(TSVN) – Phát huy nghề làm mắm gia truyền và tận dụng lợi thế từ nguồn tài nguyên vùng Đồng Tháp Mười “trên cơm – dưới cá, vợ chồng giáo viên anh Châu Tùng Sèn và chị Hồ Thị Thúy An đã khởi nghiệp thành công với sản phẩm Mắm cá chốt Sáu Thưa, đạt OCOP xếp hạng 3 sao năm 2022.
Vợ chồng giáo viên anh Châu Tùng Sèn và chị Hồ Thị Thúy An đều làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của Trường Tiểu học Phú Ninh B, xã Phú Ninh và An Hòa 1 xã An Hòa, huyện Tam Nông. Nói về hành trình khởi nghiệp, anh Sèn cho biết gia đình anh đã có hơn 25 năm làm mắm cá chốt. Năm 2017, vợ chồng anh bắt tay vào tiếp nối truyền thống của gia đình. “Lúc đầu, tôi chỉ làm số lượng ít để ăn trong gia đình và đem giới thiệu cho bà con chòm xóm ăn thử, nhiều người ăn khen ngon “đậm đà hương vị xưa” nên động viên tôi làm và bán ra thị trường”, anh Sèn cho biết.
Mắm cá chốt được đóng hộp để bán ra thị trường
Nhờ kiên trì tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, đồng thời khách hàng được tận mắt xem cách chế biến đảm bảo sạch sẽ, không dùng bất cứ một loại hóa chất nào… Dần dần, sản phẩm mắm cá chốt của anh Sèn được tin tưởng. Từ đó, anh tập trung vốn, mua thêm dụng cụ, nguyên vật liệu và mở cơ sở sản xuất mắm cá chốt truyền thống, đăng ký thương hiệu độc quyền mang tên “mắm cá chốt Sáu Thưa”.
Nguyên liệu chính để sản xuất mắm cá chốt truyền thống là: cá chốt, muối hột, đường thốt nốt, thính (gạo rang vàng, xay nhuyễn)… Chị Thúy An cho biết: “Để có đủ nguyên liệu, vào mùa nước nổi hằng năm gia đình tôi thu mua lượng cá chốt dự trù làm cho một năm. Thông thường vào tháng 7, tháng 8, chúng tôi mua khoảng 2 tấn cá”. Anh Châu Tùng Sèn ngồi kế bên tiếp lời: “Cá chốt tươi tự nhiên sau khi mua về, tôi thuê nhân công làm sạch (cắt đầu moi ruột) rồi đem rửa sạch cá để ráo nước. Sau đó, ướp cá chốt ướp với muối hột, tỷ lệ 20 kg cá trộn với 3kg muối rồi cho vào khạp (lu) ủ trong 1 tháng. Tiếp đó, đem cá chốt đã thấm muối ra rửa rồi trộn đều với 1 kg thính và tiếp tục cho cá vào khạp ủ tiếp. Hai mươi ngày sau, đem mắm cá chốt ra chao với 5 kg đường thốt lốt… Cuối cùng, đưa mắm cá chốt vào keo nhựa hoặc keo thủy tinh đậy nắp và dán nhãn thành phẩm. Bình quân 20 kg cá chốt tươi sẽ cho ra 14 kg mắm cá chốt thành phẩm”.
Làm vệ sinh cá chốt
Lúc đầu, anh Sèn chỉ sản xuất nhỏ lẻ với vài chục keo mắm cá chốt thành phẩm. Khi sản phẩm mắm cá chốt gia truyền Sáu Thưa được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp tín nhiệm mua nhiều, anh Sèn đã đầu tư thêm vốn mở rộng cơ sở sản xuất, trang bị thêm thiết bị hiện đại, khép kín, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.
Năm 2018, từ 2 tấn cá chốt tươi thương phẩm anh Sèn làm ra 1.400 keo mắm cá chốt Sáu Thưa thành phẩm loại 500 gram và loại 1 kg. Bán giá bình quân 75.000 đồng/keo/kg mắm cá chốt. Cả năm anh thu nhập trên 90 triệu đồng/năm, trừ tất cả chi phí đầu tư và trả tiền thuê nhân công, anh Sèn còn lãi 30 triệu đồng. Sang năm 2019, lợi nhuận của anh tăng thêm hơn 40 triệu đồng.
