Vượt thách thức, duy trì mục tiêu tăng trưởng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bên cạnh những thách thức chung của thủy sản thế giới, ngành tôm Việt Nam còn phải đối diện thêm rào cản đến từ giá thành tôm cao, trong khi đó giá đầu ra duy trì ở mức thấp và “chưa biết đến bao giờ hồi phục”. Cùng đó là nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, sẽ tác động rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng của ngành tôm.

Nỗi lo dịch bệnh 

Theo các hộ nuôi tôm có kinh nghiệm, nếu như ở vụ nuôi năm 2022, người nuôi đối mặt với hai khó khăn lớn là: độ mặn thấp và EHP xuất hiện ngay từ đầu vụ nuôi thì ở vụ nuôi năm nay, khó khăn thậm chí còn nhiều hơn nên số hộ nuôi thua lỗ vì thế cũng cao hơn, kể cả một số hộ nuôi thu hoạch có năng suất tương đối khá. Đó cũng là lý do vì sao, mặc dù sản lượng tôm nuôi 7 tháng đầu năm vẫn đạt khá cao nhưng số diện tích hiện còn thả nuôi đang rất thấp so cùng kỳ. Ngoài hai nguyên nhân chính là chi phí vụ nuôi tăng cao trong khi giá tôm xuống thấp thì yếu tố thời tiết thất thường và nhất là bệnh do EHP và bệnh đốm trắng vẫn còn hiện diện và gây hại ở hầu hết các vùng nuôi. 

Tại tỉnh Cà Mau, nơi có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất cả nước, tình hình dịch bệnh đã và đang làm khó nhiều diện tích ao nuôi, kể cả ao nuôi công nghiệp lót bạt cùng hệ thống xử lý nước tiên tiến. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, trong 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh có gần 14.500 ha tôm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến bị thiệt hại do dịch bệnh, tăng gần 2.000 ha so với cùng kỳ. 

Không riêng gì hai mô hình trên mà ngay cả mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh cũng có tỷ lệ thiệt hại đáng kể do dịch bệnh. Theo đó, chỉ riêng tháng 8, toàn tỉnh Cà Mau có 13,27 ha diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh bị nhiễm bệnh chết, tăng 2,87 ha so tháng trước, nâng tổng số diện tích tôm nuôi thâm canh, siêu thâm canh bị nhiễm bệnh thiệt hại trong 8 tháng đầu năm lên 71 ha, tăng 8,32 ha so với cùng kỳ. Để tránh dịch bệnh lây lan, ngành nông nghiệp tỉnh đã xuất hơn 25 tấn Chlorine để khử trùng diện tích nhiễm bệnh. 

Còn tại tỉnh Trà Vinh, theo ghi nhận của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong số 6.536 ha tôm thẻ chân trắng được thả nuôi đã có 821 ha, với 537 triệu con giống bị thiệt hại, chiếm 12% lượng giống thả nuôi. Đối với diện tích nuôi tôm sú, tuy con số thiệt hại chỉ ở mức 614 ha so với 22.818 ha diện tích thả nuôi, nhưng lượng con giống thiệt hại ghi nhận được là 104 triệu con, chiếm 9% lượng con giống thả nuôi. Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh, tôm nuôi thiệt hại vừa qua phổ biến ở giai đoạn 25 – 55 ngày tuổi. Kết quả ghi nhận bằng cảm quan lẫn xét nghiệm PCR cho thấy, đa số tôm có dấu hiệu bệnh đốm trắng, đỏ thân, gan tụy, đường ruột và chậm phát triển giai đoạn đầu. Đã có thời điểm ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đưa ra khuyến cáo người dân tại một số vùng xảy ra dịch bệnh tạm ngưng thả nuôi để tránh rủi ro thiệt hại. 

