T2, 06/07/2020 09:47

Vượt dự kiến

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong 11 tháng đầu năm 2010 đã đạt 4,55 tỷ USD, tăng 17,86% so với cùng kỳ năm 2009. Với kết quả này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 sẽ đạt 4,7-4,8 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Hồi đầu năm, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 khoảng 4,5 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2009. Lúc đó, một số dự báo vẫn hoài nghi, cho rằng khó đạt. Bởi kinh tế thế giới chưa thoát khủng hoảng, chi tiêu vẫn thắt chặt và người tiêu dùng đang trong chiều hướng tiết kiệm. Và dư âm của năm 2009 còn khá nặng nề, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản chỉ đạt 4,2 tỷ USD, giảm 6,2% so với năm 2008.

Nên kết quả của năm 2010 đưa lại niềm phấn khởi đầy khích lệ cho ngành thủy sản. Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng khá ở hầu hết các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, EU vẫn là thị trường xuất khẩu chiến lược và quan trọng của thủy sản Việt Nam. Trong 11 tháng qua, EU đã nhập khẩu trên 300.000 tấn thủy sản với giá trị gần hơn 1,05 tỷ USD, tăng 2,6% về khối lượng và 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Mỹ đứng thứ hai.

Tháng 10/2010, lần đầu tiên trong lịch sử, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vượt qua mức 500 triệu USD/tháng. Cụ thể, trong tháng này xuất khẩu thủy sản đạt 133.624 tấn, trị giá 532,44 triệu USD, tăng gần 20% về giá trị so với cùng kỳ 2009.

Tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất 41,7%. Thứ hai là cá tra, tại các thị trường Mỹ, EU, Nga, cá tra Việt Nam chiếm đến 70-80% thị phần trong phân khúc sản phẩm này. Hai mặt hàng thủy sản chiến lược này cũng phải trải qua nhiều chông gai thị trường trong năm 2010.

Bộ NN&PTNT cho rằng, thực tiễn năm 2010 đang đặt ra một số vấn đề cấp bách trong bảo vệ và xây dựng thị trường thủy sản nước ngoài. Đó là cần có một chiến lược tổng thể và bài bản đối với nhóm sản phẩm đã giành được thế mạnh.

Cá tra fillet đông lạnh, tôm sú bóc vỏ đông lạnh, tôm cỡ lớn đông lạnh đã giành được những vị thế nhất định và nhu cầu vẫn được dự báo tăng trong thời gian tới. Cần xác định đó là những sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản và xây dựng chiến lược phát triển tổng thể dựa trên các dòng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao.

Trong chiến lược ấy, người nuôi cá tra và tôm (đặc biệt là cá tra) phải được hưởng lợi ích tương xứng của chuỗi giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu không thể tiếp tục sử dụng chiến lược giá cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nước ngoài nữa, mà phải nâng cao giá trị gia tăng bằng khoa học kỹ thuật. Ngành thủy sản Việt Nam thoát nhanh khỏi tình trạng như làm gia công (nuôi, chế biến, vận tải) cho nhà bán lẻ nước ngoài hưởng lợi, mà phải lớn mạnh để phát triển ổn định, bền vững.

Sáu Nghệ

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!