Mỗi năm, thủy sản nước ta thiệt hại hơn 14 triệu USD vì bị các thị trường nhập khẩu trả về, lý do chủ yếu là nhiễm khuẩn. Đó là kết quả phân tích của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc công bố trong hội thảo “Đáp ứng tiêu chuẩn – chiếm lĩnh thị trường: Giải pháp tháo gỡ thách thức đối với chuỗi giá trị thủy sản trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại” diễn ra ngày 21/3 ở Hà Nội.
Cụ thể, từ năm 2002 đến 2010, số vụ thủy sản Việt Nam trên 1 triệu USD bị thị trường Mỹ trả về là 380, thị trường EU trả về là 160; Việt Nam đứng đầu các nước xuất khẩu sang hai thị trường này có số lượng thủy sản bị trả về. Thị trường Nhật Bản, từ năm 2006 đến 2010, Việt Nam cũng đứng đầu với 120 vụ thủy sản trên 1 triệu USD. Còn thị trường Australia, thủy sản Việt Nam bị trả về gần 350 vụ, đứng thứ tư, sau Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc.
Thủy sản xuất khẩu bị trả về không ít, và lại bị trả về từ những thị trường lớn. Ba thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm của cả nước. Việc đánh giá khách quan về chất lượng thủy sản cũng như sự thích ứng của doanh nghiệp khi tham gia thị trường toàn cầu đã đặt ra bức thiết.
Cuộc họp trực tuyến đầu tháng Tư của Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2008 đã triển khai “Chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất thủy sản”. Cụ thể, từ năm 2008 triển khai “Chương trình giám sát an toàn thực phẩm thủy sản sau thu hoạch”, từ năm 2009 triển khai “Chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi và Chương trình kiểm soát an toàn vệ sinh cùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ”. Việc triển khai những chương trình này đã được cơ quan thẩm quyền của các thị trường nhập khẩu EU, Mỹ, Canada… định kỳ sang kiểm tra và công nhận để Việt Nam duy trì xuất khẩu ổn định.
Tuy nhiên, cuộc họp trực tuyến cũng thừa nhận “hoạt động rà soát, sửa đổi khung pháp lý triển khai (quy chế, sổ tay thực hành) cho phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất còn chậm. Trong trường hợp phát hiện mẫu vi phạm/vượt mức an toàn thực phẩm, việc cảnh báo, truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn kiểm tra cơ sở có biện pháp khắc phục trong một số trường hợp chưa được kịp thời”.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam nhận định, các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc, trách nhiệm môi trường và bảo vệ nguồn lợi của các thị trường nhập khẩu đang là thách thức lớn nhất đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Nhiều chuyên gia đề xuất, nước ta cần sớm có chính sách về dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và thông tin cho người sản xuất, giúp họ nắm được yêu cầu của thị trường, nhất là các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm luôn thay đổi và không ngừng nâng cao, để từ đó sử dụng hợp lý hóa chất và các loại thuốc. Bên cạnh, có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và tài chính giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng thủy sản, tiếp cận thị trường toàn cầu, để phát triển ổn định và bền vững.