Có thể thấy, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi từ đầu năm đến nay tuy chưa phải là lớn và lây lan trên diện rộng, nhưng cũng tác động không nhỏ đến năng suất và lợi nhuận của người nuôi; nếu không có các giải pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời, thì hậu quả sẽ rất khó lường… 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, ngoại trừ một số vùng/ khu vực nuôi bị nhiễm bệnh dẫn đến giảm năng suất do thu hoạch tôm kích cỡ nhỏ hay thiệt hại hoàn toàn; phần lớn đều cho rằng, năm nay nuôi tôm rất dễ đạt năng suất, nhờ tôm lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, nhưng người nuôi vẫn không có lời hoặc thậm chí thua lỗ chủ yếu là do giá tôm xuống dưới mức giá thành. Nhận xét trên là khá hợp lý khi báo cáo 7 tháng đầu năm của Cục Thủy sản cũng ghi nhận sản lượng tôm nuôi tăng 4% so cùng kỳ năm trước, khi đạt 552,3 nghìn tấn. Điều này có được phần lớn là nhờ một số diện tích nuôi ao đất chuyển sang nuôi lót bạt thâm canh hay siêu thâm canh. 

Tăng cường giải pháp quản lý vùng nuôi 

Hiện các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long đang bước vào cao điểm mùa mưa bão, nên việc quản lý, chăm sóc ao tôm luôn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể, một số mầm bệnh nguy hiểm như: Đốm trắng, phân trắng và nhất là nguồn bệnh từ EHP vẫn còn lưu hành tại hầu hết các vùng nuôi, khiến cho vụ tôm nghịch sẽ càng thêm khó. 

Đây là điều đáng lo bởi giá tôm gần đây bắt đầu tăng lên, đảm bảo được mức lợi nhuận cho người nuôi, nên một số hộ nuôi cũng đang rục rịch tìm vốn để thả giống. Đáng lo bởi hiện tại, hầu hết các nguồn cung cấp nước cho vùng nuôi đã không còn độ mặn, nên ngoài số hộ có nước trữ lại từ vụ nuôi trước thì những hộ khác phần lớn là sử dụng nước ngầm. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, người nuôi không nên sử dụng nước ngầm để nuôi tôm vì nguồn nước này thường chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, tiềm ẩn không ít rủi ro cho tôm nuôi. 

Theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, nuôi tôm vụ này rất khó, vì ngoài yếu tố mưa bão thất thường thì dịch bệnh rất nhiều do ảnh hưởng nước từ thượng nguồn và trời mưa. Trong đó, bệnh do EHP là điều mà người nuôi tôm hiện nay, kể cả ao bạt hay ao đất cũng đều rất quan tâm. Cũng liên quan đến bệnh do EHP, gần như ở diễn đàn nào cũng được ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhắc tới, như là một mối nguy thường trực đối với người nuôi tôm. Ông Lực chia sẻ: “Bây giờ mỗi khi nói tới EHP là người nuôi rất sợ, bởi bệnh này rất khó diệt, lại không làm tôm chết nhanh, chết nhiều, mà tôm vẫn cứ ăn đều đều, nhưng không chịu lớn, khiến chi phí vụ nuôi ngày một tăng cao, nếu không phát hiện và đưa ra quyết định xử lý kịp thời, phù hợp”. 

Để chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan và hạn chế được dịch bệnh nhằm bảo vệ tôm nuôi, ngành nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo người nuôi nên tăng cường các biện pháp như: Quan tâm chất lượng con giống, quản lý môi trường ao nuôi, thức ăn, dịch bệnh… Theo đó, người nuôi cần tăng cường đo đạc các yếu tố môi trường, theo dõi màu nước trong ao nuôi thường xuyên trước và sau khi mưa; điều chỉnh các yếu tố môi trường sao cho ổn định và tối ưu cho tôm nuôi trong giai đoạn này. Còn theo ông Phục, ở vụ nuôi này, người nuôi cần chú ý nhiều hơn đến khâu quản lý an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh; đồng thời theo dõi, bổ sung khoáng chất đầy đủ, đúng thời điểm và nhu cầu của tôm nuôi. 

>> Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, bài toán giảm giá thành phụ thuộc rất lớn vào nâng cao tỷ lệ thành công trong nuôi tôm giống, mà điều này tập trung vào 3 yếu tố chính là giống, nước và thức ăn. Vấn đề nóng bỏng hiện nay là giám sát, quản lý tôm giống để hạn chế tôm giống không đạt chất lượng lưu thông trên thị trường. Thêm vào đó, cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi. Do đó, Nhà nước cần quy hoạch lại để có nguồn nước sạch, tránh lây nhiễm chéo dịch bệnh qua các vùng nuôi. Bên cạnh đó là yếu tố thức ăn (chiếm 60% giá thành tôm nuôi) cũng cần được chú ý. 

An Xuyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!