(TSVN) – Hiện, không ít các cảng cá tại một số địa phương ven biển bị bồi lấp, gây nhiều khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, việc đầu tư nạo vét, khơi thông luồng lạch là hết sức cấp bách. Một trong những giải pháp được đưa ra là xã hội hóa công tác nạo vét, thông luồng cửa biển, các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền, nhằm tạo điều kiện phát triển nghề cá và các dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá.
Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh thông tin, hiện tình trạng bồi lắng luồng lạch không chỉ diễn ra ở cảng Cửa Sót mà tất cả các cảng cá ở địa phương như: Xuân Hội (Nghi Xuân), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (Kỳ Anh) đều đang đối mặt với khó khăn này. Đây cũng chính là một trong những lý do chính khiến số lượng tàu, thuyền ra vào các cảng cá giảm từ 30 – 50% so trước đây.
Đặc biệt với cảng cá Xuân Hội, theo chia sẻ của ngư dân Lưu Văn Truyền, chủ tàu vỏ sắt 800 CV ở xã Xuân Hội, không chỉ bị bồi lắng, khu vực này còn đứng trước viễn cảnh bị cô lập với nước biển bởi các cồn cát ngày càng lấn sâu vào chân cầu. Cảng nhỏ, cạn, chủ tàu, thuyền giành nhau vị trí, thời điểm để cập bến. Không ít lần tàu của ngư dân bị gãy chân vịt, móp thành tàu. Khu vực trước cửa biển của cảng cạn trơ đáy mỗi khi thủy triều xuống. Cát bồi lấp từ nhiều năm qua đã tích tụ thành bãi. Thời điểm mực nước xuống thấp, luồng hàng hải tại cảng không còn lối để ra vào. Không ít lần các chủ tàu, bạn thuyền va chạm nhau do bức bối, tranh giành vị trí neo đậu.
Tàu thuyền khi cập cảng Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bị “mắc kẹt”, phải chờ nước dâng mới có thể ra. Ảnh: Đức Hùng
Thực trạng bồi lắng luồng lạch tại các cảng cá không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi mà còn gây ra nhiều nguy hiểm khi các tàu, thuyền đi tìm bến neo đậu để tránh trú bão; đồng thời tác động tiêu cực đến hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo số liệu thống kê, lượng tiêu thụ dầu tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giảm từ 50 – 60% so trước đây; sản lượng thu mua của các cơ sở chế biến hải sản chỉ đáp ứng được 2/3 so với nhu cầu. Theo phản ánh của các đơn vị thu mua, chế biến các sản phẩm từ hải sản đánh bắt trên địa bàn, trong hai năm qua, sản lượng thu mua giảm hơn 30%. Nếu chính quyền địa phương không quyết liệt gỡ khó cho ngư dân yên tâm ra khơi bám biển thì kế hoạch sản xuất của các cơ sở thu mua, chế biến hải sản cũng có nguy cơ phá sản.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2017 đến nay, Cảng cá Sa Huỳnh và Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa có ít tàu cập cảng, vì luồng lạch liên tục bị bồi lấp. Tại Cảng cá Sa Huỳnh, có đến gần 1.000 m luồng đã bị bồi lấp, trong đó có 650 m bị bồi lấp không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào. Vì vậy, hiện nay mỗi ngày chỉ có khoảng chục tàu cá công suất nhỏ khai thác ven bờ cập cảng Sa Huỳnh. Ông Trần Lê Hồng Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vì nguồn lực hạn chế nên các cửa biển không được nạo vét và thông luồng định kỳ hằng năm, dẫn đến tình trạng bồi lấp ngày càng trầm trọng. Điều này khiến ngư dân ngại đưa tàu cập cảng, kéo theo nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Sa Huỳnh ngày càng khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân.
Trước thực trạng không ít các cảng cá tại một số địa phương ven biển bị bồi lấp, gây nhiều khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, việc đầu tư nạo vét, khơi thông luồng lạch là hết sức cấp bách, tuy nhiên, nhiều nơi vẫn đang gặp trở ngại do nguồn kinh phí cho hoạt động này còn rất eo hẹp.
Trong giai đoạn 2017 – 2021, ngân sách tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí trên 4,6 tỷ đồng thực hiện các dự án nạo vét, thông luồng Cảng cá Sa Huỳnh và Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa. Tuy nhiên, việc nạo vét, thông luồng chỉ thực hiện tại những đoạn xung yếu, bồi lấp nặng nên hiệu quả thấp, thậm chí xảy ra tình trạng “vét chỗ này, bồi chỗ khác”. Còn với tỉnh Hà Tĩnh, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã chỉ đạo Ban quản lý cảng cá Hà Tĩnh lập dự án theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, do các sở, ngành chuyên môn chưa thống nhất được quan điểm nên việc triển khai dự án nạo vét theo hình thức xã hội hóa đang bị ngưng trệ.
Cảng cá bị bồi lắng, gây khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân; ảnh: T. Tuấn
Đại diện Ban Quản lý Các cảng cá Hà Tĩnh chia sẻ, trước thực trạng bồi lắng nghiêm trọng tại cảng Cửa Sót, năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt và công bố danh mục nạo vét vùng neo đậu trước bến và luồng vào cảng để tiến hành nạo vét, duy tu hằng năm. Đơn vị đã kêu gọi được doanh nghiệp thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét trong vùng nước cảng biển theo hình thức thu hồi sản phẩm nạo vét. Tuy nhiên, do trong tỉnh chưa có đơn vị tư vấn độc lập, có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực để triển khai theo quy định; các sở, ngành chuyên môn vẫn coi đây là dự án khai thác khoáng sản được triển khai tại vùng nước cảng biển nên đặt ra một số yêu cầu về hồ sơ, thủ tục vượt ra khỏi tầm xử lý của đơn vị triển khai. Do đó, việc triển khai bị ngưng trệ từ đó đến nay.
Năm 2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nghị quyết số 93/NQ-HĐND về đầu tư dự án nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng tàu, khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn với số vốn 76 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án chủ đầu tư đã gặp một số vướng mắc liên quan đến tuyến đường thủy nội địa nên đã kiến nghị lên tỉnh tìm phương án giải quyết.
Ông Lê Đại Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa khẳng định, UBND tỉnh đã báo cáo với Bộ Giao thông vận tải xin đầu tư, nạo vét luồng vào cho tàu cá và đang chờ ý kiến Bộ. Sau khi có ý kiến Bộ đơn vị sẽ trình duyệt dự án, thi công theo đúng tiến độ, mục tiêu từ 2022 – 2024 sẽ hoàn thành dự án này và sau khi dự án được hoàn thành sẽ đảm bảo thiết kế, đảm bảo số lượng tàu thuyền ra vào cảng, cũng như vào âu tránh bão, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Hải Lý