(TSVN) – Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bên cạnh những biện pháp phòng chống đói, rét cho thủy sản, người nuôi cần thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp chăm sóc thủy sản, kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu bất thường.
Thông tin từ Cục Thống kê Vĩnh Phúc, năm 2024, sản xuất thủy sản của địa phương tiếp tục phát triển, công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản được thực hiện hiệu quả nên không có dịch bệnh xảy ra, các loại thủy sản nuôi trồng đều phát triển tốt; tuy vậy do chịu ảnh hưởng ngập lụt của cơn bão số 3 nên sản lượng nuôi trồng giảm.
Theo đó, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 23.681,5 tấn, giảm 4,96% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác nội địa ước đạt 1.936,4 tấn, tăng 1,25%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 21.745,1 tấn, giảm 5,48% so cùng kỳ. Sản lượng con giống sản xuất ước đạt 3.228,7 triệu con, tăng 1,87% (+59,2 triệu con) so cùng kỳ.
Người nuôi cần cung cấp thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, bổ sung Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá. Ảnh: ST
Những thành công này là nhờ vào việc tỉnh tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống chất lượng cao và khuyến khích các mô hình nuôi trồng thủy sản hiện đại. Một số khu vực trọng điểm như Yên Lạc, Tam Dương, và Vĩnh Yên đã triển khai thành công các mô hình nuôi cá rô phi, cá chép ứng dụng công nghệ cao, mang lại năng suất và giá trị kinh tế vượt trội.
Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung bảo vệ môi trường nước, xử lý nguồn nước thải tại các ao nuôi, đảm bảo môi trường nuôi trồng bền vững. Các chương trình xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm thủy sản cũng được triển khai, góp phần gia tăng giá trị kinh tế cho người dân.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết trong vụ Đông Xuân 2024 – 2025 có nền nhiệt thấp hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm từ 0,5ºC. Đặc biệt, mùa Đông năm nay dự báo có khả năng lạnh hơn, đợt rét đậm rét hại đầu tiên xảy ra nửa cuối tháng 12/2024 kéo dài đến tháng 2/2025, rét đậm rét hại xảy ra nhiều ngày hơn gây ảnh hưởng đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Do đó, để chủ động phòng chống đói, rét bảo vệ cho thủy sản, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản số 2666 đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan; UBND các xã, phường, thị trấn chủ động tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống đói, rét cho thủy sản.
Theo đó, đối với thủy sản, trong thời gian giá rét, không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm, trùng quả dưa và ký sinh trùng.
Đối với diện tích thủy sản đang nuôi (chưa đạt kích cỡ thu hoạch, đàn cá bố mẹ, cá giống) áp dụng một số các biện pháp chống rét như duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 2 m trở lên để ổn định nhiệt độ; đào hố sâu trong ao từ 2,5 – 3 m, rộng từ 2 – 3 m² ở nơi khuất gió hoặc phía Bắc để cho cá rút xuống trú Đông.
Sử dụng sọt đan bằng tre, nứa có chứa các búi rơm làm ổ dìm dưới đáy ao ở phía Bắc để làm nơi trú ẩn và chống rét cho cá; thả bèo tây từ ½ – 2/3 diện tích mặt ao về phía Bắc (bèo được gom vào một góc ao) tránh thả tràn lan che kín hết diện tích mặt ao, làm giảm độ thoáng của ao ảnh hưởng đến thủy sản nuôi.
Đối với cơ sở nuôi cá lồng, có thể sử dụng nilon sáng màu để phủ kín mặt lồng nuôi hoặc thả sâu xuống 1,8 – 2 m so với mặt nước để tránh rét cho cá. Cung cấp thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng; bổ sung Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá.
Vào thời điểm nắng ấm trong ngày cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến,… khi nhiệt độ nước ao nuôi dưới 150C thì ngừng cho cá ăn. Định kỳ 2 lần/tháng dùng vôi bột với liều lượng 2 – 3 kg/100 m³ nước hoặc hóa chất như Iodine, Vicato,… liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì để xử lý môi trường, phòng bệnh cho thủy sản nuôi.
Thanh Hiếu