Xác định tỷ lệ cho ăn hợp lý trên cá trê phi (Clarias Gariepinus)

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong những năm gần đây, cá trê phi được nuôi rất phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới. Cá trê phi là một trong những loài cá nước ngọt bản địa rất có giá trị kinh tế.

Đặt vấn đề

Ở các tỉnh vùng ĐBSCL, đây là một trong những đối tượng quan trọng và được nuôi phổ biến (trích dẫn từ Dương Nhựt Long, 2006). Ở miền bắc, trong những năm gần đây cá trê phi được nuôi nhiều ở các tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh… Cá trê phi được nuôi bằng các mô hình quảng canh, bán thâm canh và thâm canh, trong đó sản lượng được cung cấp chủ yếu từ mô hình thâm canh. Trong mô hình nuôi thâm canh cá trê phi thì chi phí thức ăn chiếm khoảng 80% chi phí sản xuất. Hiện nay giá thức ăn cho cá trê phi đang ở mức cao làm cho chi phí sản xuất cá trê lai tăng cao. Điều này gây khó khăn cho người nuôi và việc đạt được lợi nhuận cao trong mô hình nuôi cá trê phi là điều không dễ dàng. Vì vậy làm thế nào để giảm chi phí thức ăn là vấn đề cấp thiết cần được nghiên cứu.

Thực hiện nghiên cứu

Cá trê phi (Clarias gariepinus) có khối lượng từ 14 – 16 g/con nuôi tại khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên, thực hiện trong 2 tháng và bao gồm 4 nghiệm thức 100, 90, 80 và 70, tương ứng với các tỷ lệ cho ăn 100% (cho ăn đến khi cá hoàn toàn no), 90%, 80% và 70% lượng thức ăn của nghiệm thức 100%.  Thí nghiệm đều được bố trí lặp 3 lần (12 bể mỗi bể có kích thước 2 × 1 ×1,5 m, cỡ cá 14 – 16 g/con). Mật độ cá thả: 90 con/bể

Cá ở các nghiệm thức được cho ăn 2 lần/ngày bằng cám viên công nghiệp với các tỷ lệ nêu trên. Lượng thức ăn trong mỗi bể được điều chỉnh hàng tuần để đảm bảo cá không bị thiếu thức ăn. Lượng thức ăn tiêu thụ trong mỗi bể được ghi chép hàng ngày để tính toán FCR khi kết thúc thí nghiệm.

Cho ăn

Các bể thí nghiệm cho ăn ngày hai lần, buổi sáng khoảng vào 7 – 9h, buổi chiều khoảng 15 – 17h. Cho cá theo tỷ lệ 100%, 90%, 80%, 70% sau 60 phút vớt thức ăn thừa, ghi chép lượng ăn hàng ngày của từng bể.

Theo dõi môi trường

Quan sát màu nước bể qua các ngày và đo các thông số môi trường: Nhiệt độ, DO, pH, NH3, NH4+, NO3. Nhiệt độ đo bằng nhiệt kế và ghi chép lại các thông số môi trường điều chỉnh thay nước cho hợp lý. Các thông số pH, DO, NH4+, NH3 đo bằng bộ test so màu Sera của Đức. Các thông số: NH4+, NH3 theo dõi trước và sau khi thay nước (chu kỳ 1 tuần/lần).

Quản lý sức khỏe cá

Kiểm tra hoạt động ăn, bắt mồi của cá hàng ngày. Theo dõi cá bệnh, cá chết và tỷ lệ sống. Thu mẫu kiểm tra bệnh cá định kỳ.

Các chỉ tiêu về tăng trưởng của cá, tỷ lệ sống và hệ số thức ăn FCR:

Kết quả 

Sự biến động các yếu tố môi trường

       Sự biến động của các chỉ tiêu chất lượng nước trong thời gian thực  hiện  nghiên cứu  như sau: DO buổi sáng, 4,5 – 5,5 mg/L; DO buổi chiều, 4,8 – 6,5 mg/L; pH, 7 – 8; nhiệt độ nước buổi sáng, 26,0 – 32,5oC; nhiệt độ nước buổi chiều, 27,7 -35,5oC; hàm lượng ammonia, 0,000 – 0,010 mg/L. Trong thời gian thí nghiệm, việc thay nước và lắp đặt hệ thống sục khí vào ao nuôi cá thí nghiệm  đã được  thực hiện. Những biện pháp này đã giúp các chỉ tiêu chất lượng nước ổn định và đều nằm trong khoảng thích hợp cho việc tăng trưởng  của cá trê phi (trích dẫn từ Trương Quốc Phú, 2006).

Ghi chú: Giá trị thể hiện là số trung bình ± độ lệch chuẩn. Các chữ cái giống nhau trong cùng một cột không có ý nghĩa thống kê (P>0,05).

