Đã có nhiều quy định thay đổi từ EU gây bất lợi cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất vào thị trường này. Để khắc phục những khó khăn lường trước, nhằm mang đến những thông tin cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp, một hội thảo do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương vừa được tổ chức tại Bình Thuận…
Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, Việt Nam hiện là nhà sản xuất và xuất khẩu thủy hải sản lớn thứ 5 của thế giới (sau Trung Quốc, Na Uy, Thái Lan, Đan Mạch), trong đó Việt Nam đứng thứ 5 tại thị trường Mỹ, thứ 8 tại Nhật và thứ 10 tại EU (chiếm 5% thị phần).
Thông tin từ VASEP cũng cho biết, hiện cả nước có 520 nhà máy chế biến thủy sản, trong đó 500 nhà máy đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và 400 nhà máy đông lạnh, 412 cơ sở chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn châu Âu (EU Code), công suất chế biến hơn 1,5 triệu tấn/năm.
Từ năm 2005, EU là thị trường trong top 3 của thủy sản Việt Nam sau Nhật và Mỹ, chiếm tỷ trọng bình quân 15%/kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Từ năm 2007 đến năm 2011, EU là thị trường số 1 của thủy sản Việt Nam, nhưng năm 2012, thị trường này đã tụt hạng xuống hàng thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch 1,135 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2011. Trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào EU chỉ đạt 512 triệu USD, giảm 7,8% so cùng kỳ năm rồi.
Hầu hết các sản phẩm thủy sản vào EU đều giảm mạnh. Trong đó, mực và bạch tuộc giảm 39%; cá tra giảm 14%; tôm giảm 1,5%; chỉ có cá ngừ là tăng 31% so với cùng kỳ năm 2012.
Theo ông Hòe, nguyên nhân thủy sản vào EU giảm mạnh là do suy thoái kinh tế rộng khắp tại các nước trong khối EU; Cùng với yêu cầu về tiêu chuẩn và chứng nhận chất lượng ngày càng khắt khe của thị trường này, cộng với tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam thiếu chiến lược tiếp thị bài bản và xây dựng thương hiệu cho thủy sản Việt Nam tại thị trường này.
Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương cho biết, tình hình xuất khẩu thủy sản vào EU của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều trở ngại do những thay đổi về chính sách và quy ước khi các sản phẩm thủy sản vào EU.
Theo ông Quân, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, yêu cầu cần hàng đầu là chất lượng. Hàng năm EU đều duyệt số lượng các DN được xuất khẩu thủy sản vào EU theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt EU Code. Các vấn đề doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hay gặp khi xuất khẩu vào EU là có dư lượng hóa chất bị cấm như kháng sinh; Các vi sinh vật có hại (nhiễm khuẩn); Gian lận C/O…
Chưa dừng lại ở các rào cản này, từ ngày 01/01/2014, EU vẫn cho phép Việt Nam hưởng GSP (hệ thống phổ cập thuế quan) đối với thủy sản, rút GSP của Trung Quốc, đồng thời vừa cho phép Myanmar hưởng lại EBA (quy ước miễn thuế cho hàng hóa của Myanmar, trừ vũ khí, vào EU). Điều này đồng nghĩa hàng thủy sản Việt Nam sẽ và vẫn tiếp tục duy trì lợi thế xuất khẩu so với hàng Trung Quốc. Mặt khác, cần tranh thủ lợi thế là có thể sử dụng nguyên liệu từ Myanmar theo nguyên tắc cộng gộp xuất xứ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, thủy sản Việt Nam cũng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng thủy sản xuất khẩu vào EU từ Myanmar. Bởi, hiện Myanmar cũng có nhiều mặt hàng thủy sản tương đồng với Việt Nam khi vào EU, lại được miễn trừ thuế, nên hàng Việt Nam sẽ khó cạnh tranh.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP xuất khẩu Bình Thuận Nguyễn Văn Hiền cho biết, sản lượng thủy sản vào thị trường EU trong 6 tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tình trạng kinh doanh của các doanh nghiệp làm hàng thủy sản xuất đi EU gặp nhiều trở ngại như chi phí lưu kho, lưu bãi lớn; Thời gian xin cấp C/O ở phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại quá lâu. Những khó khăn này vô hình trung tạo ra một bước cản cạnh tranh cho hàng thủy sản Việt Nam ngay từ trong nước, chứ chưa nói cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu…
Đại diện Công ty Thủy sản Nam Hải, Bình Thuận cũng cho biết, ngoài yếu tố thị trường EU ngày càng đòi hỏi gắt gao sản phẩm thủy sản nhập khẩu chất lượng, từ đầu năm đến nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là giá thủy sản vào EU đã giảm nhiều, điều này cũng khiến cho doanh nghiệp không có lãi khi muốn giữ mối hàng từ thị trường truyền thống này.