(TSVN) – Mới đây, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã có buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam liên quan đến các dự án nông nghiệp thuận thiên. Trong đó, WB cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực có thể để hỗ trợ cho dự án liên quan đến thủy sản.
Cụ thể, chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với bà Mona Sur, Giám đốc ngành Môi trường, tài nguyên và Kinh tế biển của WB và bà Kathy Whimp, Giám đốc Điều hành Hoạt động Dự án WB tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương.
Về phía WB, bà Kathy Whimp bày tỏ WB đánh giá cao hợp tác với Bộ NN&PTNT trong thời gian qua, đồng thời cho biết Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (WB9) chuẩn bị đóng lại và đã có những thành công nhất định. Trong khi đó, Dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (WB11) đang trong quá trình chuẩn bị triển khai.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với đại diện của WB tại Việt Nam. Ảnh:Linh Linh
Được biết, Dự án WB9 triển khai cách đây hơn 10 năm, tiên phong trong những ý tưởng về cuộc sống giữa thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại buổi làm việc, bà Mona Sur chia sẻ ấn tượng với sự thay đổi sinh kế ở ĐBSCL thông qua dự án này, đồng thời bày tỏ: “Chúng tôi nhận thấy nhiều ví dụ về việc nông dân được hỗ trợ chuyển đổi từ lúa sang lúa và tôm, hay các hoạt động trồng trọt ở vùng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi tôm, cua. Sự hỗ trợ cũng được mở rộng để có cơ sở hạ tầng bền vững hơn. Đây sẽ là nền tảng tốt để triển khai dự án WB11 tới đây”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, các địa phương và chuyên gia Bộ đánh giá cao sự thành công của dự án WB9, tuy nhiên để đóng dự án vào ngày 30/6, cần hoàn thành một số công việc liên quan đến kỹ thuật. Bộ đã giao các đơn vị có báo cáo, đưa ra kịch bản truyền thông để thúc đẩy sức lan tỏa và hiệu quả từ dự án này mang lại cho khu vực ĐBSCL.
Theo Bộ trưởng, đây là khởi đầu để tiếp nối các giá trị từ dự án, lan tỏa ra các dự án khác hay nhận ra cách tiếp cận để thay đổi, chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL. “Những mô hình sinh kế lúa – tôm, lúa – cá và mô hình nông nghiệp thuận thiên khác đã cho nông dân thấy rằng dù gặp phải thách thức của biến đổi khí hậu, họ vẫn có cách để sinh tồn và làm giàu trên mảnh đất của mình, với sự hỗ trợ, nguồn lực, tư vấn kỹ thuật của các thể chế quốc tế, trong đó có WB”. Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, sáng 28/5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với bà Mona Sur, Giám đốc ngành Môi trường, Tài nguyên và Kinh tế biển của Ngân hàng Thế giới (WB) về Dự án phát triển thủy sản bền vững.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc với WB về Dự án phát triển thủy sản bền vững. Ảnh: Linh Linh
Mặc dù Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực thủy sản với lợi thế về khai thác và nuôi biển, Quy hoạch tổng thể để phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã được phê duyệt, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ngành thủy sản vẫn còn lạc hậu. Dự án Phát triển thủy sản bền vững (SFDP) vay vốn WB có thể đặt nền móng vững vàng cho cơ sở hạ tầng toàn ngành trong tương lai.
Chia sẻ về kết quả Dự án SFDP, Ban quản lý dự án Nông nghiệp (Ban CPO Nông nghiệp) cho biết luôn cố gắng đáp ứng tiến độ yêu cầu của Bộ NN&PTNT và WB. Dự kiến tháng 8, Ban CPO sẽ trình Bộ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thành xin ý kiến các cơ quan liên quan về báo cáo, khung chính sách bồi thường…Tổng mức đầu tư giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi là 118,51 triệu USD, riêng vốn vay IBRD của WB là 83,6 triệu USD.
Với những tồn tại, vướng mắc về quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án, Ban CPO đề xuất WB sớm hướng dẫn thủ tục điều chỉnh Đề xuất dự án viện trợ không hoàn lại GEF-8, xây dựng thẩm định dự án và gửi Bộ NN&PTNT để tổ chức làm việc với các Bộ liên quan. Ngoài ra, Ban CPO cũng kiến nghị WB hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trong nước, cử chuyên gia đồng hành cùng chuyên gia Việt Nam xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhanh và đồng bộ.
Trao đổi với các bên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ đôn đốc các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa khẩn trương hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết đáp ứng tiến độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn dự án. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ đề nghị tỉnh Thái Bình và Kiên Giang khẩn trương phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đối với tiểu dự án cảng cá Thụy Tân và tiểu dự án Trung tâm Nghề cá lớn Kiên Giang.
Sau khi lắng nghe các thông tin cập nhật về quá trình chuẩn bị phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án của Bộ NN&PTNT và các tỉnh, đại diện WB một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phê duyệt báo cáo để WB tiến hành các thủ tục thẩm định nội bộ và hoàn thành phê duyệt dự án vào cuối năm nay. Bà Mona Sur cho rằng, ngành thủy sản là ngành quan trọng và then chốt với nền kinh tế và đời sống người dân Việt Nam. Do vậy, WB cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Hành trình chuẩn bị cho dự án SFDP đã trải qua 6 năm. Đây là hành trình dài cho quá trình chuẩn bị để thống nhất ý tưởng, trình ban lãnh đạo WB về dự án trong năm 2024. Phía WB khẳng định đã huy động mọi nguồn lực có thể để hỗ trợ cho dự án chính. Với những khoảng trống và nội dung cần hỗ trợ, hai bên sẽ tiếp tục làm việc để có thể xử lý và đưa ra giải pháp hợp lý.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)