Sau 3 tháng triển khai, mô hình nuôi cá trê kết hợp với ếch trong lồng lưới tại Vĩnh Phúc đã cho hiệu quả kinh tế cao, bước đầu tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Mô hình được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Vĩnh Phúc triển khai từ tháng 5/2015, hai hộ dân xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên) và phường Đống Đa (TP Vĩnh Yên) tham gia thực hiện.
Khi tham gia, các hộ được hỗ trợ 100% ếch giống (6.400 con) và cá trê giống (18.000 con). Trong suốt quá trình nuôi, người nuôi được cán bộ kỹ thuật tại Trung tâm tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý và phòng trị bệnh. Sử dụng thức ăn 100% là cám công nghiệp theo từng lứa tuổi của cá và ếch, thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc, cải thiện môi trường nước, đảm bảo đàn cá trê và ếch sinh trưởng, phát triển ổn định.
Sau thời gian 2 – 3 tháng nuôi, đạt kết quả khả qua: Ếch và cá trê sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%, trọng lượng 250 – 300 g/con, cá biệt có những con cá trê đạt trọng lượng tới 500 g. Với giá bán 50.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi vụ cho thu lãi trên 15 triệu đồng, cao hơn 3 – 4 triệu đồng/vụ so với hình thức nuôi đơn.
Nuôi ếch kết hợp cá trê giảm chi phí cho người nuôi – Ảnh: KT
Đại diện Trung tâm Khuyến Nông – Khuyến ngư Vĩnh Phúc cho biết, sau 2,5 – 3 tháng nuôi, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn (trên 21 triệu đồng/100 m3 lồng) so với nuôi đơn cá trê (hiệu quả kinh tế 18 triệu đồng/100 m3 lồng), trong khi chi phí đầu tư tương đương nhau. Không chỉ vậy, khi nuôi kết hợp sẽ giảm chi phí thức ăn do tận dụng được nguồn thức ăn thừa từ nuôi ếch và da ếch, phân ếch. Cùng với đó, do thời gian nuôi ngắn nên tốc độ quay vòng vốn nhanh, ếch và cá trê được nuôi trong lồng trên hồ nước lớn nên không xảy ra dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, mô hình đã giúp địa phương đưa được tiến bộ kỹ thuật nuôi mới vào sản xuất, lựa chọn được phương thức có nhiều triển vọng cho nuôi trồng thủy sản.
Với những kết quả ban đầu, Trung tâm Khuyến Nông – Khuyến ngư Vĩnh Phúc khẳng định, mô hình này có khả năng thích ứng tốt với điều kiện nuôi mật độ dày, sử dụng tốt thức ăn công nghiệp, ít bị bệnh, tốc độ tăng trọng nhanh. Nuôi trong lồng lưới sẽ tận dụng được diện tích mặt nước của các sông, hồ chứa chưa được khai thác, sử dụng hoặc được sử dụng rất hạn chế, hạn chế được việc thất thoát do ngập lụt, giải quyết được khâu thu hoạch – vấn đề khó khăn gặp phải khi nuôi thủy sản ở các sông, hồ chứa. Do đó, Trung tâm đã đề nghị các địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân nâng cao hiểu biết kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất; đồng thời, quản lý tốt môi trường nước nuôi tạo điều kiện tốt nhất ếch và cá sinh trưởng là cần thiết trong nuôi lồng. Ngoài ra, các hộ dân trước khi chọn đối tượng nuôi cần có quy hoạch vùng nuôi và kế hạch nuôi cụ thể, tránh tình trạng nuôi thủy sản không đúng quy trình kỹ thuật sẽ gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và thiệt hại kinh tế. Thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.