T5, 02/01/2025 09:00

Vượt thách thức, vững tăng trưởng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 2024 là năm xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, tiến tới mốc 10 tỷ USD, trong đó mặt hàng tôm vẫn giữ vai trò chủ lực.

Ngành tôm thế giới tiếp tục tăng trưởng

Ngành tôm thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn đang phát triển bất chấp nhiều thách thức. Nhìn chung diện tích nuôi TTCT ngày càng được mở rộng và xuất khẩu TTCT vẫn là mũi nhọn của các quốc gia.

Nhiều nước ghi nhận sự phát triển đáng kể, điển hình là tôm nuôi của Mexico dự kiến đạt mức tăng trưởng 4% trong năm 2024. Ngành tôm Brazil vẫn đạt mức tăng trưởng 10%. Trong khi đó, tôm Ấn Độ xuất khẩu ước tăng 3% dù thiếu nguyên liệu. Tại Thái Lan, ngành tôm vẫn duy trì ổn định và dự kiến tăng 2% trong năm 2025. Venezuela là quốc gia đang phát triển diện tích nuôi tôm mạnh mẽ. Còn tại Indonesia, sản lượng tôm cũng đang phục hồi và dự báo mức tăng 3% trong năm 2025.

Theo Kontali – Công ty tư vấn và cung cấp dữ liệu thủy sản của Na Uy, sản lượng TTCT toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 5,7 triệu tấn, và năm 2025 tăng 7% lên 6,1 triệu tấn. Trong đó, Ecuador vượt 1,4 triệu tấn; Ấn Độ tăng 2%/năm, vượt 1 triệu tấn; Trung Quốc đạt 900.000 tấn. Việt Nam hơn 600.000 tấn, tăng 6%. Năm 2025, Ecuador, Việt Nam và Ấn Độ dự kiến tăng sản lượng, trong đó Ấn Độ tăng 6%.

Giá tôm thế giới trong năm 2024 khá ổn định và việc các thị trường tiêu thụ tốt cũng giúp người nuôi tôm bán được tôm nguyên liệu giá cao. Thậm chí giá tôm tại Việt Nam đang tăng mạnh. Thời điểm cuối năm, giá TTCT ướp lạnh nguyên con đã tăng khoảng 20% so cùng kỳ năm trước và tăng tới 40% so đầu tháng 8/2024. Các loại tôm cỡ nhỏ cũng ghi nhận mức tăng từ 13% đến 19%. Rất nhiều vùng nuôi rơi vào cảnh trúng giá nhưng không còn tôm để bán.

VASEP cũng đánh giá ngành tôm Việt Nam còn nhiều động lực để tăng trưởng, với mức tăng khoảng 9%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt 5,6 tỷ USD.

Con tôm vẫn là “Át chủ bài”

Theo VASEP, lũy kế đến cuối tháng 11/2024, xuất khẩu thủy sản đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so năm trước. Xuất khẩu tôm đạt mức tăng 22% trong tháng 11, cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm. Xuất khẩu cá tra sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm 2024. Cá ngừ ước đạt 1 tỷ USD bằng với kỷ lục năm 2022.

Tính đến ngày 15/11/2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU đạt hơn 422 triệu USD, tăng 16% so cùng kỳ năm trước.

Cũng theo VASEP, trong số các thị trường chính thuộc EU, 4 quốc gia bao gồm Đức, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ từ 11% đến 29%. EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ tư của Việt Nam, chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc – Hồng Kông trong tháng 10/2024 đạt 91 triệu USD, tăng 44%. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 676 triệu USD, tăng 31% so cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ tháng 10/2024 đạt hơn 80 triệu USD, tăng 17%. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này thu về 646 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ.

VASEP cho rằng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2024 đạt 4 tỷ USD hoàn toàn toàn khả thi. Với đà tăng trưởng hiện tại, cùng với sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ, các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường, ngành thủy sản Việt Nam có cơ sở để kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025.

Dự báo

Các chuyên gia dự báo, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có khả năng biến động nếu năm 2025 Mỹ áp thuế nhập khẩu 60 – 100% lên Trung Quốc và 10 – 20% lên các nước khác. Tuy nhiên, mặt hàng tôm không bị ảnh hưởng nhiều vì đã có chỗ đứng ổn định nhiều năm qua tại thị trường Mỹ.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 24,6% so cùng kỳ.

Hiện các tỉnh thành đang nỗ lực đầu tư vào vùng nguyên liệu, giảm giá thành và nâng chất lượng các mặt hàng xuất khẩu phục vụ cho xuất khẩu năm 2025. Tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu đến 2025, diện tích nuôi tôm đạt khoảng 280.000 ha, tổng sản lượng tôm đạt 280.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD.

Mặc dù vậy, VASEP vẫn dự báo, tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý I/2025. Các doanh nghiệp chế biến phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước.

Quan tâm hơn nữa

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 trong đó đề ra mục tiêu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ là 8,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, quá trình phát triển vùng tôm nguyên liệu đến nay vẫn còn khá lúng túng và thậm chí nhiều doanh nghiệp phải duy trì nhập khẩu tôm nguyên liệu từ nước ngoài để xuất khẩu. Việc phát triển vùng nuôi công nghiệp chủ yếu dựa vào số vốn có hạn của các doanh nghiệp.

Đơn cử, ngành tôm Bạc Liêu đã đạt mức tăng trưởng 4,89% và đưa tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 7,24%, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Con tôm trở thành “trụ đỡ” quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Tuy vậy, nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” cần số vốn hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi “nguồn lực đầu tư của tỉnh có giới hạn, nguồn vốn Trung ương đầu tư cho Bạc Liêu còn hạn chế”. Vì vậy, theo báo cáo của tỉnh thì “phần lớn các Chương trình, dự án ưu tiên đầu tư thuộc Đề án chưa được triển khai thực hiện”. Thậm chí hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh mới đạt gần 40% diện tích nuôi tôm của Bạc Liêu.

Do đó, bài toán tăng sản lượng, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt trên thị trường thế giới chắc chắn sẽ cần đến vai trò của Nhà nước. Đặc biệt trong việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người nuôi, giúp doanh nghiệp mở rộng vùng nuôi để xây dựng ngành tôm phát triển bền vững, tránh hiện tượng cuối năm tôm được giá thì nhà máy không còn tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản

Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm

Để đạt được mục tiêu cuối năm 2024 cũng như năm tiếp theo cho ngành tôm, vấn đề tăng năng suất và sản lượng phải đi song hành cùng lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng. Đồng thời, cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau

Thay thế quy trình nuôi tôm truyền thống

Địa phương tiếp tục tăng cường củng cố và thành lập mới các chuỗi liên kết sản xuất khép kín ngành hàng tôm, thông qua chuỗi liên kết sản xuất sẽ giúp hộ nuôi hạn chế được chi phí phát sinh do vật tư nuôi tôm đầu vào tăng giá. Thay thế quy trình nuôi tôm truyền thống theo hướng an toàn sinh học và tiết kiệm chi phí sản xuất, gắn với thân thiện với môi trường như: Nuôi xen canh tôm - lúa, mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, mô hình tuần hoàn, tái sử dụng nước (RAS) để giảm sử dụng hóa chất, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học thay thế cho xử lý hóa chất và kháng sinh,... Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm, chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông và hệ thống điện lưới công nghiệp. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống, thức ăn tôm, hóa chất, chế phẩm sinh học được sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về thu hút đầu tư; chính sách sử dụng đất, mặt nước,…

 

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!