Vụ tôm mới, nỗi lo cũ

Chưa có đánh giá về bài viết

Nông dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đang tất bật bước vào vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2014 với những nỗi lo vốn đã tồn tại nhiều năm nay: thiếu con giống chất lượng, diễn biến thời tiết bất thường, nguy cơ dịch bệnh và giá cả vật tư đầu vào tăng cao.

Thiếu con giống trầm trọng

Hiện nay, ở ĐBSCL duy nhất chỉ có tỉnh Bạc Liêu là có nhiều cơ sở SX tôm giống có quy mô lớn, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thả nuôi của bà con nông dân. Còn lại hầu hết các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh… đều thiếu con giống trầm trọng, phải trông chờ vào nguồn giống nhập từ nơi khác về, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

Cụ thể, tại Kiên Giang hiện có tới 188 cơ sở SX giống thủy sản nhưng mỗi năm chỉ SX ra được khoảng 1,5 tỷ con tôm giống, trong đó có khoảng trên 540 triệu con tôm sú (đáp ứng chưa tới 13% nhu cầu).

Theo kế hoạch, năm nay Kiên Giang sẽ thả nuôi 89.000 ha tôm nước lợ, trong đó có 2.235 ha nuôi công nghiệp, nhu cầu tôm giống là trên 6 tỷ con (4,18 tỷ tôm sú, 1,9 tỷ tôm chân trắng – TCT). Như vậy, lượng tôm giống mà Kiên Giang cần nhập từ các tỉnh về là khá lớn. Chính nhu cầu tăng cao như vậy đã khiến nguồn giống trôi nổi tìm cách len lỏi vào các vùng nuôi tôm theo cả đường bộ lẫn đường thủy mà cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát hết được.

Nông dân xã Đông Hòa, An Minh, Kiên Giang kiểm tra môi trường nước ao vèo tôm giống trước khi thả ra ruộng nuôi

Ông Nguyễn Đình Xuyên, Chi cục phó Chi cục Thú y Kiên Giang cho biết, để kiểm soát chất lượng giống thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra và bố trí 2 tổ kiểm dịch (hoạt động từ đầu tháng 1) trên khâu lưu thông tại hai huyện cửa ngõ vào vùng trọng điểm nuôi tôm là An Biên và Vĩnh Thuận.

Từ trước Tết Nguyên đán, lượng tôm giống nhập tỉnh đã bắt đầu tăng mạnh, chủ yếu từ các tỉnh miền Trung và Cà Mau, Bạc Liêu, nhiều nhất là từ Ninh Thuận, Bình Thuận. Kết quả xét nghiệm các mẫu tôm giống nhập tỉnh năm nay rất đáng lo ngại, với tỷ lệ giống nhiễm bệnh khá cao 32/68 mẫu (chiếm 47%).

Trong đó, có 14 mẫu có nguồn gốc từ Cà Mau, Bạc Liêu; 18 mẫu từ Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có 3/9 mẫu xét nghiệm miễn phí cho nông dân phát hiện nhiễm bệnh còi (Chi cục Thú y Kiên Giang tổ chức xét nghiệm tôm giống miễn phí cho nông dân nuôi theo hình thức tôm – lúa).

Theo ông Xuyên: “Tình trạng chung hiện nay là các tỉnh cấp giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản đều không có phiếu xét nghiệm các bệnh thuộc danh mục các bệnh thủy sản phải kiểm dịch theo Thông tư 52/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, hầu hết là kiểm tra cảm quan rồi cấp giấy, không ghi số lô hay dấu hiệu phân biệt, không niêm phong phương tiện… Chính đều này đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý”.


Nguy cơ dịch bệnh

Ngoài vấn đề chất lượng con giống, thì nông dân ở ĐBSCL còn phải đối mặt với với hàng loạt khó khăn đã tồn tại nhiều năm nay như hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm (cả công nghiệp lẫn quảng canh, tôm – lúa) chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa có hệ thống kênh cấp, thoát nước riêng biệt… Chính vì vậy mà chỉ cần 1 hộ nuôi bị dịch bệnh, xả thải chưa xử lý ra môi trường là cả vùng có nguy cơ bị lây nhiễm.