Nhìn chung, tỷ lệ sống sau 2 tháng nuôi của 4 nghiệm thức dao động trong khoảng từ 92,12 – 95,55% và không có sự khác biệt thống kê (p>0,05). Như vậy, tỷ lệ sống của cá trê phi thí nghiệm này không bị ảnh hưởng bởi việc giảm lượng thức ăn. Điều này có thể chứng minh nếu phương pháp cho ăn giảm dần theo tỷ lệ hợp lý sẽ không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá trê phi, mà chi phối đến tỷ lệ sống của cá trê phi là các yếu tố khác có thể do môi trường bất lợi, thời tiết, cá bị bệnh,quá trình vận chuyển xây xát…

Tốc độ tăng trưởng

Sau 2 tháng ương nuôi thí nghiệm ta có thể thấy rằng: Kết quả về tăng trưởng của NT1 là cao nhất với các chỉ số tương ứng là: Wc đạt 74,51 g, ADGw đạt 0,98±0,03a (g/ngày).Tiếp đến là NT2 có Wđ đạt 72,46 g, ADGw đạt 0,94±0,021b (g/ngày). NT3 có Wđ 70,55 g, ADGw đạt 0,92±0,022ab (g/ngày). Cuối cùng là NT4 có Wđ đạt 60,13 g, ADGw đạt 0,74±0,027c (g/ngày).

Kết quả tăng trưởng về khối lượng cho thấy: Việc cho ăn giảm dần theo tỷ lệ với cùng độ đạm ở cả 4 nghiệm thức lại có sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (p< 0,05). Khi cho cá trê phi ăn với lượng 70% so với nghiệm thức tối đa, trọng lượng trung bình cá thí nghiệm nhỏ hơn một cách có ý nghĩa (p< 0,05). Tuy nhiên cho ăn với lượng thức ăn 80%, 90% so với lượng thức ăn tối đa thì trọng lượng trung bình không có sự sai khác so với nghiệm thức 100%(p>0,05). Như vậy, NT1 và NT2 và NT3 không có sự khác biệt thống kê, còn NT1 có sự khác biệt thống kê so với NT4.

Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR)

Giá trị thể hiện là số trung bình ± độ lệch chuẩn. Số liệu trên cùng 1 cột có cùng chữ số thể hiện sai khác chưa có ý nghĩa (P>0,05).

Bảng 3 cho thấy, hệ số tiêu tốn thức ăn bình quân ở cả bốn nghiệm thức dao động từ 1,58 – 1,95. FCR nhỏ nhất ở NT4 (cho ăn 70% lượng thức ăn của NT1) bằng 1,58±0,08b tiếp đến là NT3 (cho ăn 80% lượng thức ăn của NT1) là 1,65±0,05b sau đó là NT2 (cho ăn 90% lượng thức ăn của NT1) 1,87±0,03a là và cao nhất NT1 (cho ăn no hoàn toàn 100%) là 1,95±0,01a.

Việc cho ăn theo NT4(70% so với lượng thức ăn tối đa) mặc dù có FCR nhỏ nhất nhưng nó lại có sự sai khác có ý nghĩa thống kê (p>0,05) về trọng lượng trung bình, còn cho ăn theo NT3 (80% so với lượng thức ăn tối đa) và NT2 (90% so với lượng thức ăn tối đa) lại không có sự sai khác về trọng lượng trung bình so với nghiệm thức 100%(p>0,05). Tuy nhiên, NT3 (80%) lại có FCR nhỏ hơn so với NT2 (90%). 

Từ đó, có thể thấy cho cá ăn 80% so với lượng thức ăn tối đa (100%) thì không làm ảnh hưởng đến trọng lượng trung bình và tỷ lệ sống của cá trê phi ngược lại chỉ tiêu về hệ số chuyển đổi thức ăn lại thấp hơn hẳn so với FCR của NT2 và NT1 là (1,65 so với 1,87 và 1,95). Vì vậy, việc cho ăn bằng 80% so với lượng thức ăn tối đa sẽ giúp cho việc hấp thu thức ăn hiệu quả hơn, giảm lượng thức ăn thừa thải ra môi trường nước, giúp duy trì ổn định chất lượng môi trường nước trong ao nuôi, cá ít bệnh hơn, vì vậy rủi ro sẽ thấp hơn. Điều quan trọng nhất mà nghiên cứu này đạt được đó là hệ số thức ăn giảm một cách đáng kể khi chúng ta cho ăn lượng thức ăn bằng 80% so với nghiệm thức ăn tối đa. Chính vì vậy chi phí thức ăn cũng giảm theo một cách có ý nghĩa. 

>> Với kết quả nghiên cứu đã đạt được, khi sản xuất 10 tấn cá trê phi chỉ tiêu tốn 16,5 tấn thức ăn thay vì phải tốn 19,5 tấn nếu như cho cá ăn tối đa. Điều này giúp tiết kiệm được 3 tấn với giá trung bình là 9 triệu đồng/tấn thức ăn, chi phí thức ăn tiết kiệm được khoảng 27 triệu đồng đây. Đây là 1 khoản chi phí không nhỏ trong sản xuất thức ăn và điều này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nuôi, giúp cho nghề nuôi cá trê phi ở Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Nguyễn Công Thiết

Khoa Thủy sản – Học Viện Nông nghiệp Việt Nam

Email: ncthiet@vnua.edu.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!