Năm 2012, nuôi trồng thủy sản huyện Vũ Thư đạt hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 1.600 ha, giá trị đạt 43,5 tỷ đồng, tăng 6,03% so với năm 2011. Góp phần không nhỏ vào kết quả khả quan này phải kể đến mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng.
Ðây là một mô hình mới, có khả năng nhân rộng và phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên của một huyện được bao bọc 3 mặt bởi 2 con sông Hồng và Trà Lý như Vũ Thư. Năm 2012, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng tại 3 xã Vũ Ðoài, Vũ Vân, Duy Nhất. Qua 6 tháng triển khai thí điểm đã khẳng định mô hình nuôi cá lồng mang lợi nhuận kinh tế cao cho hộ nuôi, mở ra một hướng đi mới phương thức nuôi thủy sản trong huyện. Mô hình thực hiện tại 3 trang trại ven sông Hồng gồm trang trại của ông Trần Duy Quỳnh, thôn Tiền Phong, xã Vũ Vân, trang trại ông Phạm Ðình Chiểu xóm 2, xã Vũ Ðoài; trang trại của ông Trần Văn Toàn, thôn Hành Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất. Giống cá được nuôi là cá trắm đen, diêu hồng, chép V1.
Lồng nuôi cá trên sông Hồng của trang trại ông Phạm Ðình Chiểu, xã Vũ Ðoài – Vũ Thư
Theo hướng dẫn của cán bộ Chi cục nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh), các hộ nuôi đều bảo đảm quy mô mỗi lồng đạt thể tích 108 m3, lồng có dạng hình khối chữ nhật, kích thước 6mx6mx3m, khung lồng được làm bằng sắt, lưới bao quanh lồng dệt bằng sợi dù đường kính 2,2 cm. Lồng nuôi phải đặt cách bờ 3-5 mét để bảo đảm dòng chảy được lưu thông qua lồng, thuận tiện chăm sóc, quản lý. Môi trường nước luôn ổn định độ pH, không có rác thải sinh hoạt. Giống cá có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, lượng giống thả mỗi lồng khoảng 1080 con, mật độ thả 10 con/m3. Thức ăn chủ yếu cho các giống cá nuôi trong lồng là don sống, thức ăn công nghiệp.
Hàng ngày, thường xuyên kiểm tra nhu cầu thức ăn của cá để bảo đảm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Do được nuôi ở môi trường sông có dòng chảy lưu thông thường xuyên nên cá nhanh lớn, ít dịch bệnh hơn nuôi ở môi trường hồ, ao. Trong quá trình nuôi nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, sau 6 tháng, các hộ đều đạt sản lượng cao. Ðiển hình một lồng nuôi cá của gia đình anh Trần Duy Quỳnh, cá trắm đen đạt trọng lượng 2,4 kg/con, tỷ lệ sống đạt 93%, sản lượng cá thu được 2.400 kg. Với giá bán hiện tại 90.000 đồng/kg, tổng doanh thu đạt 216 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mỗi lồng nuôi lãi trên 56 triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm trang trại gia đình ông Phạm Ðình Chiểu, trang trại có số lượng lồng nuôi cá nhiều nhất (34 lồng) với nhiều loại cá. Ông Chiểu cho biết: Ban đầu, mô hình gặp rất nhiều khó khăn trong việc chọn giống cá nuôi, kỹ thuật, cách chăm sóc. Khi được huyện tạo điều kiện đi thăm mô hình nuôi cá ở sông Kinh Thầy (Hải Dương) và hỗ trợ kinh phí, ông mạnh dạn đầu tư 34 lồng nuôi cá diêu hồng, trắm, chép V1. Qua 5 tháng nuôi, ông Chiểu đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, môi trường lồng nuôi được vệ sinh thường xuyên nên cá sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh, trọng lượng đạt tiêu chuẩn đề ra. Trừ chi phí mỗi lồng cá cho thu nhập 45 triệu đồng. Ông Chiểu dự định năm 2013 sẽ đầu tư, mở rộng để tiếp tục nuôi cá diêu hồng, chắc chắn sản lượng sẽ cao hơn.
Qua trao đổi, ông Bùi Gia Khương, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vũ Thư cho biết: Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Những năm tới, khuyến khích các hộ nuôi thủy sản phát triển mô hình nuôi cá lồng theo quy hoạch chung của huyện, tránh phát triển tự phát, phát triển nóng. Ðịa điểm nuôi cá phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến lưu thông dòng chảy, phương tiện giao thông đường thủy, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững.
Từ những thành công của các hộ nuôi cá lồng, hy vọng sẽ tiếp thêm quyết tâm và kinh nghiệm để nhiều hộ nuôi thủy sản trong huyện Vũ Thư cũng như các địa phương có điều kiện phù hợp mạnh dạn đầu tư nuôi thủy sản theo phương thức mới này vào những năm sau.