Cá chốt được ướp nhiều gia vị
Bà Trần Thiên Nga ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Mấy năm gần đây, tôi thường mua và sử dụng mắm cá chốt Sáu Thưa ở xã An Long, huyện Tam Nông. Tôi thấy đây là loại mắm rất ngon và đang được nhiều thực khách rất ưa thích, nhất là các bà nội trợ như tôi, vì nó có hương vị đậm đà, thơm ngon và nhiều dinh dưỡng… Mắm cá chốt Sáu Thưa, tôi thường gắp ra dĩa, thêm chút ít gia vị cho vừa ăn rồi trang trí trên dĩa mắm một vài lát ớt đỏ để ăn sống với cơm, rau sống, chuối chát, khế chua… Mắm cá chốt Sáu Thưa đem kho hoặc làm lẩu mắm hay bằm nhuyễn trộn chung với trứng vịt, thịt ba rọi, nấm tai mèo… chưng cách thủy ăn cũng rất ngon.”.
Do sản phẩm mắm cá chốt Sáu Thưa thơm ngon, đậm đà, không chất bảo quản, không chất tạo mùi, đảm bảo an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên bán rất chạy… Sản phẩm làm ra không đủ bán. Cơ sở của vợ chồng anh Sèn đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương, với mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/người. Bà Châu Thị Thu ở xã An Long là nhân công làm việc thường xuyên của cơ sở cho biết: “Tôi làm ở cơ sở này từ nhiều năm nay rồi. Tôi làm ở khâu cắt đầu và ngạnh cá chốt tươi rồi rửa sạch, mỗi tháng thu nhập hơn 3 triệu đồng. Công việc này nhẹ nhàng, ngồi ở trong mát và kiếm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.
Sản phẩm nước mắm nhĩ của vợ chồng anh Sèn
Ông Nguyễn Phương Bình – Phó Chủ tịch UBND xã An Long rất tâm đắc với sản phẩm mắm cá chốt Sáu Thưa. Ông cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho chủ cơ sở tham gia các lớp tập huấn nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký Logo, nhãn hiệu, giấy phép kinh doanh và hỗ trợ một phần vốn để cơ sở mua sắm thêm các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cũng giúp cơ sở thông tin, quảng bá đưa sản phẩm ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng cả nước”
Anh Nguyễn Chí Khanh – Bí thư Huyện Đoàn Tam Nông nhận xét: “Tôi đánh giá cao hiệu quả mô hình khởi nghiệp “mắm cá chốt Sáu Thưa” của vợ chồng giáo viên Châu Tùng Sèn và Hồ Thị Thúy An. Huyện Đoàn cùng với chính quyền địa phương xã An Long sẽ hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ, đăng ký thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên các phương tiện truyền thông gắn với chương trình OCOP và hỗ trợ tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp huyện, cấp khu vực và toàn quốc…”
Vợ chồng anh Sèn chị An giới thiệu sản phẩm
Anh Sèn vui vẻ chia sẻ: “Không chỉ chế biến mắm cá chốt mà cơ sở còn chế biến mắm cá trèn, mắm cá lóc, mắm cá sặc các loại và sản xuất nước mắm nhĩ cá đồng Sáu Thưa, cá khô… Cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng nhà xưởng lên 100 m2, mô hình sản xuất bán tự động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sản lượng sản phẩm Mắm cá chốt Sáu Thưa lên từ 1.500 kg/năm trở lên, nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường. Doanh thu bình quân đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên”.
Sản phẩm của vợ chồng anh Sèn chị An cũng đã được Chính quyền địa phương chọn vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2023. Cơ sở tọa lạc ở ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông hiện đang tăng nhịp độ sản xuất các sản phẩm để phục vụ rộng rãi cho người tiêu dùng.
Trần Trọng Trung