Nhu cầu tôm giống tăng cao ngay từ đầu vụ đã khiến nguồn giống trôi nổi tìm cách len lỏi vào các vùng nuôi tôm

Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Kiên Giang cho biết, đến thời điểm này nông dân trong tỉnh đã thả nuôi được trên 27.500 ha tôm quảng canh, tôm – lúa, do mới ở giai đoạn đầu nên chưa phát sinh dịch bệnh.

Riêng tôm công nghiệp các đơn vị đã thả nuôi được 112 ha, do thời tiết thời gian qua liên tục lạnh kéo dài nên tôm có hiện tượng chậm lớn. Đặc biệt là cơ sở nuôi tôm tại Kiên Lương (Công ty KISIMEX) đã có 1,7/5 ha tôm nuôi 40 ngày tuổi bị chết hàng loạt do hoại tử gan tụy.

Một bất cập nữa là trong vụ nuôi tôm 2013, nông dân các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đã tự phát đưa tôm TCT vào thả nuôi trong mô hình tôm – lúa (theo quy định, TCT chỉ được phép nuôi công nghiệp) với tổng diện tích được phát hiện là 570 ha.

Trong đó, nhiều nhất là tại huyện Vĩnh Thuận 329 ha, Gò Quao 199 ha, U Minh Thượng 42 ha… Năng suất tôm đạt từ 373 kg – 1,2 tấn/ha (cao hơn nhiều so với tôm sú). Tuy nhiên, bên cạnh những hộ nuôi có hiệu quả thì nhiều hộ đã bị thiệt hại nặng do tôm TCT nhiễm bệnh chết hàng loạt.

Theo ông Thanh, nguyên nhân nông dân tự phát nuôi tôm TCT trên ruộng lúa là do giá tôm tăng cao, trong khi đó TCT lại có thời gian nuôi ngắn hơn tôm sú và có khả năng nuôi ở mật độ dày (6 con/m2). “Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời thì khả năng người dân lại tự phát thả nuôi TCT trên ruộng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2014 này, với dện tích nhiều hơn”, ông Thanh cho biết.

Tại Trà Vinh, dù vụ nuôi tôm nước lợ 2014 cũng chỉ mới bắt đầu nhưng tình hình dịch bệnh đã xảy ra khiến cơ quan chức năng phải khuyến cáo nông dân tạm thời ngưng thả giống. Theo kế hoạch, vụ tôm năm nay toàn tỉnh Trà Vinh sẽ thả nuôi 22.440 ha, với nhu cầu tôm giống khoảng 3,7 tỷ con. Trong đó, có 4.240 ha nuôi tôm TCT thâm canh công nghiệp với trên 2,1 tỷ con tôm giống.

Các cơ sở SX, ương vèo tôm giống nhỏ lẻ, không đảm bảo chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều ở những vùng nuôi tôm

Điều đáng lo ngại là diện tích đầu vụ thả chưa nhiều nhưng đã có khoảng 10 ha thả nuôi tôm TCT bị thiệt hại. Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, nguyên nhân là do tình hình thời tiết đầu vụ nuôi diễn biến rất phức tạp, trời se lạnh kéo dài, độ mặn, độ pH, môi trường nước hiện không ổn định, gây bất lợi cho sức khỏe tôm nuôi, tạo điều kiện cho dịch bệnh tấn công.

Vì vậy, để đảm bảo SX đạt hiệu quả, ngành khuyến cáo nông dân vùng nuôi tôm tạm thời ngừng thả giống, tập trung cải tạo môi trường thật tốt, chờ khi nào tình hình thời tiết ổn định mới tiếp tục thả nuôi.

Đ.T.Chánh

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!