ lệ hao hụt.

Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn khác để theo dõi diễn biến xâm nhập mặn trên các sông chính, kinh rạch tự nhiên đối với các vùng tiếp giáp giữa ranh mặn và ngọt có thể ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng thủy sản,…

Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về hoạt động nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh thủy sản đến các tổ chức, hộ sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực này. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với các bệnh nguy hiểm, bệnh trên cá tra nuôi như gan thận mủ, xuất huyết,…

Cùng với công tác tuyên truyền, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản theo hình thức đồng bộ để hỗ trợ cho các cơ sở, hộ dân đầu tư nuôi thủy sản đạt hiệu quả. Ngoài ra, cần bảo vệ môi trường vùng nuôi cũng như đảm bảo cho nghề nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.

Từ lợi thế và tiềm năng sẵn có, định hướng tới tỉnh Vĩnh Long tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành thủy sản, nhân rộng các mô hình nuôi có hiệu quả, đa dạng hóa đối tượng nuôi, trong đó có các đối tượng thủy đặc sản trong mương vườn, ruộng lúa.

Nguyễn Hằng

Đến năm 2030, Vĩnh Long phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.250 ha; trong đó diện tích nuôi cá tra 500 ha và có 2.000 lồng bè nuôi thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 166.000 tấn/năm.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!